Săn hàng livestream xả kho dịp cuối năm, cẩn thận “ăn trái đắng"
Hình thức bán hàng qua livestream đã trở thành trào lưu phổ biến, đặc biệt vào dịp cuối năm khi các chương trình xả kho giảm giá "cực sốc" thu hút hàng nghìn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như giá rẻ và sự tiện lợi, nhiều người đã gặp phải tình cảnh "dở khóc dở cười" khi sản phẩm nhận được không như kỳ vọng, chất lượng kém, hoặc thậm chí bị lừa đảo.
Bẫy xả kho giá rẻ trên livestream
Một trong những vấn đề phổ biến nhất là sản phẩm nhận được không giống như quảng cáo. Trên livestream, các chủ shop thường sử dụng những lời quảng cáo hoa mỹ như "giá siêu rẻ", "xả kho thanh lý cuối năm", "chỉ còn vài sản phẩm", đi kèm với hình ảnh sản phẩm bóng bẩy. Tuy nhiên, nhiều khách hàng sau khi nhận hàng đã phản ánh: Sản phẩm kém chất lượng, khác xa hình ảnh trên livestream. Hàng bị lỗi, hết hạn sử dụng, hoặc đã qua sử dụng.
Trong các chương trình xả kho, hàng giả, hàng nhái thường được trà trộn với số lượng lớn. Các mặt hàng dễ bị làm giả bao gồm mỹ phẩm, đồ điện tử, và thời trang. Người mua khó kiểm chứng được nguồn gốc sản phẩm khi chỉ dựa vào thông tin trên livestream.
Một số livestream sử dụng chiêu bài "giá sốc trong 10 phút", "chốt đơn ngay kẻo hết hàng", khiến người mua vội vàng đặt hàng mà không kịp kiểm tra kỹ thông tin. Thực tế, đây là thủ thuật tâm lý để thúc đẩy mua hàng.
Một số đối tượng lợi dụng livestream để thực hiện hành vi lừa đảo: Sau khi khách hàng chuyển khoản, không giao hàng hoặc giao hàng sai. Dùng các tài khoản livestream ảo để bán hàng rồi biến mất ngay sau khi nhận tiền.
Chị Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng chị đã mua một bộ mỹ phẩm "giảm giá 70%" qua livestream xả kho. Khi nhận hàng, chị mới phát hiện sản phẩm không có nhãn mác rõ ràng và gây kích ứng da khi sử dụng. Trước đó, chồng chị Huyền cũng đặt mua một chiếc đồng hồ "xả kho chính hãng" với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm nhận được là hàng nhái, không sử dụng được sau vài ngày. “Tưởng mua được hàng tốt giá rẻ nhưng cuối cùng lại thành lãng phí, mua đắt vì hàng giả phải mua giá cao, lại không sử dụng được”- chị Huyền cho biết.
Bà Thanh, một cán bộ hưu trí tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng vừa bị lừa gần 2 triệu đồng khi đặt mua chiếc đệm massage dành cho người bị đau mỏi xương khớp qua livestream nhưng sau đó shop "bặt vô âm tín", không thể liên lạc.
Phân tích về lý do nhiều người vẫn sập bẫy giá rẻ, thạc sĩ, chuyên gia tâm lý học Dương Quỳnh Hoa cho rằng: Giá rẻ luôn là yếu tố thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng. Những lời mời gọi như "hàng thanh lý giá gốc" hoặc "xả kho phá giá" đánh trúng tâm lý người dùng, dễ khiến người tiêu dùng tin tưởng và vội vàng mua hàng. Nhiều người không kiểm tra kỹ thông tin về shop, đánh giá từ khách hàng cũ hoặc nguồn gốc sản phẩm. Các nền tảng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ đối với các livestream bán hàng, tạo điều kiện cho các đối tượng gian lận hoạt động.
La liệt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang không rõ nguồn gốc được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử.
Làm thế nào để tránh "trái đắng" khi mua hàng livestream?
Mặc dù tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng được phản ánh và cơ quan chức năng cảnh báo thường xuyên nhưng người tiêu dùng vẫn liên tục “mắc lưới”. Để tránh mua phải “trái đắng”người tiêu dùng cần thông thái, sáng suốt, ưu tiên mua hàng từ các shop có thương hiệu hoặc nhận được nhiều đánh giá tích cực. Tránh các tài khoản livestream không rõ ràng hoặc mới tạo. Yêu cầu hóa đơn hoặc thông tin nguồn gốc sản phẩm trước khi đặt mua. Tìm hiểu chính sách đổi trả hàng của shop trước khi giao dịch. Cẩn thận với các livestream thúc giục mua hàng trong thời gian ngắn. Nên cân nhắc và so sánh giá cả trước khi quyết định. Chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) để kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán.
Theo Luật sư Trần Tuấn Ngọc, Đoàn Luật sư TP HCM, nếu khách hàng không may mua phải hàng giả trên mạng, khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường và bảo vệ quyền lợi của mình. Khách hàng có thể giữ hoá đơn, lưu lại biên lai, lưu giữ mọi giấy tờ liên quan đến giao dịch, bao gồm hóa đơn, biên lai, và tin nhắn trao đổi với người bán; Chụp ảnh, quay video ghi lại sản phẩm khi nhận được, đặc biệt nếu có dấu hiệu hàng giả hoặc không đúng mô tả; Gửi yêu cầu đổi trả hàng và đòi lại tiền thông qua các kênh liên lạc với người bán (nhắn tin, email, gọi điện). Một số cửa hàng có chính sách đổi trả trong thời gian nhất định. Hãy yêu cầu họ thực hiện đúng cam kết.
Nếu mua hàng qua các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki...) hoặc qua Facebook, TikTok: Báo cáo gian lận,dùng chức năng "Báo cáo" (report) trên nền tảng; Yêu cầu hoàn tiền vì hầu hết các sàn TMĐT đều có chính sách hỗ trợ khách hàng trong trường hợp hàng giả hoặc không đúng mô tả. Gửi bằng chứng và yêu cầu giải quyết.
Trong trường hợp, nếu không giải quyết được trực tiếp với người bán, nhận thấy người bán có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật bạn có thể liên hệ đến cơ quan chức năng như công an kinh tế hoặc công an khu vực. Cung cấp đầy đủ bằng chứng giao dịch.
Livestream bán hàng là một kênh mua sắm tiện lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người tiêu dùng không cẩn thận. Để tránh "ăn trái đắng", cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin, và không để tâm lý ham rẻ chi phối. Chỉ khi có sự kiểm soát chặt chẽ từ các nền tảng và ý thức mua sắm an toàn từ phía khách hàng, thị trường livestream mới có thể phát triển lành mạnh.