Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: Công cụ quan trọng xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính
Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã góp phần quan trọng xây dựng chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực
91% bộ, ngành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cho biết: Sau hơn 7 năm triển khai, Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, sau này được nâng cấp thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đã khẳng định được vai trò là một công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò đầu mối, đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg |
Tại các bộ, ngành, 91% bộ, ngành (20/22 bộ, ngành) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của các bộ, ngành đã xây dựng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, tỷ lệ 75,5%).
Tại địa phương, 98,4% địa phương (62/63) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của địa phương đã xây dựng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính).
Đồng thời, các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng, theo đó có 62/63 địa phương (tỷ lệ 98,4%) đã triển khai việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tại các UBND cấp xã, trong đó đã có 5.564/8.910 UBND cấp xã (tỷ lệ 62,5%) đã xây dựng, áp dụng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định.
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Qua gần 7 năm triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, có thể thấy sự thành công của việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước được quyết định bởi nhận thức và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, ý chí quyết tâm của lãnh đạo cơ quan và sự vào cuộc của cán bộ trong cơ quan, tổ chức.
“Việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước nếu được kết hợp với thủ tục hành chính “một cửa” và công nghệ thông tin, số hóa quy trình, thủ tục thì hiệu quả rất cao, có tính chất cộng hưởng” - ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Trước vấn đề này, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhận định: Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần xây dựng Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực, phục vụ nhân dân”.
Theo đó, cần nhân rộng các cách làm tốt và ghi nhận, tôn vinh những cống hiến thầm lặng của những cán bộ trực tiếp triển khai, sự quyết tâm bền bỉ, kiên định của lãnh đạo các cấp trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Bởi những nỗ lực đó đã đóng góp quan trọng vào việc cải tiến các quy trình xử lý công việc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đồng thời, góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống.