Tuesday, Nov 20, 08:11 PM

Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng

MacBook Air, MacBook Pro và Mac Mini mới của Apple thoạt trông giống hệt bề ngoài các phiên bản ra mắt trước đó, nhưng những thay đổi bên trong có thể sẽ khiến các nhà sản xuất máy tính khác phải toát mồ hôi để chạy theo.

Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng
Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng
Apple luôn chào bán những chiếc máy tính của mình giống như những chiếc xe hơi siêu sang, với việc gây ấn tượng về thiết kế đồng thời hứa hẹn hiệu năng xuất sắc giúp bạn dễ dàng hoàn tất công việc. Giờ đây, với việc chuyển sang sử dụng chip “cây nhà lá vườn”, Apple đang kỳ vọng sẽ tiếp tục lôi kéo người dùng bằng khả năng kiểm soát phần cứng lẫn phần mềm của họ.
Tuần qua, Apple đã bắt đầu cho phép người dùng đặt hàng trước máy tính xách tay MacBook Air 999 USD mới và máy tính xách tay MacBook Pro 1.199 USD , cũng như máy tính để bàn Mac Mini 699 USD sử dụng chip mới. Công ty cho biết các máy tính mới đã đạt chuẩn của Apple trong mỗi chu kỳ nâng cấp để trở thành một trong những chiếc máy tính cá nhân xách tay nhanh nhất thế giới. Hấp dẫn hơn là giờ đây thời lượng pin của chúng trở nên tốt hơn trong khi không sử dụng đến quạt tản nhiệt (ở mẫu MacBook Air).
Apple cho biết tất cả những thay đổi đó xuất phát từ chip silicon M1 mới của công ty sử dụng kiến trúc ARM dành riêng cho máy tính Mac. Như vậy, sau 14 năm phải phụ thuộc vào vi xử lý Intel, giờ đây Apple đã có thể loại bỏ thứ mà họ không kiểm soát được ra khỏi hệ sinh thái máy tính của mình và tiếp tục gia tăng khả năng “tự sản xuất” phần cứng của mình.
Để có được chip M1, Apple đã dành hơn một thập niên để nghiên cứu, phát triển và tiêu tốn ít nhất 1 tỉ USD để thâu tóm nửa tá công ty liên quan nhằm tối ưu và sản xuất một vi xử lý mạnh mẽ cho máy tính, dựa trên các chip A-Series dành cho iPhone và iPad của họ. Apple cho biết giờ đây M1 không chỉ cạnh tranh với các vi xử lý của Intel trên thị trường máy tính mà còn là đối trọng của Intel.
Theo CNET, động thái làm mới máy tính của Apple tuân theo xu hướng lâu đời của hãng là nắm quyền kiểm soát ngày càng nhiều đối với cả thiết bị và các thành phần cung cấp sức mạnh cho chúng. Apple đã tạo ra các chip tùy chỉnh để bảo mật, chẳng hạn như với các tính năng mở khóa Face ID và Touch ID. Nó cũng được tạo ra các chip xử lý hình ảnh tùy chỉnh, để tối ưu ảnh chụp trên điện thoại iPhone.
Apple cũng tạo ra phần mềm iOS và iPadOS để tạo ra những tùy biến độc quyền cho các thiết bị của mình, cho phép họ tinh chỉnh phần cứng và phần mềm cho các thiết bị đó. Ross Rubin, một nhà phân tích tại Reticle Research cho biết: “Những cải tiến (của Apple) tấn công trực tiếp vào mối quan tâm sâu sắc hiện nay của người mua, đó là hiệu suất và thời lượng sử dụng pin”.

Gia tăng sức mạnh

Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng - ảnh 1

Apple tuyên bố các MacBook mới dùng chip M1 mạnh hơn 98% các laptop Windows khác

Ảnh: Apple

Những nỗ lực của Apple trong việc tự chế tạo gần như mọi bộ phận của thiết bị đã giúp Apple trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Tương tự như vậy, App Store của nó đã trở thành trung tâm đổi mới của ngành công nghệ, dù Apple đã có sự kiểm soát chặt chẽ đối với hành vi và nội dung của các ứng dụng được cung cấp trên đây. Ngoài ra, chủ sở hữu iPhone và iPad chỉ có thể tải xuống các ứng dụng từ App Store của Apple, một hình thức kiểm soát khác mà các công ty khác không sử dụng, như Google và cửa hàng Google Play cạnh tranh cho các thiết bị được cung cấp bởi phần mềm Android của họ.
Bất chấp sự siết chặt của Apple, App Store vẫn phát triển mạnh mẽ. Apple cho biết họ đếm được hơn một tỉ chiếc iPhone đang được sử dụng ngày nay và nhiều khách hàng trong số đó tỏ ra sẵn sàng trả tiền cho phần mềm hơn những người sở hữu các thiết bị khác.
Kết quả là, App Store đã giúp sinh ra các công ty như mạng xã hội TikTok, gã khổng lồ gọi xe Uber và dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram, được Facebook mua lại vào năm 2012 với giá 1 tỉ USD. Apple cho biết nghiên cứu của họ cho thấy App Store đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 500 tỉ USD thặng dư thương mại vào năm ngoái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng cách tiếp cận của Apple sẽ hiệu quả mọi lúc.

Khả năng kiểm soát thiết bị

Apple cho biết việc rời bỏ chip Intel sẽ mất khoảng hai năm và họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các máy tính Mac chạy chip này trong một thời gian dài nữa. Rõ ràng ngành công nghệ sẽ đi theo sau Apple, dù máy tính của họ chỉ chiếm 7,4% thị phần trên toàn cầu vào năm 2019, dựa theo số liệu của IDC.
Khi Apple thực hiện những thay đổi lớn đối với máy tính của mình bằng cách tích hợp thêm webcam vào MacBook Pro vào năm 2006 hay phát triển bộ khung siêu mỏng cho MacBook Air vào năm 2008 và đẩy ra màn hình độ phân giải "retina" trên MacBook Pro vào năm 2015, các nhà sản xuất máy tính khác đã chạy theo. Máy tính xách tay PC ngày nay phần lớn đã loại bỏ lớp nhựa cồng kềnh từ một thập niên trước, phát triển thành các thiết kế mỏng tương tự như vỏ kim loại. Đôi khi, chúng thậm chí còn được biết đến với việc vay mượn ý tưởng của Apple nhiều đến mức thoạt nhìn bạn tưởng đó là MacBook.
Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng - ảnh 2

Những công bố chính xung quanh chip Apple M1 dựa trên kiến trúc ARM

Ảnh chụp màn hình

Với máy tính Mac mới, sự đột phá của Apple với ngành không chỉ là về vật liệu mới hoặc bổ sung thiết bị ngoại vi, như loa tốt hơn hoặc loại cảm biến vân tay mới, mà các nhà sản xuất khác có thể mua và thêm vào sản phẩm của họ. Bằng cách thiết kế lại bên trong máy, Apple đang tạo ra các bộ phận tùy chỉnh mà ít công ty có đủ nguồn lực để làm.
Patrick Moorhead, nhà phân tích tại Moor Insights and Strategy, đồng thời là cựu giám đốc điều hành tại nhà sản xuất chip AMD cho biết. “Công việc này thực sự khó khăn, các nhà sản xuất PC lớn như Dell và HP sẽ cần tập trung nhiều hơn vào cách thức hoạt động của phần mềm và xem xét kỹ hơn loại phần cứng mà họ đưa vào máy tính của mình. Mọi người sẽ phải xem xét silicon nghiêm túc hơn".
Để chắc chắn, một số công ty đã bắt đầu sử dụng chip di động để cung cấp sức mạnh cho máy tính của mình. Đáng chú ý nhất là vào năm 2012, Microsoft đã thử bán Surface RT, một chiếc máy tính bảng-máy tính xách tay lai chạy bằng chip di động do Nvidia sản xuất. Nhưng thiết bị không thể chạy nhiều ứng dụng tiêu chuẩn và cũng chỉ sử dung phiên bản Windows RT tùy chỉnh nên dẫn tới bị hạn chế nhiều. Điều này khiến Microsoft đã phải trả giá với khoản lỗ 900 triệu USD cho các máy tính Windows RT tồn một năm sau đó.
Năm 2019, Microsoft đã bắt đầu một nỗ lực mới, lần này là với Surface Pro X có giá 999 USD với một con chip mà hãng này thiết kế cùng với Qualcomm. Các nhà chuyên môn cho biết thiết kế và khả năng của nó lần này tốt hơn nhiều dù hiện vẫn không thể chạy các ứng dụng phổ biến như Adobe Photoshop.
Apple muốn 'trói buộc' người dùng bằng phần mềm lẫn phần cứng - ảnh 3

Apple đang dần hoàn thiện khả năng kiểm soát toàn diện chiếc máy tính của họ

Ảnh: Apple

Apple đang tránh những vấn đề đó bằng cách hợp tác với các nhà phát triển như Microsoft và Adobe, cũng như các nhà phát triển nhỏ hơn, để giúp họ làm lại ứng dụng của mình nhằm tận dụng lợi thế của chip mới. Họ cũng xây dựng một tính năng cho các máy tính Mac mới của mình có tên là Rosetta, giúp các ứng dụng phổ biến, bao gồm cả những ứng dụng do Adobe tạo ra, chạy suôn sẻ trên thiết bị mới. Apple đã không liệt kê tất cả các ứng dụng mà họ đã thử nghiệm, nhưng có gợi ý rằng hầu hết các ứng dụng phổ biến sẽ hoạt động.
Tất cả những điều đó có thể giúp Apple đi trước các nhà sản xuất máy tính khác khi họ thực hiện chuyển đổi tương tự. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết “những tiến bộ lớn này chỉ đến từ việc thực hiện những thay đổi táo bạo. Đây chính là lý do tại sao chúng tôi đang chuyển Mac sang silicon của Apple". Nhưng bên cạnh đó, ai cũng biết chắc chắn một điều là Apple thực sự chỉ an tâm khi kiểm soát mọi thứ trên thiết bị của họ, nhất là vi xử lý máy tính Mac.
h1767u-th1767ng
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/cong-nghe/apple-muon-troi-buoc-nguoi-dung-bang-phan-mem-lan-phan-cung-1305381.html Copylink