Bộ Công Thương phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mở rộng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học
Với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chuyển dịch từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, góp phần gia tă
Nghiên cứu có tính ứng dụng cao
Từ năm 2015 - 2020, các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai 8 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, với kinh phí được Bộ Công Thương hỗ trợ trên 30 tỉ đồng. Thông qua việc hỗ trợ kinh phí, các đơn vị đã triển khai có hiệu quả việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe collagen từ sứa biển Việt Nam |
Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ đã đáp ứng đúng nhu cầu, định hướng của Bộ Công Thương trong việc đưa công nghệ vào cuộc sống, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển, chuyển giao công nghệ, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình triển khai nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đăng ký được nhiều giải pháp hữu ích, công bố được trên 10 bài báo trong nước cũng như quốc tế, đồng thời góp phần đào tạo trên 10 thạc sĩ, tiến sĩ và cử nhân khoa học về lĩnh vực công nghệ sinh học, góp phần không nhỏ vào việc phát triển công nghệ sinh học trong nước.
Thông qua các nhiệm vụ, hàng loạt các công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ có tính phổ dụng cao đã được các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện. Tiêu biểu như, Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu thành công công nghệ vi sinh để nâng cao hiệu suất chuyển hóa thức ăn và chất lượng thịt lợn; công nghệ sản xuất omega 6, 7, 9 từ vi khuẩn tía quang hợp ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm; công nghệ sản xuất sinh khối nấm Thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện công nghệ tạo dòng tế bào tái tổ hợp để sản xuất peptid từ da ếch có tính kháng khuẩn thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư; công nghệ tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản, công nghệ tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam.
Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên chủ trì thực hiện nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm giàu canthaxanthin từ vi khuẩn ưa mặn bổ sung thức ăn để nâng cao chất lượng và màu sắc thịt cá hồi thương phẩm; Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất Collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam. Đây là các công nghệ có tính ứng dụng cao và đã được chuyển giao công nghệ để sản xuất thử nghiệm sản phẩm cũng như sản xuất tại doanh nghiệp trong nước.
Tăng cường kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương còn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Bộ) thường xuyên, liên tục hỗ trợ các đơn vị khoa học và công nghệ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính để các nhà khoa học tập trung tối đa thời gian và quá trình nghiên cứu công nghệ, hoàn thiện sản phẩm.
Sản phẩm collagen được thương mại hóa trên thị trường trong nước |
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tăng cường việc kết nối giữa các đơn vị khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, để các công nghệ, sản phẩm đạt được những bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.
Điển hình như việc áp dụng chế phẩm vi sinh và quy trình chăn nuôi theo sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi thô xanh dạng lỏng bằng công nghệ vi sinh để nâng cao hiệu suất chuyển hóa thức ăn và chất lượng thịt lợn” đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng cường tiêu hóa cho lợn, giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải và nước thải chăn nuôi. Công nghệ và sản phẩm của đề tài đã được ứng dụng vào mô hình chăn nuôi tại các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tại các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội.
Sản phẩm chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn thuộc đề tài: “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam” đã được áp dụng tại Nhà máy giấy - Tổng Công ty Giấy Việt Nam và các nhà máy sản xuất bột giấy khác, giúp cải thiện quá trình sản xuất bột giấy và giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, công nghệ này được đánh giá là giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp ngành giấy phát triển sản xuất.
Một ví dụ khác là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm giàu canthaxanthin từ vi khuẩn ưa mặn bổ sung thức ăn để nâng cao chất lượng và màu sắc thịt cá hồi thương phẩm” đã được thử nghiệm dùng trong sản xuất thức ăn bổ sung cho nuôi cá hồi tại Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Kinh Bắc. Hạch toán kinh tế trên mô hình nuôi cá hồi bằng thức ăn có bổ sung chế phẩm giàu cantaxanthin có nguồn gốc từ vi khuẩn ưa mặn cho lợi nhuận từ 154 - 192 triệu đồng/0,1ha/vụ, cho hiệu quả kinh tế tương đương với mô hình bổ sung chế phẩm thương mại (191 triệu và 192 triệu/0,1ha/vụ) và cao hơn so với mô hình sử dụng thức ăn không bổ sung chế phẩm.
Các sản phẩm collagen từ sứa biển thuộc đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam” quy mô từ 1.000kg nguyên liệu tươi/mẻ do TS. Trần Mạnh Hà chủ trì triển khai đã góp phần nâng cao tỉ lệ các sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế các sản phẩm chế biến thô. Kết quả của đề tài đã được sản xuất tại Công ty THHN một thành viên Vĩnh Hoàn Collagen, giúp gia tăng giá trị ngành thủy sản, tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất… cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản có quy mô vừa và nhỏ.
Như vậy, trong quá trình triển khai Đề án, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực hỗ trợ các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo định hướng chuyển dịch từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng và đã mang lại nhiều kết quả cao, có ý nghĩa về kinh tế - xã hội. Qua đó, khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp trong nước.