Tuesday, Jul 22, 07:07 PM

Cách thức nhận biết thư điện tử và tin nhắn lừa đảo

Để giúp người dùng phòng tránh các hình thức tấn công Social engineering, nhất là tấn công Phishing, các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã có hướng dẫn cách thức nhận biết thư điện tử và tin nhắn lừa đảo.

Cách thức nhận biết thư điện tử và tin nhắn lừa đảo
Cách thức nhận biết thư điện tử và tin nhắn lừa đảo
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ internet.

Với thư điện tử lừa đảo, đối tượng thường sử dụng địa chỉ email gần giống với email của cơ quan, tổ chức hợp pháp bằng cách bỏ qua hoặc thay đổi một vài ký tự trong địa chỉ email. 
 
Bên cạnh đó, nhóm tấn công thường sử dụng những lời chào chung như “Kính gửi Quý khách hàng” hoặc “Thưa Ông/Bà”, việc thiếu thông tin liên hệ là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết một email lừa đảo. Một cơ quan, tổ chức đáng tin cậy sẽ gọi cụ thể bằng tên và cung cấp thông tin liên hệ của họ. 

Người dùng có thể nhận biết thư điện điện tử lừa đảo qua liên kết giả mạo. Các email có liên kết và liên kết đính kèm không khớp với nội dung trong email buộc người dùng phải nhấn vào link để cung cấp thông tin nhiều khả năng là dấu hiệu của một trang web giả mạo. Đối tượng có thể sử dụng dịch vụ rút ngắn URL hoặc thay đổi ký tự có trong liên kết đó. 

Về file đính kèm, email chứa file đính kèm yêu cầu người dùng tải xuống và mở file có thể chứa phần mềm độc hại.

Đối tượng lợi dụng cảm giác hoang mang để thuyết phục người dùng tải xuống file đính kèm mà không kiểm tra trước. Lỗi chính tả, cấu trúc ngữ pháp và định dạng không nhất quán là một dấu hiệu khác cho thấy một email lừa đảo.

Tương tự như thư điện tử giả mạo, các tin nhắn lừa đảo cũng gây ra cho người dùng nhiều phiền toái. Các đối tượng sẽ gửi tin nhắn SMS đến người dùng với các nội dung như: thông báo trúng thưởng, hoặc thông báo tài khoản ngân hàng của người dùng gặp sự cố và cần giải quyết trong thời gian ngắn.

Đối tượng có thể sử dụng tên thương hiệu, tên ngân hàng (SMS brandname) và gắn kèm liên kết dẫn đến trang web giả mạo, liên kết này có tên gần giống với trang web chính thức của các thương hiệu, ngân hàng. 

Không những thế, đối tượng tấn công có thể giả mạo công an gửi tin nhắn truy nã, lệnh bắt giữ để yêu cầu người dùng cung cấp căn cước công dân, số điện thoại…và thực hiện theo hướng dẫn của chúng.

Chuyên gia NCSC lưu ý: Các cơ quan chức năng khi liên hệ làm việc sẽ không thông qua tin nhắn, cuộc gọi hay bất kỳ hình thức làm việc online nào.

Hà Trần
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/cach-thuc-nhan-biet-thu-dien-tu-va-tin-nhan-lua-dao-a176201.html Copylink