‘Cấp cứu’ doanh nghiệp
Chưa kể số doanh nghiệp (DN) xin giải thể, ngừng hoạt động, thời gian này, thông tin các DN phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng đang tăng lên, từ đó kéo theo lượng lao động nghỉ việc, hồi hương cũng tăng mạnh.
Cấp tập gửi đơn xin vay vốn
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã kéo dài gần 2 tháng và chưa biết đến khi nào sẽ chấm dứt. Dịch bệnh hoành hành khiến sức khỏe của một số nhóm DN một lần nữa rơi vào tình trạng báo động. Vấn đề triển khai các gói hỗ trợ, các chính sách “cấp cứu” DN tiếp tục nóng trở lại.
Sau hơn 10 ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay tái cấp vốn gói 7.500 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, đã có hàng chục DN được tiếp cận gói vay.
NHCSXH Quận 6 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, NHCSXH Quận 6 đã tiếp nhận hồ sơ của 2 đơn vị có nhu cầu vay vốn gần 1,4 tỷ đồng để trả lương cho 300 lao động ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngoài ra, còn có thêm một số DN đang bổ sung hồ sơ để được vay vốn theo chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23”.
Bà Nông Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Lạng Sơn, DN đầu tiên trên cả nước tiếp cận được gói tín dụng 7.500 tỷ đồng cho biết, Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu đi lại của người dân giảm sút, nhiều tài xế không có thu nhập, không có việc làm. Chính vì vậy, công ty đã nộp hồ sơ xin được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động và đã được giải ngân vào ngày 21/7 vừa qua.
Số liệu thống kê cho biết, tại Hà Nội, thời điểm hiện tại có khoảng 50 DN đang có nhu cầu tiếp cận gói tín dụng này, tổng số tiền NHCSXH đã giải ngân cho DN để trả lương cho người lao động đến ngày 30/7 là trên 99 tỷ đồng.
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu lao động cho biết, vào đầu quý II năm 2020, nhiều DN hoang mang khi các đơn hàng bị hoãn, hủy quá nhiều vì vậy đã phải cho người lao động nghỉ việc. Khi các đơn hàng quay trở lại, DN lại mất thêm chi phí tuyển người mới. Nhưng năm nay, cách ứng xử của các DN đã bài bản và nhân văn hơn. Khi có dịch, họ có đối thoại với người lao động về ảnh hưởng của dịch: Ai làm giãn ca, tạm nghỉ như thế nào, người nghỉ việc được hưởng lương tối thiểu…
DN có ảnh hưởng tài chính, nhưng ngược lại nó thể hiện sự phát triển bền vững trong mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Song bà Đỗ Quỳnh Chi cũng lưu ý, đại dịch tác động mạnh đến nhóm người yếu thế như người lao động nữ di cư, họ gặp khó khăn nhiều hơn.
Cần hỗ trợ kịp thời
Nhiều chính sách về hỗ trợ giảm chi phí cho DN như giảm tiền điện, nước.. phục vụ sản xuất cũng đã và đang được triển khai. Dù vậy tình trạng giãn cách kéo dài gây ra khó khăn lớn nhất cho DN là ách tắc doanh thu, trong khi vẫn phải gồng gánh nặng chi phí. Liên tiếp nhiều kiến nghị mới được các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN đưa ra để “cấp cứu” tình trạng sức khỏe cho DN.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, DN tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn số DN bị ảnh hưởng là rất lớn. Nhiều DN sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giới chuyên gia cũng như cộng đồng DN mong muốn có Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho giai đoạn mới 2021-2025. Bởi dự báo, đại dịch Covid -19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính tổng thể và dài hạn hơn.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị, gói hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa mạnh mẽ cần hơn.
Đó là gói hỗ trợ lãi suất có trọng tâm, trọng điểm trong một số lĩnh vực, ngành nghề với số tiền khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 3 - 4%, thời hạn hỗ trợ 1 năm. Với gói này Chính phủ bỏ tiền ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTBXH khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người lao động, DN bị ảnh hưởng Covid-19. Các chính sách hỗ trợ DN vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thực thi. Với những kinh nghiệm đã rút ra từ đợt trước, cộng đồng DN kỳ vọng chính sách tiếp theo sẽ đánh đúng và trúng hơn, mang lại hiệu quả chống đỡ cho nền kinh tế.