Câu chuyện thương hiệu Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông
Công ty Mỹ có bản quyền nhãn hiệu Flappy Bird sau khi phía Nguyễn Hà Đông không có phản hồi trong vụ tranh chấp.
Hôm 12/9, GameTech, một công ty có trụ sở New York, Mỹ bất ngờ tuyên bố sở hữu bản quyền với Flappy Bird, trò chơi vốn xuất phát từ nhà phát triển Việt Nam Nguyễn Hà Đông. Sau đó, họ cung cấp giấy phép cho tổ chức có tên Flappy Bird Foundation Group, phát triển phiên bản mới của “chú chim gật gù” và công bố sự ra mắt vào năm sau.
Tuy nhiên, quá trình GameTech lấy được nhãn hiệu Flappy Bird có nhiều uẩn khúc. Hôm 16/9, Nguyễn Hà Đông cũng đăng bài trên X (Twitter) cho biết bản thân không liên quan đến dự án mới được giới thiệu. Ngoài ra, nhà phát triển người Việt phủ nhận việc bán đi thương hiệu Flappy Bird.
Cách GameTech có bản quyền Flappy Bird
Hôm 12/9, sau khi Flappy Bird bản mới được công bố, người dùng X @Samperson đã phát hiện ra cách GameTech lấy được nhãn hiệu nói trên, thông qua những văn bản được công bố trên website của Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).
Cụ thể, công ty Mỹ đã sở hữu nhãn hiệu Flappy Bird thông qua một vụ kiện về tác quyền. Ngày nộp đơn là 29/9/2023. Sau nhiều lần được phía nhà chức trách liên hệ, phía Nguyễn Hà Đông và đại diện của ông không có phản hồi. Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ xem đây là hành động từ bỏ. Do vậy, đến 12/1, phán quyết được đưa ra, phía GameTech nhận được bản quyền của Flappy Bird cho nhiều hạng mục.
Trong đơn gửi nhà chức trách, GameTech dẫn lý do họ là bên gửi đăng ký bản quyền trước cho Flappy Bird. Cụ thể, công ty Mỹ xin bản quyền vào ngày 10/2/2014. Phía Nguyễn Hà Đông cũng thực hiện việc tương tự sau đó khoảng một tháng, vào 4/3/2014. Đến 27/3/2018, giấy đăng ký của GameTech được USPTO chấp thuận.
Sau đó, công ty này thực hiện vụ kiện vào cuối năm 2023 để phủ quyết quyền của nhà phát triển Việt Nam với chính trò chơi ông tạo ra.
Trong đơn gửi lên, GameTech còn viện dẫn việc nhiều lần Nguyễn Hà Đông chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội rằng bản thân không còn sử dụng nhãn hiệu Flappy Bird nữa. Đây cũng là thời điểm cha đẻ trò chơi quyết định gỡ bỏ tựa game khỏi các chợ ứng dụng.
“Bị đơn (Nguyễn Hà Đông) đã vĩnh viễn từ bỏ việc sử dụng nhãn hiệu Flappy Bird nhiều tuần trước ngày xin bản quyền. Ngoài ra, họ đã không sử dụng nó cho mục đích thương mại ít nhất 3 năm tại Mỹ”, phía GameTech lập luận.
Nhiều điểm bất thường
Tuy nhiên, những lý lẽ phía GameTech đưa ra có nhiều lỗ hổng. Thực tế, trước thời điểm nộp đơn xin bản quyền của GameTech, Flappy Bird đã được đưa lên các chợ ứng dụng và nổi tiếng khắp thế giới. Trò chơi vốn xuất hiện lần đầu từ tháng 5/2013, nhưng chỉ thực sự bùng nổ vào tháng 1/2014.
Ngoài ra, Apple Store có quy định khi nhà phát triển xóa app, tên gọi đó không thể được lấy lại nếu đã có bên chen vào sử dụng. Sau khi ông Đông gỡ Flappy Bird vào 2014, những bản nhái “rẻ tiền” xuất hiện tràn ngập. Do vậy, việc lấy lại tên gọi trở nên khó khăn.
Mặt khác, tài liệu GameTech gửi lên để xin bản quyền cũng có vấn đề. Nhãn hiệu đăng ký là Flappy Bird dưới dạng phông chữ có chân truyền thống. Trong khi đó, phía Nguyễn Hà Đông đăng ký logo trò chơi dưới dạng ảnh Pixel 8 bit, cùng chú chim màu đỏ biểu tượng.
Tuy nhiên sau khi được cấp bản quyền, phía GameTech lại phát triển trò chơi với hình họa và logo theo phong cách của trò chơi cũ. Dù không dùng dòng chữ Flappy Bird dạng pixel, nhưng các yếu tố khác có nhiều điểm tương đồng. Dự án này cũng gây hiểu nhầm khi truyền thông rằng đây là phiên bản mới của game ra mắt từ hơn 10 năm trước.
Trong khi đó thực tế, bản quyền mà GameTech có được lại hoàn toàn tách biệt với trò chơi nổi tiếng, vốn thuộc về Nguyễn Hà Đông.
Sau tuyên bố ra mắt, những bước đi tiếp theo của Flappy Bird Foundation Group vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của người hâm mộ. Ngoài việc chiếm bản quyền, dự án còn bị chính cha đẻ của tựa game phản đối, trái ngược với mong muốn của nhà phát triển gốc.
Việc trò chơi sắp ra mắt được gắn với NFT, tiền mã hóa cũng không được lòng game thủ. Khi thể loại này bị xem là một hình thức “hút máu”, dễ dàng bị biến tướng thành lừa đảo và thường có chất lượng thấp.
Sau khi xóa Flappy Bird, ông Nguyễn Hà Đông cùng một người bạn thành lập công ty phát triển game Dot Gears (.GEARS), với nhiều tựa game khác có kiểu đồ họa pixel. Tuy nhiên, các tựa game này không đạt được thành công như sản phẩm đầu tay của Nguyễn Hà Đông. Hiện tại, một số tựa game của Dot Gears vẫn đang được vận hành là Flappy Birds Family (thông qua chợ ứng dụng Amazon) hay Swing Copters 2 (phát hành qua App Store của Apple).