Thursday, Jun 21, 09:06 PM

Công nghệ số tạo môi trường làm việc không khoảng cách trong bối cảnh Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, công nghệ số góp phần quan trọng cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Nói cách khác, công nghệ số tạo ra môi trường làm việc không khoảng cách. Đặc biệt, các doanh nghiệp, sản phẩm "Make in Vietnam" l

Công nghệ số tạo môi trường làm việc không khoảng cách trong bối cảnh Covid-19
Công nghệ số tạo môi trường làm việc không khoảng cách trong bối cảnh Covid-19

Làm việc không khoảng cách nhờ công nghệ số

Nếu như trước đây, phần lớn các cuộc họp của một cơ quan, doanh nghiệp diễn ra dưới hình thức trực tiếp, thành phần giới hạn theo phân cấp về mô hình tổ chức, thì giờ đây, hình thức họp trực tuyến từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng chuyên viên đang ngày càng phổ biến. Công nghệ số đã tạo một cuộc cách mạng đột phá làm “phẳng hóa” sơ đồ tổ chức hình cây truyền thống, xóa nhòa các giới hạn, tạo ra môi trường làm việc số không có khoảng cách.

Bộ TT&TT họp trực tuyến bằng Nền tảng netMeeting của Công ty Cổ phần NetNam
Bộ Thông tin và Truyền thông họp trực tuyến bằng nền tảng netMeeting của Công ty Cổ phần NetNam

Nhiều cơ quan nhà nước tiên phong triển khai các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi, bằng thiết bị di động với chi phí không đáng kể thay vì sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình chi phí cao như trước kia. Công nghệ số giúp giảm bớt khâu trung gian, cơ quan nhà nước chỉ đạo điều hành, hành động nhanh hơn, kịp thời hơn.

Người Việt Nam có thể chưa giải quyết thật tốt bài toán thế giới. Nhưng người Việt Nam có khả năng giải quyết tốt nhất bài toán Việt Nam. Ở ngay tại đây, trên chính mảnh đất này, người Việt Nam đã làm được điều đó từ hàng ngàn đời nay. Điều đó là do chúng ta có văn hóa riêng, có thói quen riêng và có “nỗi đau” riêng mà không ai hiểu bằng chính chúng ta. Và trong thời đại số này, người Việt Nam tiếp tục nỗ lực để giải quyết bài toán của mình.

Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới là một ví dụ. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã triển khai nghiên cứu, phát triển và đưa vào phục vụ thị trường các nền tảng như Zavi của Zalo, eMeeting của Tập đoàn AIC và Tập đoàn Bkav, netMeeting của Công ty NetNam.

Đơn cử như Zavi có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người trong thời gian liên tục 24 tiếng với thao tác đơn giản, dễ sử dụng với người Việt. Hay, eMeeting trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp, nén dữ liệu tối ưu, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với số lượng lên tới 200 điểm cầu, cung cấp chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt ngay cả trong điều kiện mạng yếu.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Bkav cho biết: Nếu các phần mềm nước ngoài phải sử dụng thiết bị chuyên dụng đắt tiền, phải họp tại các phòng họp được trang thiết bị chuyên dụng, cần kỹ thuật viên hỗ trợ, kết nối số điểm cầu cố định vì phải có thiết bị, thì phần mềm eMeeting có số tiền đầu tư thấp, có thể họp bằng điện thoại, sử dụng mạng 3G - 4G để dùng tại bất kì đâu, không cần kỹ thuật viên hỗ trợ cũng như có số điểm cầu tùy ý.

“Với eMeeting, những bài toán khó về học trực tuyến, họp trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến đã có lời giải bởi chính các kỹ sư Việt Nam. Đội ngũ phát triển sản phẩm đã sẵn sàng để đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị giải các bài toán khó hơn, thậm chí là các phương thức làm việc trực tuyến mới dựa trên chính nền tảng công nghệ này” - ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Các nền tảng Việt Nam phục vụ người Việt Nam được đánh giá sẽ nhanh hơn, tốt hơn, vì chỉ sử dụng băng thông kết nối trong nước. Bên cạnh đó, nền tảng Việt Nam được tùy biến để tăng cường an toàn, bảo mật. Cơ quan, tổ chức có thể linh hoạt triển khai trên hạ tầng của chính mình và tự mình kiểm soát, không sợ bị lộ, lọt thông tin cho bên thứ 3 mà mình không kiểm soát được.

Cơ quan, tổ chức cũng có thể chủ động phát triển hoặc thuê phát triển tiếp, “may đo” phục vụ nhu cầu của riêng mình. Đây là những điểm mà các nền tảng phổ biến trên thế giới sẽ không bao giờ phục vụ, sẽ không bao giờ “may đo” chỉ để phục vụ thị trường Việt Nam.

Cú hích cho nền tảng “Make in Vietnam”

Theo các chuyên gia, đã có nhiều quan ngại trước sự thất thế trên sân nhà của các giải pháp họp trực tuyến “Make in Vietnam” so với những nền tảng nước ngoài như Zoom, Microsoft Team... Song, eMeeting, Zavi cũng như nhiều sản phẩm “Make in Vietnam” khác chính là lời khẳng định mạnh mẽ rằng các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ cũng như vượt qua cái bóng của những “ông lớn” công nghệ trên thế giới.

Tuy nhiên, một hạt mầm tốt muốn trở thành cây cổ thụ sum xuê thì cần một mảnh đất tốt, đủ rộng và cần hàng triệu giọt sương, giọt mưa tưới tắm qua thời gian. Nền tảng Make in Việt Nam chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra toàn cầu, nếu người Việt Nam cho nó một cơ hội được sử dụng, cho nó một cơ hội được hoàn thiện.

Thị trường 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới là mảnh đất tốt, đủ rộng, là tài sản lớn nhất của Việt Nam. Mỗi người sử dụng, mỗi ý kiến góp ý những điểm chưa tốt của nền tảng Make in Việt Nam hãy là giọt sương, giọt mưa như vậy để một ngày chúng ta tự hào có những nền tảng Make in Việt Nam đi ra thế giới.

Đại diện Công ty Cổ phần NetNam cho hay: Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, đã có nhiều các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ, cổ vũ tạo thêm động lực và cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, giải pháp cho thị trường.

Với doanh nghiệp, việc hợp tác xây dựng năng lực cạnh tranh là rất quan trọng. Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt cần tận dụng tốt sự hiểu biết và dựa trên nền tảng công nghệ mở của thế giới để giải quyết bài toán của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục có chính sách ưu tiên sử dụng với các dịch vụ, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo chất lượng và giá cạnh tranh” - đại diện NetNam chia sẻ.

Nhận định sự ra đời của nền tảng hội nghị trực tuyến "Make in Vietnam" trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Trong thời gian tới, thị trường dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh do phần lớn người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc trên môi trường mạng.

Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến cần liên tục hoàn thiện, làm chủ các công nghệ đã tạo ra để chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, cần có nhiều hơn các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” được trình làng nhằm khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

qu11040nh-nga
Theo Công Thương https://congthuong.vn/cong-nghe-so-tao-moi-truong-lam-viec-khong-khoang-cach-trong-boi-canh-covid-19-158363.html Copylink