Monday, Mar 24, 09:03 AM

Đã đến lúc đẩy mạnh kết nối canh tác cà phê

Diễn biến tăng giá của thị trường cà phê xuất khẩu - đang đặt câu hỏi về chất lượng cà phê thu hoạch của người nông dân. Điều này, buộc các đơn vị kinh doanh phải xem lại quy trình hợp tác thị trường, chuyển từ “mua xổi” cà phê sang xây dựng các phươ

Đã đến lúc đẩy mạnh kết nối canh tác cà phê
Đã đến lúc đẩy mạnh kết nối canh tác cà phê

Biến động từ thu hoạch sớm…

Đang là thời điểm bước vào mùa chăm sóc, chuẩn bị cho vụ cà phê mới của Tây Nguyên. Khác với mọi năm, năm nay đội ngũ thương vụ của các doanh nghiệp “xuất quân” sớm hơn, nhưng không phải để thu mua hạt cà phê thu hoạch sẵn trong dân, mà là khảo sát tình hình sản xuất, chuẩn bị cho mùa thu hoạch tiếp theo.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nay do thị trường tăng giá, người nông dân tổ chức thu hoạch sớm nên đến nay, khu vực Đắk Lắk hầu như không còn mối đặt hàng cà phê hạt nữa. Điều này khiến doanh nghiệp phải tính lại, cần kết nối nông dân để chủ động nguồn cà phê hạt ở những vụ sau. “Ở đây, không phải chúng tôi ngại giá tăng, mà nếu nông dân tiếp tục thu hoạch sớm, sẽ không có cà phê hạt đáp ứng chất lượng sản xuất của chúng tôi”, đại diện doanh nghiệp này giải thích.

Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Ea Tóh - huyện Krông Năng (Ảnh: Minh Thuận)

Nỗi lo của doanh nghiệp là có cơ sở. Theo một số đơn vị thu mua cà phê tại Buôn Ma Thuột, lâu nay, nhiều đơn vị xuất khẩu cà phê chủ yếu làm nguyên liệu cho thị trường chế biến bên ngoài, không đòi hỏi hạt chất lượng cao. Thị trường thu mua vì vậy bấp bênh, khiến người nông dân lo lắng, hễ thấy đơn giá lên là tranh nhau “bán sớm”. Hệ lụy, đến khi thị trường thực sự lên giá, cà phê đều đã bán hết, không còn hạt để thu mua.

Đồng thời, việc thu hoạch sớm luôn đồng nghĩa hạt cà phê không đảm bảo, dẫn đến cà phê rang xay đưa ra thị trường bị giảm chất lượng. Trong khi đó, thị trường nội địa những năm qua đã thay đổi, hướng tiêu thụ cà phê chất lượng cao ngày càng tăng. Nhiều nhãn hàng cà phê bột, cà phê hòa tan công bố chuẩn chất lượng tốt nên không thể thu mua hạt kém, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng nhập cà phê hạt bên ngoài để sản xuất.

Thực trạng đó buộc các doanh nghiệp không thể coi nhẹ khâu kết nối sản xuất cà phê nữa. Thay vì giữ quan hệ thu mua thuần túy trước đây, để người nông dân tự thu hoạch, bảo quản, doanh nghiệp phải can thiệp sớm vào quy trình canh tác của họ, mới đảm bảo giữ được nguồn hàng ổn định và chất lượng.

Hơn nữa, khi người nông dân hợp tác sản phẩm đầu ra với doanh nghiệp, nông vụ của họ sẽ nhận thêm hỗ trợ cần thiết, như vay vốn mua nguyên vật liệu sản xuất từ đầu vụ, được hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ… Tâm lý người nông dân ổn định, giúp họ tuân thủ đúng quy trình canh tác theo yêu cầu từ doanh nghiệp hợp tác, cũng giúp định hướng chuyên canh cà phê tại địa phương tích cực hơn.

Cần một kết nối dài lâu

Theo đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê 2-9 (Simexco) Đắk Lắk, vấn đề kết nối vùng trồng với người nông dân đã được đơn vị triển khai nhiều năm qua. Với hơn 4 vạn nông dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất chuyên canh cà phê hiện nay, doanh nghiệp này có cơ sở để hướng đến những tiêu chí sản xuất cà phê chất lượng cao, vừa xuất khẩu vừa đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Song chuyển biến thị trường gần đây cũng có tác động đến đơn vị, buộc Simexco phải tăng cường hoạt động tư vấn, tổ chức canh tác cho nông dân địa phương, gắn kết họ với kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững hơn nữa.

Động thái của Simexco, cũng đang là lựa chọn mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải chấp nhận. Điều này lý giải vì sao ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều đơn vị nhắm đến nội dung hợp đồng với nông dân một cách tích cực hơn. Rõ ràng, đây là dịp tốt để hoạt động của các tổ chức hỗ trợ nông dân, gồm hội nông dân, liên minh hợp tác xã và các nhóm tư vấn ngành nghề được tổ chức lại. Mối quan hệ giữa người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, theo đó có tín hiệu cải thiện mạnh mẽ.

Mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nông dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê (Ảnh: Minh Thuận)

Điều quan trọng cần đặt ra từ xu thế thay đổi này, là tự thân người nông dân cần thay đổi quan niệm canh tác cố hữu của mình, cần nhận được những quan hệ tương hỗ tốt hơn từ các tổ chức tư vấn, các nhà khoa học thông qua các hiệp hội, tổ chức, đoàn thể để tham gia đúng các quy trình quản lý sản xuất, định hướng chuỗi giá trị đầu ra về nông sản.

Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Café G20 (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, vào tháng 10/2023, ông cùng một số doanh nghiệp, và nhiều chủ trang trại cà phê tại địa phương tham gia lớp tập huấn canh tác cà phê với giống mới và quy trình canh tác mới do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức. Sự kiện tưởng đơn giản, nhưng đã đem lại những kiến thức mới, rất bổ ích cho những đơn vị làm và xuất khẩu cà phê truyền thống như ông, giúp thay đổi hẳn cách nhìn.

Không chỉ được hướng dẫn kỹ cách tiếp cận các nguồn cây giống chất lượng hơn, các đơn vị còn được các chuyên gia khoa học cung cấp những thông tin về xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới, những nhóm sản phẩm cà phê phổ biến. So với suy nghĩ và thói quen tiêu dùng cà phê lâu nay, các dòng sản phẩm cà phê mới và tư duy thưởng thức cà phê đa dạng hương vị, quả nhiên rất hấp dẫn và khơi gợi những người chuyên canh tác cà phê tính đến những cách thức, giải pháp làm ăn mới, chủ động hơn.

Theo đó, ông Quang cùng những người khác muốn tiếp tục có những cơ hội kết nối khác để học hỏi được nhiều hơn; và điều này cho thấy, khi người nông dân được tăng cường kết nối kiến thức ra bên ngoài, khâu canh tác sản xuất của họ dần chuyển biến, giúp thay đổi chất lượng hạt cà phê thu hoạch ở những trang trại cà phê Đắk Lắk trong tương lai, ngày càng định vị rõ giá trị kinh tế địa phương.

T. Hương (Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/da-den-luc-day-manh-ket-noi-canh-tac-ca-phe-a215300.html Copylink