Điểm tên những doanh nghiệp “chây ì” nợ thuế, bảo hiểm xã hội và chuyện nhiều vướng mắc khó xử lý
Nợ đọng, trốn đóng thuế, chiếm dụng bảo hiểm xã hội đang là vấn đề “nóng” của TP. Hà Nội. Một loạt đơn vị nợ thuế, sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động
Cục Thuế TP. Hà Nội công khai hơn 700 doanh nghiệp nợ thuế
Mới đây, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục thực hiện công khai nợ thuế đối với 747 người nộp thuế (NNT) với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 87,5 tỷ đồng và danh sách 155 NNT sau khi thực hiện công khai trong năm 2022 đến thời điểm rà soát là ngày 24/10/2022 đã nộp hết nợ vào ngân sách Nhà nước.
Trong đó có 645 NNT nợ thuế, phí công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/08/2022 với số tiền 85,2 tỷ đồng; 02 NNT nợ nghĩa vụ liên quan đến đất công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/08/2022 với số tiền 182 triệu đồng; 100 NNT nợ khó thu công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/08/2022 với số tiền 2,1 tỷ đồng.
Trong danh sách công khai nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội có hơn chục doanh nghiệp có số nợ trên 1 tỷ đồng, đứng đầu là Công ty Cổ phần Danh Khôi miền Bắc nợ 6,3 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Sông Đà 6 nợ hơn 5,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại UK Việt Nam nợ 4,26 tỷ đồng; Công ty cổ phần phát triển Anstcom Việt Nam nợ 4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghệ Mxgroup nợ 3,25 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng nợ 2,69 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Kết nối Việt nợ 2,38 tỷ đồng; Công ty TNHH một Ngôi sao Thông minh Việt Nam nợ 2,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ Bảo vệ Samurai nợ thuế hơn 2 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số nợ thuế từ 1-2 tỷ đồng là Công ty Cổ phần phát triển máy Xây dựng Việt Nam nợ 1,85 tỷ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ Pháp Việt nợ gần 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Sơn Epoxy Việt Lâm nợ 1,78 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng công trình 507 nợ 1,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghệ Thông tin và Truyền thông nợ 1,27 tỷ đồng.
Bộ Tài chính: Thu ngân sách có dấu hiệu khó khăn
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, ngày 22/10, Bộ Tài chính đã báo cáo giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về ngân sách 2022, dự toán năm 2023.
Theo đó, nợ thuế lại đang có xu hướng tăng khi tới cuối tháng Chín có khoảng 126.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nợ có khả năng thu là 60.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2021; tiền chậm nộp 22.900 tỷ đồng (18%) và nợ thuế không có khả năng thu hồi 25.500 tỷ đồng (20%).
Thừa nhận nợ thuế đang tăng lên, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, vẫn có điểm tích cực, khi số nợ có khả năng thu hồi so với tổng nợ thuế đã giảm, từ mức 66% năm 2016 về còn 47,6% vào cuối 2019 và tăng không đáng kể trong 09 tháng đầu năm 2022. Các khoản nợ liên quan tới đất là 18.700 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2021.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tăng giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế, như công khai các doanh nghiệp nợ thuế lớn, cưỡng chế hoá đơn, tài khoản... Luỹ kế tới cuối tháng Chín, thu hồi nợ thuế đạt 25.600 tỷ đồng, khoảng 61% kế hoạch.
Ngoài ra, việc xử lý khoản tiền chậm nộp phát sinh (tính 0,03% một ngày với khoản thuế chậm nộp), theo Bộ này, giúp số nợ thuế "thực chất hơn". Chín tháng đầu năm, cơ quan thuế xử lý được 2.400 tỷ đồng và luỹ kế đến cuối tháng Chín đạt 34.800 tỷ đồng (khoanh nợ tiền thuế 28.200 tỷ; xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 6.600 tỷ).
Nhiều đơn vị nợ tiền tỷ bảo hiểm xã hội người lao động “kéo dài”
Những năm gần đây, việc nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra khá thường xuyên. Các hành vi vi phạm phổ biến như: Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không đủ cho số lao động trong doanh nghiệp, thỏa thuận với người lao động không giao kết hợp đồng (nhưng vẫn có tên trong bảng chấm công, bảng thanh toán lương), giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 03 tháng nhiều lần... Ngày 07/10/2022, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 01 tháng trở lên được chốt danh sách đến hết tháng 09/2022.
Theo BHXH TP. Hà Nội mới nhất, trên địa bàn thành phố có gần 50.000 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… từ 01 tháng trở lên. Đáng chú ý, có nhiều đơn vị nợ chục tỷ. Đơn của như: Công ty cổ phần anh ngữ APAX, địa chỉ: Tầng 10 tòa nhà 14 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội nợ 31 tháng, số tiền hơn 48,8 tỷ đồng (nợ của 456 lao động); Công ty Cổ phần LILAMA3, địa chỉ số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, nợ 98 tháng, số tiền hơn 41,7 tỷ đồng (của 67 lao động); Công ty Cổ Phần Cầu 12 số, địa chỉ 465 Nguyễn Văn Linh, Phúc Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội, nợ 67 tháng, số tiền hơn 29,8 tỷ đồng (của 28 lao động); Cty CP Cơ Khí Xây Dựng 121 CIENCO1, địa chỉ số 2 đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội nợ 126 tháng, số tiền hơn 21,4 tỷ đồng (của 7 lao động); Công ty CP Sông Đà 6, địa chỉ Nhà TM- Văn Khê- La Khê- Hà Đông- Hà Nội, nợ 29 tháng, số tiền 17,7 tỷ đồng (của 277 lao động)…
Đặc biệt, có nhiều đơn vị nợ hơn 100 tháng đóng BHXH. Đơn cử như Công ty CP LISOHAKA (địa chỉ: Tầng 4 tòa nhà GAMI 11 Phạm Hùng, Nam Từ liêm, Hà Nội) nợ 178 tháng, số tiền gần 7 tỷ đồng của 7 lao động; Cty CP xây dựng giao thông và thương mại 124 (địa chỉ: KM12 + 500 Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) nợ 148 tháng, số tiền hơn 13 tỷ đồng; Cty CP 116 – CIENCO 1 (số 2 phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội), nợ 138 tháng, số tiền gần 19 tỷ đồng; CÔNG TY CP CÔNG NGHIỆP XÂY DỰNG TOÀN PHÁT (địa chỉ: Tầng 3 toà nhà 101 Láng hạ, Đống đa, Hà Nội ) nợ 134 tháng, số tiền 13 tỷ đồng của 1 lao động; Chi nhánh Cty CP ô tô Xuân Kiên VINAXUKI - NM SX ô tô số 1, Mê Linh, HN (địa chỉ: P501, tòa nhà Viglacera, số 2 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), nợ 123 tháng, số tiền 23 tỷ đồng của 3 lao động.
Ngoài ra, Công ty cổ phần khoá Minh Khai (địa chỉ: Km14 Ql1A Ngọc Hồi Thanh Trì Hà Nội) nợ 101 tháng, số tiền 12,4 tỷ đồng của 43 lao động; Hay Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát (Địa chỉ: SH 26 số 47 nguyễn chánh - trung hòa) nợ 17 tháng, số tiền 1,6 tỷ đồng của 23 lao động…
Việc các DN, công ty nợ BHXH dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đặc biệt là NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đời sống, không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất...
Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH, ngày 16/08/2022, báo Lao động có bài viết: “Doanh nghiệp nợ Bảo hiểm Xã hội, người lao động chịu thiệt” liên quan đến phản ánh của người lao động (NLĐ) về việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH dẫn đến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, có trường hợp mắc bệnh, muốn rút BHXH một lần để có tiền chữa bệnh nhưng không được vì doanh nghiệp nợ BHXH…
Theo đó, NLĐ tại Công ty cổ phần khoá Minh Khai (Hà Nội) bị nợ BHXH kéo dài với số tiền lên tới hơn 12 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh (đại diện tập thể NLĐ) cho biết: “Chúng tôi đã gần 50 tuổi, tham gia sản xuất tại Công ty cổ phần khoá Minh Khai đã gần 30 năm, chúng tôi đã đi gần đến cuối chặng đường lao động. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, công ty vẫn đều đặn trừ tiền lương sản xuất ít ỏi của NLĐ, nhưng lại không đóng tiền về cơ quan BHXH. Do công ty nợ BHXH nên NLĐ không thể chốt sổ, không thể giải quyết chế độ hưu trí".
"Một điều trớ trêu là, NLĐ muốn được chốt sổ thì phải lo một khoản tiền để cho công ty vay để đóng BHXH thì mới được chốt sổ. Hầu hết NLĐ chúng tôi đều đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì lấy đâu ra tiền để mà cho công ty vay, dẫn đến quyền lợi của chúng tôi có nguy cơ không được hưởng", bà Minh Hạnh bức xúc nói.
Ngoài trường hợp NLĐ tại Công ty cổ phần khoá Minh Khai bị nợ BHXH, anh Lâm Trường Long (quê ở Trà Vinh) phản ánh việc Công ty TNHH đầu tư nông nghiệp Thuận Phát (Ba Đình, Hà Nội) nợ BHXH 04 tháng khiến anh không thể chốt sổ BHXH. Theo anh Long, tháng 08/2020, tôi được nhận vào làm vệc tại Công ty cổ phần giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông (ECPay) pháp nhân là Công ty TNHH đầu tư nông nghiệp Thuận Phát (TPAI) với chức vụ là nhân viên kinh doanh. Đến hết tháng 09/2021 do vợ tôi sinh con nên tôi quyết định nghỉ việc để chăm lo cho gia đình.
"Tôi đã hoàn tất giấy tờ xin nghỉ việc và bàn giao đầy đủ công việc nhưng Công ty không gửi “Quyết định nghỉ việc” cho tôi. Đã gần 11 tháng kể từ khi tôi nghỉ việc thì Công ty TPAI vẫn chưa đóng tiền BHXH cho tôi từ tháng 09/2021, do đó tôi vẫn chưa được chốt trả sổ BHXH… Gia đình vừa có cháu nhỏ, bản thân tôi cũng vừa phát hiện mình bệnh xơ gan nên tôi đang muốn làm thủ tục rút BHXH một lần để có tiền chăm con và điều trị bệnh, nhưng do công ty nợ BHXH nên tôi không thể thực hiện được", anh Trường Long chia sẻ.
Nhiều vướng mắc khó xử lý
Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT của các doanh nghiệp có diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây hệ luỵ tiêu cực rất lớn cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Các chế tài xử lý hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn nhiều bất cập, khó thực thi dẫn đến chưa thể hiện triệt để tính pháp quyền của nhà nước đối với những hành vi này.
Theo ông Quảng, để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, kể cả áp dụng các biện pháp hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tiếp theo là nâng cao hiểu biết về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động bằng các hình thức tuyên truyền phổ biến. Bởi người lao động hiểu biết chế độ chính sách thì họ tự bảo vệ quyền lợi của mình ngay từ đầu.
“Theo tôi, cần sửa đổi các chế độ chính sách về pháp luật liên quan đến BHXH trong đó cụ thể sửa đổi phương thức đóng; phương thức quản lý đóng, hưởng; sửa đổi những chế tài xử lý các hành vi trốn, nợ đóng BHXH; sửa đổi các quy định về tố tụng để đảm bảo quyền NLĐ được bảo vệ bởi tổ chức công đoàn; sửa đổi các vướng mắc lâu nay ví dụ như việc xử lý doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn còn nợ đọng BHXH - hiện nay vẫn chưa xử lý được…”, ông Quảng nêu ý kiến.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận, việc xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH theo Điều 216, Bộ luật Hình sự gặp khó khăn. Bốn năm qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH, nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khi công an tới làm việc, một số doanh nghiệp nộp tiền nên không khởi tố nữa. Một số chưa đủ yếu tố cấu thành tội, doanh nghiệp nói "chưa kịp đóng chứ không trốn".
Cũng mới đây, ngày 21/09/2022, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 3550/QĐ-TTTP của Thanh tra thành phố Hà Nội về thanh tra việc chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022.
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết: 105 doanh nghiệp đưa vào danh sách thanh tra lần này đều là những doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài, trên 12 tháng, BHXH Thành phố đã nhiều lần văn bản đôn đốc nợ, làm việc trực tiếp nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục số nợ.
Theo danh sách của BHXH TP. Hà Nội thì 105 doanh nghiệp trong diện thanh tra đợt này hiện đang nợ tiền của 998 lao động với số tiền 35,4 tỷ đồng. Đến 20/09, sau khi có quyết định của Thanh tra Thành phố, các doanh nghiệp đã khắc phục được số tiền 6,7 tỷ đồng, trong đó có 9 doanh nghiệp khắc phục được toàn bộ số nợ, 38 doanh nghiệp khắc phục một phần nợ BHXH.
Thống kê đến hết tháng 09/2022, doanh nghiệp cả nước chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu. Chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.
Đơn cử tại Hà Nội, doanh nghiệp nợ đóng BHXH hơn 5.100 tỷ đồng (chiếm 8,8% số tiền cần thu). Trong đó hơn 3.500 đơn vị nợ kéo dài từ hai năm trở lên. Đại diện một số doanh nghiệp cho hay tình trạng nợ, chậm đóng do khó khăn trong sản xuất hoặc làm ăn thua lỗ. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản lẫn làm việc trực tiếp nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đóng.