Định vị thương hiệu nông sản Việt
Thương hiệu nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này cũng góp phần củng cố vị thế cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nông sản chịu nhiều thiệt thòi
Mặc dù liên tục nhiều năm đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu nhưng có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Không ít sản phẩm của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Việc chưa xây dựng được thương hiệu dẫn đến hàng nông sản Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi. Đơn cử như giống sầu riêng có xuất xứ từ Malaysia - Musang King, được trồng tại Việt Nam, đang được bán từ 500 - 800 nghìn đồng/kg. Nghĩa là để mua một quả sầu riêng từ 2 - 3kg, người tiêu dùng phải chi hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng/kg, quá thấp so với giá sầu riêng nước bạn. Hay như hiện giá cà phê trực tuyến robust tại London (Anh) được ghi nhận khoảng trên 2.200 USD/tấn, nghĩa là chúng ta bán 1kg cà phê nhân mang lại khoảng 2,3 USD, tương đương với giá 1 ly cà phê ở các nước này. Trong khi 1kg cà phê nhân có thể pha được khoảng 50 ly. Hoặc nói đơn giản hơn, dù chúng ta sản xuất ra cà phê nhưng phần thu về chỉ bằng 1/50 so với những người bán cà phê.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, chức năng cơ bản của thương hiệu là giúp phân biệt sản phẩm và dịch vụ cho DN vẫn tồn tại nhưng trong xu hướng toàn cầu hoá kinh tế và cạnh tranh gay gắt, các yếu tố cấu thành thương hiệu đã mở rộng hơn nhiều, bao gồm cả các giá trị cảm nhận, ấn tượng hay hình ảnh của sản phẩm và dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng.
Vai trò quan trọng của xây dựng thương hiệu
Ông Tiệp nhận định, thương hiệu có vai trò quan trọng với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đối với người sản xuất, thương hiệu giúp tạo dựng hình ảnh DN và sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng; thương hiệu như một lời cam kết giữa DN và khách hàng; giúp phân đoạn thị trường; tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển của sản phẩm. “Đối với người tiêu dùng, thương hiệu giúp khách hàng xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; giúp báo hiệu những đặc điểm và thuộc tính của sản phẩm tới khách hàng; giúp họ tiết kiệm chi phí tìm kiếm; làm giảm rủi ro khi quyết định mua và tiêu dùng” - ông Tiệp nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - “cha đẻ” của nhiều giống gạo ngon của Việt Nam, câu chuyện thương hiệu nông, thuỷ sản đã bàn nhiều nhưng hiện chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt đầu từ 3 bên bao gồm: Nhà nước, DN và người nông dân. “Xây dựng thương hiệu thật sự quan trọng nhưng phải theo quy trình và tất cả các bên liên quan đều phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu đó” - Giáo sư Võ Tòng Xuân gợi ý.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành - đại diện một DN xuất khẩu nông sản mong muốn, các tham tán thương mại nên quan tâm hơn nữa để đưa những thương hiệu nông sản Việt ra thế giới. Đối với người trực tiếp làm ra sản phẩm và làm thương hiệu, ông Thành chia sẻ, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, phải bắt đầu từ trách nhiệm và tinh thần doanh nhân và phải bắt đầu từ thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN.