Doanh nghiệp cần có chiến lược giữ gìn thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, việc xây dựng thương hiệu Việt đóng vai trò quan trọng trong định danh doanh nghiệp trên thị trường và gia tăng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa ý thức
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, việc xây dựng thương hiệu Việt đóng vai trò quan trọng trong định danh doanh nghiệp trên thị trường và gia tăng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm, khiến hàng Việt chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Gạo ST25 là niềm tự hào của Việt Nam và mới nổi trên thị trường thế giới được khoảng 2 năm nay, nhưng đang có tới 6 doanh nghiệp tại Mỹ và Australia đăng ký xin bảo hộ nhãn hiệu này. Như vậy, nếu những doanh nghiệp trên thành công, thì kỹ sư Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất và bán gạo ST25 sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ và Australia. Ông Ngô Văn Hiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Dù 6 doanh nghiệp trên vẫn đang trong thời gian chờ xét duyệt, song nguy cơ mất thương hiệu gạo này trên thị trường Mỹ và Australia rất có thể xảy ra nếu chúng ta không có động thái kịp thời”.
ST25 không phải là trường hợp đầu tiên rơi vào tình cảnh mất thương hiệu. Trước đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Đơn cử như nước mắm Phú Quốc cũng từng bị một doanh nghiệp khác tại Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền và phải mất 6 năm doanh nghiệp Việt Nam mới chứng minh được quyền sở hữu của mình.
Tương tự, thương hiệu cà phê Meet More của Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt. Điều này chỉ được phát hiện khi công ty đăng ký bản quyền tại Hàn Quốc nhưng bị nhà chức trách nước sở tại từ chối.
Những ví dụ điển hình trong việc chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt cho thấy một thực trạng đáng báo động về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Còn theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường nội địa và quốc tế.
Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế. “Để khắc phục bất cập này, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng thương hiệu; có giải pháp tổng thể tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu”, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khuyến cáo, những doanh nghiệp đang có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu hoặc chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài, cần khẩn trương đăng ký thương hiệu. Đó là cách duy nhất để doanh nghiệp không rơi vào cảnh phải đi kiện tụng, gây tốn kém thời gian, tiền bạc. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ không đáng là bao so với chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra nếu rơi vào trường hợp phải đi kiện để lấy lại thương hiệu.
Để giải quyết những bất cập này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ tăng cường giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam, đào tạo, tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu, đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển các sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm tính minh bạch của quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi để tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.