Giấy bao gói thực phẩm khô "Made in Vietnam": Đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu
Nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương quản lý, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được giao chủ trì thực hiện Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượn
Chú trọng yếu tố môi trường
Tiến sĩ Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, đồng thời là chủ nhiệm dự án - cho biết: Xã hội ngày càng phát triển thì sự quan tâm về sức khỏe của cộng đồng ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, các sản phẩm bao gói thực phẩm cũng rất được chú trọng, nhất là giấy bao gói thực phẩm.
Họp nghiệm thu dự án do Bộ Công Thương tổ chức |
Giấy bao gói thực phẩm với các ưu điểm như nhẹ, chịu nhiệt, sản phẩm đa dạng, dễ thích ứng được nhiều sản phẩm thực phẩm, dễ in ấn tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn cho sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy trong môi trường và đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên nhược điểm của sản phẩm giấy bao bì thực phẩm là tính chất cơ lý của giấy bị giảm nhanh trong môi trường ẩm nếu không được sản xuất, gia công bởi các quy trình đặc biệt.
Để khắc phục nhược điểm trên, trong quá trình gia công, đơn vị sản xuất thường ghép băng giấy với một số vật liệu khác như: Tráng thêm một lớp parafin, màng chất dẻo (PE), màng nhôm… Mặc dù vậy, phương pháp này vẫn còn nhược điểm như: Khả năng chịu nhiệt kém, giá thành cao, quá trình tái chế gặp khó khăn và chủ yếu áp dụng cho các dây chuyền đóng gói vô khuẩn.
Xuất phát từ thực tế trên, Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô” được triển khai với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới, thân thiện với môi trường, được sản xuất và thương mại hóa bởi thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu. “Kết quả của dự án góp phần tạo sản phẩm giấy bao gói “Made in Vietnam” dùng cho thực phẩm khô” - Tiến sĩ Cao Văn Sơn nhấn mạnh.
Đáp ứng sự tin dùng của khách hàng
Có thể kể đến một số kết quả chính mà dự án đã đạt được như: Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho bao gói trực tiếp thực phẩm khô (đối với 2 dòng sản phẩm: Giấy trắng và giấy nâu) trong phòng thí nghiệm và trên dây chuyền sản xuất công suất 500 tấn/năm; thiết kế, cải tạo, nâng cấp cải tiến dây chuyền sản xuất phù hợp với sản xuất sản phẩm giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm khô công suất 500 tấn/năm.
Đáng chú ý, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công 300.569 kg sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô với chất lượng ổn định. Đồng thời, từng bước tiếp cận thị trường và đã tiêu thụ được 298.811 kg sản phẩm giấy bao gói thực phẩm, đạt 99,4% so với tổng sản lượng sản xuất.
“Mặc dù là sản phẩm mới nhưng chất lượng sản phẩm tạo ra từ quá trình nghiên cứu đã từng bước đáp ứng được yêu cầu và sự tin dùng của khách hàng trong nước. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đầu tư hướng đến dòng sản phẩm này, tăng cường khả năng cạnh tranh và thay thế một phần sản lượng đang phải nhập khẩu hiện nay” - TS. Cao Văn Sơn cho hay, đồng thời chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng nhãn mác, thương hiệu riêng, tìm thị trường mục tiêu, quảng bá thương hiệu…”.