Gói hỗ trợ viễn thông: Mong giảm cước thay vì tặng dung lượng
Vừa mới đi vào triển khai, gói hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông tổng trị giá gần 10 nghìn tỷ đồng đã nhận được nhiều phản hồi từ người tiêu dùng với mong đợi thiết thực hơn.
oạt chương trình tặng phút gọi, nhân data, nâng băng thông
Bắt đầu từ ngày 5/8 khi gói hỗ trợ chính thức đi vào hiệu lực, đồng loạt các nhà mạng đã nhắn tin đến các đầu số điện thoại thuê bao với nội dung: Chia sẻ cùng Quý khách trong thời gian dịch COVID-19, Mobifone/ Viettel/ Vinaphone kính tặng Quý khách 50 phút thoại (cộng vào tài khoản nội mạng). Thời hạn sử dụng 30 ngày.
VNPT duy trì dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong thời gian giãn cách (ảnh: VNPT) |
Đi kèm nội dung là hướng dẫn nhắn tin để nhận ưu đãi hoặc kiểm tra ưu đãi, mỗi khách hàng chỉ nhận được ưu đãi một lần (dù được nhận tin nhắn nhiều lần).
Việc hỗ trợ, ưu đãi chi tiết theo chương trình của mỗi nhà mạng khá tương tự nhau. Vinaphone tặng 50 phút gọi nội mạng cho mỗi thuê bao khách hàng tại 23 tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với các khách hàng trên toàn quốc, VNPT tặng thêm 50% dung lượng data nhưng không đổi giá cước đối với tất cả gói cước khi khách hàng gia hạn hoặc đăng ký mới. Mobifone cũng tặng 50 phút gọi nội mạng cho khách hàng trong khu vực giãn cách đang áp dụng Chỉ thị 16. Viettel tượng tựu áp dụng tặng 50 phút gọi nội mạng cho các khách hàng trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 áp dụng cho thuê bao di động trả trước, trả sau đang hoạt động tại 23 tỉnh.
Ngoài ra là hàng loạt ưu đãi khác như tặng thêm 50% dung lượng data gói cước, gấp đôi lưu lượng băng thông internet cáp quang giá không đổi…
Bên cạnh đó là một số ưu đãi đặc biệt như VNPT miễn phí gói cước Internet tới tiền tuyến chống dịch gồm Khu cách ly và bệnh viện dã chiến; Bác sĩ, nhân viên y tế, Đội ngũ chống dịch… Mobifone giảm giá 50% đối với các gói cước data VX3 và VX7; Còn với Viettel, sẽ thực hiện đóng góp vào quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 theo phương thức trích 5.000 từ mỗi lượt đăng kí gói cước VX3/VX7 thành công; đồng thời miễn phí lưu lượng tốc độ cao truy cập trang tin Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone…
Người dân nói gì?
Với chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhiều khách hàng cũng đã lập tức “đồng loạt” phản hồi. Trên chính trang mạng xã hội, tại tài khoản tích xanh của Mobifone, một khách hàng ý kiến là “miễn cước nội mạng thì được, còn tặng thêm 50 phút gọi nội mạng không biết để làm gì”. Một khách hàng khác cũng comment là “Nhiều quá cứ gọi để treo máy chơi”… Thông điệp “tặng thêm nhưng không để làm gì” cũng được nhiều người trao đổi và like, share trên các diễn đàn.
Nhìn chung, người tiêu dùng cho rằng chính sách tặng thêm phút thoại này không hoàn toàn thiết thực so với nhu cầu/ mong đợi của họ bởi trong giãn cách, nhu cầu sử dụng gọi điện liên lạc phục vụ công việc giảm mạnh, vì vậy họ không sử dụng hết “định mức” theo gói thuê bao ấn định. Chưa kể, chương trình tặng sẽ chỉ được trừ sau khi khách hàng sử dụng hết ưu đãi phút gọi của các chương trình khuyến mãi khác và hết tài khoản tiền, do đó, nhiều khi khách hàng cũng chưa sử dụng hết các chương trình khác nên sẽ không cần đến 50 phút tặng thêm này.
“Hầu như tháng nào nhà mạng cũng có các chương trình ưu đãi và là người tiêu dùng có quan tâm ưu đãi thì sẽ tận dụng các chương trình này, cũng đủ sử dụng rồi nên tặng thêm thực sự là… không dùng tới nếu không muốn nói là dư thừa. Việc tặng băng thông cho các gia đình sẽ có ý nghĩa hơn khi họ sử dụng làm việc trực tuyến, work from home, cho con cái học hành. Nhưng sẽ chỉ ý nghĩa khi mạng thực sự đảm bảo truy cập mượt, chạy nhanh”, chị Phạm Chi, một người tiêu dùng ở Tp Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người dùng cũng có ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội tài khoản của Viettel là mặc dù được tăng gấp đôi lưu lượng băng thông nhưng kiểm tra không thấy nâng; hoặc nâng cũng không có gì thay đổi vì tốc độ vẫn chậm.
Khá giống là các chia sẻ thắc mắc về việc nâng băng thông ở VNPT nhưng tình trạng “load” (tải) các chương trình vẫn chậm trì hoặc lag mạng.
Việc nâng băng thông, gấp đôi lưu lượng internet cáp quang của FPT Telecom cũng không được người dân đang trong khu vực giãn cách “thỏa lòng”. Những cuộc họp qua Zoom lẫn Meet Google liên tục bị đứt quãng phải truy cập lại từ đầu là tình trạng của chính người viết, dù đã sử dụng gói thuê bao dung lượng lớn trả trước 6 tháng một lần. Từ ngày 5/8, thời điểm chương trình triển khai tặng thêm lưu lượng, chưa có gì cải thiện ở đường truyền FPT và cũng không có thông báo ưu đãi nào từ nhà mạng này.
Doanh nghiệp đề xuất giảm cước
Ở góc độ doanh nghiệp, anh Phan Thanh Hùng, Giám đốc một Công ty kinh doanh tại quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết nhìn chung theo anh, gói hỗ trợ viễn thông với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, giá trị gói cũng cao, do đó nếu điều chỉnh, chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ, đáp ứng được mong trúng mong đợi của người dân, doanh nghiệp nhiều hơn. Ví dụ với việc VNPT miễn phí internet cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, thì theo anh trong đại dịch căng thẳng, đến điện thoại các Y, Bác sĩ còn không nghe được thời gian đâu kiểm tra, sử dụng internet, do đó nhà mạng nên xem xét giảm sâu cước điện thoại cho các đối tượng, lực lượng này. Còn các ưu đãi như “miễn phí lưu lượng tốc độ cao truy cập trang tin Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone…” thì rất khó cụ thể, nhà mạng nên cân nhắc miễn phí trên dung lượng dữ liệu chung. Ví dụ như gói bình thường khách hàng dùng 12GB, có thể chỉ tính tiền 8GB.
Người dân và doanh nghiệp mong đợi được giảm cước viễn thông (ảnh: Mobifone) |
“Tôi cho rằng theo các chương trình hỗ trợ đang triển khai trong gói gần 10.000 tỷ đồng này, chủ yếu là “cho thêm biếu thêm” dạng ưu đãi khuyến mãi, trên cơ sở tài nguyên các nhà mạng đang có. Đây không hẳn là điều người dùng mong đợi mà họ mong đợi những hỗ trợ thiết thực, dù có thể khiến các doanh nghiệp phải giảm bớt quyền lợi (lợi nhuận) khi chia sẻ. Cụ thể như nhà mạng có thể xem xét giảm cước điện thoại cố định, cước điện thoại di dộng cho mọi khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trong giãn cách”, anh Hùng nói.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hội cũng đã thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới các doanh nghiệp để họ nắm bắt và triển khai như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68; gói hỗ trợ viễn thông 10.000 tỷ đồng, chương trình giảm thuế… Riêng với gói hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông, nhiều doanh nghiệp phản hồi chỉ tác dụng một phần với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phản ánh: Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là giao tiếp với khách hàng nhưng dịch bùng phát nên việc giao dịch giảm nên lưu lượng dùng băng thông chủ yếu trong nội bộ không tăng nhiều. Do đó, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm vào giá cước 20-50%, vì như vậy tính vào chi phí của doanh nghiệp.
Có thể thấy, lan tỏa tinh thần tích cực cùng cả nước quyết tâm chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông với sự đồng lòng các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV khi cam kết thực hiện gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, nhiều người dân đã rất ngóng đợi. Nhưng dù vậy thì có lẽ thay vì tặng thêm, mong đợi của dân vẫn là muốn được nhìn thấy “giảm tiền” ngay trên hóa đơn của gia đình, của doanh nghiệp mình.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lúc khó khăn này, liên lạc viễn thông, internet nhiều khi là cách thức duy nhất để kết nối. Việc tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau COVID-19.
Trước đó, ghi nhận cho thấy trong đợt dịch vào tháng 4/2020, sau chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều nhà mạng cũng đã nâng gấp đôi băng thông, hay tặng thêm dung lượng gói cước 3G/4G cho người dùng mà không tăng giá, song lại không nhận được nhiều phản hồi như ở gói hỗ trợ mới đang triển khai.