Monday, May 21, 10:05 AM

Khoa học và Công nghệ: Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương nhân Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam 18/5.

Khoa học và Công nghệ: Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương
Khoa học và Công nghệ: Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đổi mới sáng tạo được xác định là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Từ góc độ ngành Công Thương, xin Bộ trưởng chia sẻ một số nhận định về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển ngành trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 và quá trình hội nhập kinh tế tác động sâu rộng?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: KH&CN góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở phạm vi quốc gia, ngành và doanh nghiệp (DN). Ở tầm vĩ mô, sự phát triển của KH&CN có tác động quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu. Sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. KH&CN tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Ở phạm vi DN, KH&CN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của DN. Một quốc gia có tiềm lực KH&CN là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao.

Trong giai đoạn vừa qua, KH&CN đã đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Công Thương. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các DN ngành Công Thương, đặc biệt đối với các DN chế biến, chế tạo liên tục phát triển và đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Các sản phẩm của Việt Nam không chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã vươn ra thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã có vị trí cao trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới.

Khoa học và Công nghệ: Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG DIÊN - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG:

"Nhân dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tới các nhà khoa học, các cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN ngành Công Thương. Chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, thành công và tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo nhiều hơn nữa vào sự phát triển KH&CN cũng như sự phát triển của ngành Công Thương"

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia với nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Chính sách KH&CN cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của nhà nước và Bộ Công Thương là yếu tố thúc đẩy những đóng góp có ý nghĩa của KH&CN cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng DN, đặc biệt trong những năm gần đây.

Theo kết quả thống kê, giai đoạn 2010 - 2018, đóng góp của tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng VA (giá trị gia tăng) của một số ngành công nghiệp chủ lực có xu hướng tăng: Năm 2010, mức đóng góp của tăng TFP là 44,74%, đến năm 2018, con số này đã lên mức 50,99%, cao hơn mức đóng góp của TFP của toàn nền kinh tế, trong đó, đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng năng suất lao động của các ngành công nghiệp chủ lực là 105,8%.

Tỷ lệ DN ngành Công Thương tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các DN Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D. Nhiều tập đoàn, DN đã thành lập quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ có những tác động hết sức mạnh mẽ tới nền sản xuất của mỗi quốc gia, đặc biệt, do đại dịch Covid-19, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh. Tận dụng những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo với trọng tâm là các DN, chính là yếu tố nền tảng, giải pháp có tính căn cơ để ngành Công Thương thực hiện tái cơ cấu một cách triệt để trong giai đoạn 2021 - 2030, khai thác tối đa, tận dụng tốt nhất cơ hội đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên những vấn đề gì trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế đất nước đã được tái khẳng định và một lần nữa được làm sâu sắc hơn trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII. Để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực hiện đúng vai trò của mình, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy chiến lược và tổ chức thực hiện. Đặt DN vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống chính sách hướng tới phục vụ đổi mới sáng tạo; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN; đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các DN sản xuất, hình thành nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, thu hút và phát triển nhân tài… chính là những giải pháp cốt lõi trong phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.

Đối với ngành Công Thương, trong bối cảnh và những yêu cầu mới, trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu KH&CN sẽ tập trung vào những vấn đề lớn sau:

Thứ nhất, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030; tạo nền tảng vững chắc giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Đặc biệt, ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ DN ngành Công Thương ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại DN. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của DN. Triển khai kết nối các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ với hoạt động KH&CN của DN trong ngành.

Thứ ba, xây dựng, phát huy tiềm lực của các tổ chức KH&CN; nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập; đồng thời, huy động sự tham gia của các DN KH&CN, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và nước ngoài có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực KH&CN với mục tiêu hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, kết nối chặt chẽ, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trong các DN ngành Công Thương.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN ngành Công Thương theo hướng hiện đại, tập trung vào hiệu quả thông qua việc đổi mới quy định về quản lý, đơn giản hóa quy trình thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính thống nhất, minh bạch…

Một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động KH&CN của ngành Công Thương thời gian tới đó là hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về việc thực hiện nội dung này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Các nội dung của Đề án được đánh giá là những giải pháp có tính chiến lược trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 cũng như việc hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, nhanh chóng tổ chức các nhóm chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài Bộ tiến hành xây dựng Đề án với mong muốn tạo ra những điểm có tính đột phá trong thiết kế cũng như triển khai Đề án sau khi được phê duyệt. Chúng tôi xác định việc ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản xuất thông minh đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ DN chuyển đổi số. Về mặt bản chất, chính là việc xây dựng một phiên bản mới của DN dưới dạng một mô hình phù hợp để giải quyết các thách thức và tận dụng được các lợi ích mà môi trường số mang lại.

Xét ở tính tổng thể, Đề án được xây dựng dựa trên sự nghiên cứu phân tích chi tiết các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến hoạt động của chuyển đổi số trong DN ngành Công Thương. Năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN trên môi trường số phụ thuộc không chỉ vào sự đầu tư cho công nghệ mà còn vào khả năng quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển, đổi mới sáng tạo, văn hóa DN… mang đặc thù “số”.

Dưới góc nhìn đó, Đề án sẽ tiếp cận toàn diện với các nội dung mang tính chiến lược để hỗ trợ cho DN ngành Công Thương chuyển đổi số, thay vì chỉ đặt trọng tâm vào đầu tư cho công nghệ. Đề án đưa ra các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực “chuyển đổi” của mình như một tiền đề để bước vào giai đoạn “số”.

Xét về tính cá thể hóa, do các DN ngành Công Thương có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, việc triển khai chuyển đổi số cần có những đột phá nhưng vẫn phải đảm bảo tính ổn định của DN. Với quan điểm này, việc áp đặt phương thức chuyển đổi số chung cho tất cả các DN với các dạng mô hình sản xuất, kinh doanh và năng lực khác nhau là không hiệu quả. Do đó, Đề án sẽ chú trọng đến hỗ trợ DN nâng cao năng lực lựa chọn phương pháp tiếp cận, lộ trình chuyển đổi số một cách phù hợp với điều kiện của mình trước khi tiến hành để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Ở trên phương diện này, với mục tiêu hỗ trợ DN tiếp cận, lựa chọn và tiến hành hiệu quả các phương án, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với hiện trạng và điều kiện của mình, các giải pháp thực hiện Đề án sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề cốt lõi sau:

Thiết lập môi trường kiến tạo: Tạo ra môi trường chính sách và pháp lý mang tính hỗ trợ cao cho DN ngành Công Thương chuyển đổi số; tạo nhận thức sâu sắc: Nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số của toàn ngành song song với việc hình thành cơ chế hỗ trợ bền vững cho DN chuyển đổi số. Tiếp đó, hình thành năng lực sáng tạo: Hỗ trợ DN ngành Công Thương phát triển năng lực triển khai chuyển đổi số bao gồm nguồn nhân lực, năng lực công nghệ và sáng tạo, nguồn tài nguyên dữ liệu và hạ tầng số cho chuyển đổi số; dẫn dắt chuyên nghiệp: Hỗ trợ trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số của DN theo phương thức hiệu quả và bền vững bao gồm nhân lực chuyển đổi số chuyên nghiệp cho DN, các dự án mẫu để đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nền tảng số, cơ chế và tài nguyên hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN Công Thương; phát triển tầm nhìn bền vững: Hình thành yếu tố chuyển đổi số bền vững cho DN ngành Công Thương như theo dõi tiến độ, đánh giá tác động của hoạt động chuyển đổi số đến DN để điều chỉnh phù hợp, hướng đến nền kinh số…

Khoa học và công nghệ - Nền tảng quan trọng để tái cơ cấu ngành Công Thương
Đoàn công tác của Vụ KHCN thăm trung tâm máy và tự động hóa

Ngày 18/5 hàng năm đã được chọn là Ngày KH&CN Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ về các hoạt động hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam năm nay của Bộ Công Thương?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Sau khi Luật KH&CN số 29/2013/QH13 có hiệu lực, ngày 18/5 chính thức trở thành Ngày KH&CN Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng, được tổ chức thường niên nhằm biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH&CN, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo. “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai” trở thành chủ đề của Ngày KH&CN năm 2021. Đây tiếp tục là sự khẳng định cho việc, KH&CN và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành một trong những nền tảng quan trọng kiến tạo cùng khát vọng phát triển một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Năm 2021, là một thời điểm hết sức quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Các hoạt động hưởng ứng Ngày KH&CN năm nay của Bộ Công Thương cũng hết sức đặc biệt. Để tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, các kết quả, công trình KH&CN tiêu biểu của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã tiến hành xem xét, đánh giá các hồ sơ đề xuất để khen thưởng. Hoạt động này không chỉ nhằm mục tiêu ghi nhận, tôn vinh các thành tích, đóng góp của từng cá nhân, tập thể mà điều quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn chính là việc tạo ra động lực, tinh thần thi đua trong hoạt động KH&CN ở mỗi cá nhân, đơn vị, DN.

Cũng trong dịp này, chúng tôi sẽ cùng nhìn lại, đánh giá lại hoạt động của các tổ chức KH&CN của Bộ Công Thương trong giai đoạn vừa qua; xác định những định hướng, ưu tiên cũng như giải pháp cụ thể cho giai đoạn tiếp theo. Với yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ của ngành Công Thương, cơ hội và thách thức đến từ cuộc CMCN 4.0 và quá trình hội nhập, thì sức mạnh của hệ thống các tổ chức KH&CN chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định vai trò đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển ngành.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng Ngày KH&CN năm nay, trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, đó là cả nước chung tay chống đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các tổ chức KH&CN, DN, cơ quan thông tấn báo chí của Bộ tổ chức các hoạt động hưởng ứng một cách có ý nghĩa, đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch như: Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật KH&CN; thành tựu, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực và DN ngành Công Thương; phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng tại DN; tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển KH&CN của DN, đơn vị và ngành Công Thương…

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

qu10029nh-nga-ki10029u-nga
Theo Công Thương https://congthuong.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-nen-tang-quan-trong-de-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-157186.html Copylink