Khoa học và công nghệ: Tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn vùng sâu, vùng xa
Để đưa nông nghiệp, nông thôn các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi phát triển cần tăng cường việc triển khai các chương trình khoa học công nghệ, đồng thời, tăng cường nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, góp phần hỗ trợ ng
Động lực cho tăng trưởng nông nghiệp
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, tại Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 đã xác định khoa học và công nghệ là một trong những động lực cho tăng trưởng, tăng thu nhập, phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất |
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp là 5.641,25 tỷ đồng, đặc biệt sẽ có 40% số sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững…
Thực tế, trong thời gian qua, tại tỉnh Bắc Kạn, công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã được quan tâm, có nhiều mô hình sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất và duy trì, nhân rộng những nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm trong sản xuất đem lại hiệu quả.
Chẳng hạn, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, sơ chế khoai môn cho hiệu quả kinh tế đạt 80 - 100 triệu đồng/ha, so với các cây trồng khác hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần. Hay dự án xây dựng mô hình trồng, thâm canh chè Shan tuyết theo hướng tập trung cho thu hoạch, năng suất bình quân 20 - 40 tấn/ha, trong khi trồng chè theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 8 - 12 tấn/ha…
Còn tại Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định: Không có phát triển khoa học và công nghệ thì Bắc Giang không tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay. Thực tiễn Bắc Giang những năm qua cho thấy, ở đâu có sự sáng tạo trong đổi mới các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, chính sách thì ở đó có sự tiến bộ vượt bậc, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Bắc Giang không ngừng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả trên là có sự đóng góp hiệu quả của nhiều ngành, lĩnh vực trong đó nổi bật là việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn miền núi” - ông Lê Ánh Dương nói.
Hiện nay, tại Bắc Giang, nhờ đóng góp của khoa học và công nghệ, giá trị từ vải thiều cho doanh thu trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm; giá trị sản xuất từ chăn nuôi gà đồi Yên Thế đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng; nghề trồng nấm an toàn đem lại doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.
Để công nghệ phủ sóng vùng sâu, vùng xa
Cũng từ góc độ địa phương, ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn nhận định, trong thời gian qua, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và sản xuất, ở nhiều nơi cũng đã làm thay đổi nhận thức tập quán sản xuất truyền thống của người dân.
Nhiều sản phẩm nông, lâm sản chủ lực của địa phương đã được phát triển thành tài sản trí tuệ và cũng đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được quản lý, khai thác, phát triển thành hàng hóa và từ đó đã góp phần phát huy được danh tiếng, uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hóa ở địa phương. Nhiều hộ dân đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số ở trong các hoạt động kết nối cung cầu để tiêu thụ nông lâm sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Do đó, ông Lưu Bá Mạc cho rằng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu khoa học, quy trình công nghệ, ứng dụng kết quả mà tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn kinh phí theo hướng tăng dần qua các năm để thực hiện chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hơn nữa, vai trò và hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo bà Châu Quỳnh Dao - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, công nghệ thông tin, truyền thông rất có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển và vùng nông thôn không phải là ngoại lệ. Chính nhờ công nghệ thông tin truyền thông và người nông dân của chúng ta có thể cập nhật được dự báo thời tiết, biết được mình sẽ trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao và sẽ biết được cách trồng, cách nuôi như thế nào để đạt được năng suất và bán vào thời điểm nào, ở đâu có giá.
“Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 như thế này, chính nhờ công nghệ thông tin mà ở vùng sâu, vùng xa, người dân biết được cập nhật, được diễn biến tình hình để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan. Cũng nhờ đó mà trẻ em vùng sâu, vùng xa dừng đến trường nhưng không dừng học” - bà Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù chúng ta có rất nhiều nỗ lực nhưng thực tế nhìn trên bản đồ phủ sóng Internet có rất nhiều khoảng trống vào một số vùng. Ví dụ như Tây Bắc, Tây Nguyên, hộ gia đình sử dụng Internet chỉ đạt được 46,1%. Hay một số tỉnh miền núi phía Bắc, có tỉnh chỉ đạt được 13,15%, đây là điều rất đáng lo ngại.
Vì vậy, bà Châu Quỳnh Dao đề nghị, Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông. Đặc biệt, huy động phân bổ vốn hợp lý và có những chính sách đặc thù để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, để nhờ đó các địa phương khó khăn có thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin; các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ.