Friday, Mar 24, 09:03 AM

Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm

Theo nhiều chuyên gia dự báo, năm 2024, xuất khẩu gạo vẫn có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Những khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu đầu năm như thế nào?

Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm
Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm

Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến 38,5% tổng lượng và 37,5% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt hơn 3,14 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD trong năm 2023, tăng 20,5% về trị giá nhưng giảm 2,46% về lượng so với năm 2022.

Ảnh internet.
Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm. Ảnh internet.

Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo quan trọng, số 1 với 85% sản lượng gạo được nhập từ nước ta, chỉ 10% đến từ Thái Lan và số còn lại từ các nước khác như: Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản.

Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines nhìn nhận: Vì là nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines, nên Việt Nam có nhiều lợi thế tại quốc gia này.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo đó đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng, dựa trên nguồn cung ổn định, chất lượng và giá cả vô cùng cạnh tranh.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại tại Indonesia – quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 02/2024, Indonesia đã trải qua 08 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.

Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm
Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm. Ảnh internet.

Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 03/2024 (kéo dài 01 tháng), sẽ khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục gia tăng mạnh.

Việc tranh thủ nhu cầu tăng "nóng" của Indonesia thời điểm này là vô cùng cần thiết, bởi trong thời gian tới, hạt gạo Việt Nam sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của ông Phạm Thế Cường, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng, tuy nhiên chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước và duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm. Ảnh internet.
Khuyến nghị đáng lưu ý từ các thương vụ xuất khẩu gạo đầu năm. Ảnh internet.

Năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Vì thế, ngay trong những ngày đầu tiên của tháng Ba, cơ quan xúc tiến thương mại cần triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào các thị trường.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác.

Xuân Hải (t/h)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/khuyen-nghi-dang-luu-y-tu-cac-thuong-vu-xuat-khau-gao-dau-nam-a213603.html Copylink