Friday, Oct 22, 10:10 PM

Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Nam

Báo cáo mới đây của công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD. Giá trị thương hiệu dựa trên dự báo kinh tế vĩ mô trong tương lai kết hợp với những triển vọng tích cực của sự phục hồi từ sau dịch Covid-19.

Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Nam
Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Nam

Bảng xếp hạng Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2022 của Brand Finance nhận định, sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc Việt Nam đang ngày càng được cho là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư khi mà nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở châu Á để tới Việt Nam.

Nghiên cứu mới của Brand Finance không phải là định giá tổng hợp các thương hiệu của Việt Nam mà là định giá thương hiệu của chính quốc gia Việt Nam. Do vậy, Việt Nam đạt điểm đặc biệt cao về xếp hạng nông nghiệp, mức độ tương tác trên mạng xã hội và phản ứng của quốc gia đối với Covid-19. Mỗi yếu tố đóng một vai trò động lực thiết yếu giúp tăng giá trị thương hiệu của quốc gia.

Theo báo cáo này, đứng đầu bảng xếp hạng là Hoa Kỳ, giá trị thương hiệu tăng 7% lên 26,5 nghìn tỷ USD, vẫn giữ vững vị trí là thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới, duy trì vị trí dẫn đầu so với nước xếp thứ 2 là Trung Quốc (tăng 8% lên 21,5 nghìn tỷ USD).

Vẫn theo Brand Finance, tổng giá trị của 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới đạt 97,2 nghìn tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ kém một chút so với giá trị trước đại dịch là 98 nghìn tỷ USD vào năm 2019.

Còn với trong nước, mới đây Brand Finance kết hợp với đơn vị tư vấn thương hiệu Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam đã chính thức công bố bảng danh sách top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022 (sự kiện thường niên lần thứ 7).

Kết quả cho thấy Viettel là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, được định giá 8,8 tỷ USD, tăng 44,5% và trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 4 liên tiếp. Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD) là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng.

Cũng theo kết quả công bố của Brand Finance - Mibrand Việt Nam, giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đạt được là 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Trong đó,10 thương hiệu Việt Nam hàng đầu có giá trị 24,4 tỷ USD trong năm nay, chiếm 67% trong tổng số 36,6 tỷ USD của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam.

Tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam 2022, đều tăng giá trị từ năm 2021, ngoại trừ MobiFone. 4 thương hiệu viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng. Tiếp theo là ngành ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.

Đánh giá của Brand Finance - Mibrand Việt Nam dựa trên dữ liệu nghiên cứu thị trường từ hơn 100.000 người trả lời ở hơn 35 quốc gia và trên gần 30 lĩnh vực. Theo ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc công ty cổ phần Mibrand Việt Nam, năm nay nhiều thương hiệu đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu. Còn ông Alex Haigh - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình dương cho rằng bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng, ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Nhìn chung, thương hiệu mạnh Việt Nam đề cao sự đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phù hợp tình hình mới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều khó khăn thách thức thì điều đó càng chứng tỏ nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp, doanh nhân.

Như ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam từng nói thì những gì khốc liệt nhất, chưa từng có trong lịch sử đã diễn ra, đặt các nền kinh tế, các nhà lãnh đạo, trong đó có nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào một phép thử sinh tử, sống còn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, các chủ doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng của doanh nhân, không chịu khuất phục trước khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm cơ trong nguy, chèo lái con thuyền doanh nghiệp" - ông Dũng khẳng định.

55% người tiêu dùng chọn tính bền vững là yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn thương hiệu – đó là kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp Institute for Business Value (thuộc IBM). Nghiên cứu cũng cho thấy 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Trong khi đó, nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy các thương hiệu cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, đồng thời doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.