Ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định nào?
Ông Mạc Hồng Thái làm quản lý tại chi nhánh của 1 ngân hàng TMCP. Hiện chi nhánh có 1 khoản nợ của khách hàng được mua nợ từ 1 ngân hàng khác vào năm 2021. Khoản nợ này là khoản cho vay dài hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp để bổ sung vốn cho Dự á
Từ năm 2021 đến nay, khách hàng vẫn đang thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Khoản nợ của khách hàng đến nay chưa từng phát sinh quá hạn thanh toán và cũng không có dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Kể từ khi mua khoản nợ của khách hàng, ngân hàng vẫn thường xuyên thực hiện theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, định kỳ kiểm tra mục đích sử dụng vốn, kiểm tra tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, thường xuyên đôn đốc khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Đến nay, do các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập của khách hàng (doanh thu, thu nhập thực tế của khách hàng sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ) nên khách hàng có công văn gửi đến ngân hàng đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho chính khoản nợ này.
Theo đó, khách hàng đề nghị thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 12 tháng kể từ ngày đến hạn trả nợ gốc gần nhất sắp tới của số dư nợ mà khách hàng đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Căn cứ vào đề nghị của khách hàng và công tác theo dõi, kiểm tra định kỳ, ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc theo thỏa thuận, tuy nhiên ngân hàng cũng nhận định và đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ sau khi khoản nợ được cơ cấu lại.
Vấn đề hiện nay là ngân hàng ông Thái đang có 02 cách hiểu và áp dụng quy định của khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đối với trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoản vay này như sau:
- Cách hiểu thứ nhất: Khoản vay đủ điều kiện để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vì đáp ứng được đầy đủ các quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Tuy khoản vay phát sinh từ hoạt động mua nợ từ ngân hàng khác nhưng bản chất và nguồn gốc thì đây vẫn là một khoản cho vay.
- Cách hiểu thứ hai: Khoản vay không thuộc trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ do đây là khoản vay phát sinh từ hoạt động mua nợ chứ không phát sinh từ hoạt động cho vay theo quy định của khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Ông Thái hỏi, trong 02 cách hiểu áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nêu trên thì cách hiểu nào là đúng?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó phải quy định cụ thể tiêu chí xác định số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Do ông Mạc Hồng Thái đang công tác tại chi nhánh của một ngân hàng thương mại cổ phần, việc cơ cấu nợ đối với khoản nợ đã nêu phải thực hiện theo quy định nội bộ của ngân hàng nơi ông đang công tác để bảo đảm sự thống nhất.
Trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần phát sinh vướng mắc trong việc cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngân hàng thương mại cổ phần có văn bản trực tiếp gửi Ngân hàng Nhà nước để được hướng dẫn cụ thể.