Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc
Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, độc đáo, nổi bật là nghề làm gốm cổ truyền thủ công là một nét độc đáo trong bức tranh văn hóa Chăm.
Làng gốm Bàu Trúc trước đây được gọi với tên tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có địa danh xưa là làng Vĩnh Thuận từ thời Minh Mạng (1832). Sau trận lụt lớn năm 1964 (Giáp Thìn), làng di dời về nơi cao ráo hơn, có nhiều cây trúc cạnh một cái ao nước lớn nên gọi là Bàu Trúc (trong tiếng Chăm Bàu có nghĩa là ao - hồ).
Nằm ở ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, Làng gốm bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ngôi làng này là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay. Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc cùng nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm trở thành điểm du lịch Ninh Thuận nổi tiếng.
Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo.
Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc đó chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc.
Ở nhiều làng nghề, người ta thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở đây, các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.
Để tạo hình sản phẩm gốm, nghệ nhân phải thực hiện qua các quy trình cơ bản như làm đất, tạo dáng, nung gốm nhưng để tạo hình gốm thì không thể bỏ qua khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc là: đất sét, cát, nước ngọt trong đó đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt, một chất liệu đặc biệt để chế tác sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Sau công đoạn tạo hình, đến việc đánh bóng và khắc hoa văn cho sản phẩm. Đây là phần quan trọng, thể hiện nét tài hoa và khả năng sáng tạo của người thợ. Hầu hết những hoa văn trang trí cho sản phẩm gốm Bàu Trúc là hình ảnh các vị vua Chăm, vũ nữ và những vật dụng sử dụng trong sinh hoạt như: Đĩa, chum, lu, bình hoa…
Gốm Bàu Trúc không có quá nhiều màu sắc cầu kỳ, không dùng men nhưng mang một nét đẹp rất riêng, bởi sự mộc mạc, tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ.
Sản phẩm hoàn thành được mang đi phơi. Sau vài giờ lại tiếp tục chà láng một lần nữa cho sản phẩm thêm bóng. Do không sử dụng men nên nghệ nhân dùng mảnh vải nhúng vào nước để chà láng, dùng nhựa cây rừng để tăng thêm màu sắc của gốm. Sản phẩm phủ kín bằng nilon, để trong bóng mát, tránh bị khô quắt. Trước khi nung, người thợ dùng viên đá mài chà, làm nhẵn lớp nước thổ hoàng trên thân gốm.
Các nghệ nhân làm gốm giỏi nghề trong làng cho biết, gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung lộ thiên ngoài trời trong khoảng 6 giờ ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên.
Sau khi nung, gốm Bàu Trúc được tạo màu bằng nguyên liệu thực vật nên khi sản phẩm ra lò có màu tự nhiên như đỏ, vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu. Màu gốm Bàu Trúc cũng thể hiện đặc trưng của nền văn hóa của dân tộc Chăm. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt riêng bởi mỗi sản phẩm tạo ra nó có cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Đó chính là yếu tố quan trọng trong nghề làm gốm của người Chăm từ xưa cho đến bây giờ và mai sau.
Ngoài việc truyền nghề, ngày nay, người dân Bàu Trúc đã có nhiều thay đổi trong chế tác và quảng bá hình ảnh để sản phẩm gốm vươn ra khắp các vùng, miền trong cả nước và nước ngoài.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Ninh Thuận cho biết, trong 03 ngày (30/09-02/10) tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, phố Đinh Tiên Hoàng, Q.Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) sẽ diễn ra Ngày Văn hóa-Du lịch Ninh Thuận với nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm nét văn hóa của vùng miền.
Ngay sau buổi khai mạc (tối ngày 30/9), sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật múa hát, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Ninh Thuận.
Đặc biệt, nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống Chăm, Raglai trực tiếp biểu diễn, hướng dẫn cho du khách nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và đàn Chapi, vốn là nét văn hóa độc đáo của các đồng bào trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.