Nhiều giải pháp công nghệ giúp ngành F&B vượt đại dịch
Sau hơn 1 năm rưỡi sống chung với dịch bệnh, lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và khách sạn (F&B) đã ảnh hưởng nặng nề. Để giúp ngành F&B vượt qua đại dịch, gần đây trên thị trường đã xuất hiện nhiều giải pháp công nghệ như đặt món không tiếp xúc, quản lý bán
Có thể thấy, trước năm 2020 hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra sôi nổi với số lượng outlet F&B chạm mốc 540.000 đơn vị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến khiến hàng loạt cửa hàng rơi vào trạng thái “ngủ đông" kéo dài hoặc tạm ngưng hoạt động kinh doanh vì những quy định giãn cách để chống dịch lây lan.
Đứng trước những thách thức mới mang tính “sống còn” với ngành F&B, gần đây các công ty công nghệ đã đưa ra thị trường những giải pháp để vực dậy các doanh nghiệp F&B. Đơn cử là giải pháp “Đặt món không tiếp xúc” do Savyu - một startup tại TP. Hồ Chí Minh giới thiệu gần đây nhằm giúp việc đặt món và mua mang về trở nên dễ dàng, an toàn hơn cho cả khách hàng lẫn nhân viên nhà hàng.
Đặt món không tiếp xúc giúp người bán và người mua giảm được nguy cơ lây nhiễm bệnh |
Thông qua ứng dụng Savyu, khách hàng có thể tìm kiếm thực đơn, đặt món yêu thích và thanh toán bằng ví MoMo, thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc điểm thưởng độc quyền trong hệ sinh thái gọi là Savyu Dollars. Sau đó, nhân viên nhà hàng sẽ quét mã QR Savyu trên điện thoại của khách hàng và chuẩn bị món. Cả quá trình hoàn toàn không tiếp xúc, không dùng tiền mặt hay thẻ. Bằng cách này, khách hàng và nhân viên tránh chạm vào thực đơn của nhà hàng, và hạn chế trao đổi tiền mặt - nơi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus. Một điểm đáng chú ý của ứng dụng này là người tiêu dùng có thể tiết kiệm nhiều hơn khi chi tiêu bởi họ sẽ được hoàn tiền thưởng ngay lập tức vào tài khoản Savyu Dollar (1 Savyu Dollar = 1 VND) tối đa 50% cho đơn hàng của họ.
Ông Jerome Ly - CEO và Đồng sáng lập của Savyu - chia sẻ: Chúng tôi quyết định hỗ trợ các nhà hàng đối tác trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có này bằng cách miễn phí dịch vụ cho các đơn đặt hàng sử dụng Contactless - Đặt món không tiếp xúc. Ngoài ra, Savyu hiện đang hỗ trợ chi phí rất lớn để các doanh nghiệp đối tác có thể thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng đặt món thông qua “Đặt món không tiếp xúc” trong giai đoạn hiện tại.
Cũng hướng đến các F&B, hồi đầu tháng 6 vừa qua, iPOS.vn đã giới thiệu ra thị trường bộ công cụ bán hàng trực tuyến toàn diện dành riêng cho ngành F&B tại Việt Nam. Bộ công cụ bao gồm phần mềm quản lý bán hàng FABi giúp cửa hàng kết nối trực tiếp với các nền tảng giao hàng lớn và công cụ iPOS Web Order giúp nhà bán lẻ tự tạo website có công năng bán hàng trực tuyến. Đây là những giải pháp được tích hợp sẵn 2 trong 1, giúp nhà bán lẻ dễ dàng vận hành quán ăn từ khâu quản lý đơn hàng, đặt hàng, giao nhận thống nhất cả online và offline.
Hiện phần mềm quản lý bán hàng FABi của iPOS.vn đã kết nối trực tiếp với hai nền tảng giao hàng trực tuyến là GrabFood và Loship. Với chính sách hợp tác này, các thương hiệu F&B có thể đăng ký gian hàng bán online trên GrabFood và Loship ngay từ phần mềm FABi (thay vì liên hệ trực tiếp cùng quy trình xét duyệt như phổ thông). Đồng thời phí chiết khấu của GrabFood và Loship dành cho khách hàng của iPOS.vn cũng thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường. Điểm khác biệt của phần mềm này là có thể giúp chủ cửa hàng xây dựng kênh bán hàng tự chủ và khắc phục được toàn bộ các yếu điểm khi hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, Liên minh các công ty công nghệ F&B và Retail gồm LOOP Smart POS, ZuumViet, AhaMove, BoxMe, ViHAT, Tanca, GoStudio, A1 Demy, Bách Việt Holdings và KaiPass đã ký kết hợp tác và phát động chiến dịch vực dậy ngành F&B hậu Covid-19 với tên gọi COVYDIDI 2021. Với chiến dịch này, mỗi doanh nghiệp sau khi đăng ký tham gia được nhận gói hỗ trợ như: Gói thương mại điện tử - Khởi tạo website bán hàng miễn phí và phần mềm bán hàng LOOP Smart POS đến từ Công ty Công nghệ LOOP trị giá 10 triệu đồng; gói giao hàng - Hỗ trợ chi phí giao hàng đến từ Công ty ZuumViet và Ahamove trị giá 30 triệu đồng; gói bán hàng đa kênh Omisell - Kết nối và đồng bộ đến 10 gian hàng đến từ Công ty BoxMe trị giá 7,2 triệu đồng…
Thực tế, chuyển đổi số trong F&B không phải là câu chuyện mới song với những diễn biến kéo dài của đại dịch đã giúp cho tốc độ chuyển đổi ngày càng nhanh và mạnh hơn. Và đối tượng chuyển đổi cũng không chỉ dừng lại ở các thương hiệu F&B lớn mà ngay cả cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng đã thay đổi để phục vụ nhu cầu thị trường.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).