Nhiều kế hoạch mua bán - sáp nhập và tăng vốn của ngân hàng
Đầu năm 2023, các ngân hàng đã rộn ràng chạy đua tăng vốn. Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã thiết kế kế hoạch mua bán sáp nhập mang tính chiến lược.
Thương vụ M&A
HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã thông qua phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư tại PG Bank. Theo đó, Petrolimex sẽ thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Mức giá khởi điểm sẽ lấy giá cao nhất một trong hai mức giá sau: giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGP trên sàn chứng khoán UPCoM trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn.
Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PG Bank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PG Bank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.
Giữa tháng 01/2023, cổ phiếu EIB của Eximbank cũng có phiên giao dịch dậy sóng trên thị trường, với khối lượng giao dịch thỏa thuận lên tới 134 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 3.421 tỷ đồng. Nhiều khả năng, đây là phiên giao dịch đánh dấu việc SMBC hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank, chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước.
Theo kế hoạch, năm 2022, VPBank sẽ hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài (đang được đồn đoán là SMBC), song do tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, thương vụ này đã chậm lại.
Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho hay, quá trình làm việc với đối tác vẫn đang diễn ra tốt đẹp, song lộ trình bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chậm hơn dự kiến. Nếu hoàn tất thương vụ này, nhiều khả năng, VPBank sẽ vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống. Năm 2022, sau thương vụ bán 49% vốn khỏi FE Credit cho SMBC, VPBank đã vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Tăng vốn
Hiện VPBank đang dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ với hơn 67.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có vốn điều lệ cao tiếp theo lần lượt là BIDV 50.585 tỷ đồng, VietinBank 48.057 tỷ đồng, Vietcombank 47.325 tỷ đồng, MB 45.339 tỷ đồng, Techcombank, SHB (vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng) và ACB, HDBank, VIB (vốn điều lệ trên 20.000 tỷ đồng)…
Năm 2023, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Thực tế, Vietcombank vẫn còn dư địa phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Dù vậy, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức. Do đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là giải pháp ưu tiên giúp ngân hàng này nhanh chóng tăng vốn.
Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank đang ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo 04 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đều khẩn thiết đề xuất sớm được tăng vốn.
Hiện đã có 20 ngân hàng thương mại được công nhận áp dụng chuẩn Basel 2, trong đó có 16 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel 2. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị hướng tới chuẩn Basel 3. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, cũng như tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.