Những điều cần biết khi đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài
Đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài là căn cứ để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt, đây còn là căn cứ chống lại các hành vi chiếm đoạt hoặc giả mạo...
Để tạo thuận lợi trong đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, LS. Nguyễn Bá Hội - Công ty TNHH tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam đã chia sẻ những quy định pháp luật về đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản (những thị trường trọng điểm của Việt Nam), đồng thời nêu ra những vướng mắc cũng như những vấn đề cần lưu ý, những khuyến nghị cụ thể trong công tác này.
Quy định pháp luật về đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản
Nước Mỹ cho rằng, chỉ dẫn địa lý là một dạng của nhãn hiệu vì có cùng chức năng chỉ dẫn nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với nhà sản xuất như nhãn hiệu. Do đó, theo họ, không cần thiết phải thiết lập một hệ thống riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua hệ thống nhãn hiệu công nghiệp, nhãn hiệu tập thể là đủ để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu công nghiệp, nhãn hiệu tập thể sẽ không đòi hỏi chính phủ hoặc người đóng thuế phải chi thêm phương tiện, tài chính hoặc nhân sự để thiết kế một hệ thống bảo hộ riêng cho chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, nước Mỹ không có quy định về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Còn tại Nhật Bản, Đạo luật “Bảo hộ tên gọi của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và thực phẩm đặc thù” ngày 25/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/6/2015 được sửa đổi bổ sung ngày 07/12/2018; Pháp lệnh thi hành Đạo luật bảo hộ tên gọi của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và thực phẩm đặc thù ngày 01/6/2015; Sắc lệnh thi hành Đạo luật bảo hộ tên gọi của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và thực phẩm đặc thù ngày 01/6/2015.
Chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn về tên gọi của sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp và thực phẩm đặc thù. Chỉ dẫn địa lý = tên địa danh + sản phẩm. Ví dụ: cà phê Buôn Ma Thuột.
Sản phẩm phải được sản xuất tại một địa điểm, khu vực hoặc quốc gia cụ thể; và sản phẩm có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính ổn định khác chủ yếu do địa điểm sản xuất, khu vực hoặc quốc gia cụ thể quyết định.
Các trường hợp không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý: Tên địa danh đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa; Tên địa danh trùng với tên của một giống động vật hoặc giống cây trồng; Tên địa danh trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ; Tên địa danh không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
Tại Châu Âu, có 2 cấp độ đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cấp độ Liên minh (EU); Cấp độ quốc gia (mỗi quốc gia có quy định riêng về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng trên nguyên tắc không trái với quy định của Liên minh).
Đăng ký theo cấp độ Liên minh, chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ trong toàn khối hoặc một vài
nước theo yêu cầu của Chủ đơn. Đăng ký theo cấp độ quốc gia chỉ được bảo hộ theo quốc gia nộp đơn đăng ký.
Pháp luật EU tồn tại cả tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý với các định nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào loại sản phẩm. Ví dụ: Với rượu mạnh thì chỉ có chỉ dẫn địa lý, không có tên gọi xuất xứ; Với rượu vang và nông sản, thực phẩm đều có định nghĩa khác nhau về tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý.
Sự khác biệt giữa tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý phụ thuộc vào việc xác định giống, tỷ lệ % trong trồng, chế biến sản phẩm (với rượu nho); với nông sản thì sản phẩm do hoàn toàn điều kiện tự nhiên hay một phần, và tất cả hay một khâu sản xuất đươc thực hiện trong khu vực địa lý.
Về quy định pháp luật: Quy chế số 1151/2012 ngày 21/11/2012 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu (quy định cho các chỉ dẫn địa lý đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm); Quy định chi tiết thi hành các quy định liên quan đến tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý có trong Quy chế Ủy ban (EU) số 664/2014 ngày 18/12/2013; Quy chế thi hành của Ủy ban (EU) số 668/2014 ngày 13/6/2014.
Về tiêu chuẩn bảo hộ, “Chỉ dẫn địa lý” là sản phẩm: Có nguồn gốc từ một địa phương, khu vực hoặc quốc gia cụ thể; Chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc điểm khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý; Ít nhất một trong số các khâu sản xuất được thực hiện trong khu vực địa lý xác định.
Các trường hợp không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý: Tên gọi đã trở thành tên gọi chung; Tên gọi xung đột với tên của một giống cây trồng hoặc vật nuôi; Tên gọi đồng âm một phần hoặc toàn bộ với một tên gọi đã được bảo hộ ở EU (thuật ngữ đồng âm là những từ ngữ được đánh vần và/hoặc phát âm giống nhau nhưng có nghĩa khác nhau); Tên gọi mà việc đăng ký tên gọi đó nhằm lừa dối người tiêu dung về danh tính đích thực của sản phẩm.
Hồ sơ đăng ký bao gồm: (i) Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý; (ii) Bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm, không quy định mẫu cụ thể cho Bản mô tả, nhưng Bản mô tả phải đảm bảo các mục sau: Tên gọi sản phẩm là tên gọi xuất xứ hay chỉ dẫn địa lý (đây là việc khó vì quy định của EU rất phức tạp trong cách xác định). Các thông tin về tính chất đặc thù chủ yếu của sản phầm về mặt vật lý, hóa học, vi sinh hoặc cảm quan. Xác định khu vực địa lý (bản đồ). Bằng chứng về sản phẩm xuất xứ từ một khu vực địa lý xác định của tên gọi xuất xứ hoặc chỉ dẫn địa lý: Mối liên hệ giữa sản phẩm và khu vực địa lý là nền tảng của một chỉ dẫn địa lý. Phương pháp thu nhận sản phẩm. Mối liên hệ giữa chất lượng cụ thể, danh tiếng hoặc các tính chất đặc thù khác của sản phẩm và nguồn gốc địa lý. Cơ quan và tổ chức chứng nhận việc tuân thủ các quy định trong bản mô tả sản phẩm. Các quy định về ghi nhãn. Yêu cầu bổ sung (phần này để trống, chỉ thực hiện khi có yêu cầu của quốc gia đăng ký). (iii) Bản tóm tắt (tóm tắt các thông tin chính có trong Bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý); (iv) Bằng chứng về chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại nước xuất xứ (bản sao, trích lục đăng bạ). (v) Các tài liệu bổ trợ (ủy quyền, chứng minh quyền nộp đơn, bằng chứng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở nước xuất xứ,...).
Về cơ quan tiếp nhận và thẩm định: Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý từ các nước ngoài EU phải được nộp trực tiếp cho Ủy ban của Cộng đồng châu Âu, tại Brussels. Tổng vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban châu Âu là cơ quan tiếp nhận và xử lý đơn.
Thời hạn đăng ký: Thường từ 3 đến 5 năm tùy theo sản phẩm, mức độ hoàn thiện hồ sơ... (quy định đối với nông sản thực phẩm là 6 tháng).
Về chi phí: EU không thu phí đăng ký cũng như phí thẩm định hồ sơ (nhưng thu phí quản lý và khó xác định bởi phụ thuộc vào sản phẩm). Khó xác định được chi phí cụ thể bởi tùy theo sản phẩm, mức độ phức tạp cũng như sự hoàn thiện của hồ sơ... (tóm lại phí chủ yếu là phí đại diện nộp đơn và phí hoàn thiện cũng như dịch tài liệu).
Những lưu ý khi đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản và Châu Âu
Tính đến 8/2022, Việt Nam có 108 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ. Trong đó: Sản phẩm nông lâm nghiệp 77%; Sản phẩm thủy hải sản 15%; Sản phẩm khác 8%.
Cà phê Buôn Ma Thuột được đăng ký sang Nga và Thái Lan năm 2012. Quế Văn Yên được bảo hộ tại Thái Lan. 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại EU theo EVFTA. Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản năm 2021.
LS. Nguyễn Bá Hội cho biết: Về thực trạng hồ sơ gốc, Việt Nam không có quy định về cập nhật số liệu nên hồ sơ chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký đều không được cập nhật kể từ ngày được cấp văn bằng. Nhiều hồ sơ đơn giản, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm không được phân tích đánh giá, so sánh với đối chứng. Nhiều hồ sơ không chỉ ra được mối tương quan giữa tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm với điều kiện tự nhiên và/hoặc con người tạo nên. Danh tiếng sản phẩm thiếu chứng cứ và không cụ thể (sử dụng rất nhiều “mỹ từ” như “có từ lâu đời”, “là sản phẩm tiến vua”...).
Về mô hình quản lý, thường do cơ quan Nhà nước nên vai trò của tổ chức tập thể không phát huy được hiệu quả. Rất nhiều quy định quản lý khác nhau, nhưng không cụ thể được trách nhiệm quản lý đặc biệt quản lý chất lượng sản phẩm. Không chứng minh được kinh phí cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý...
Những vướng mắc khác cũng có thể kể đến như: Các sản phẩm đã được đăng ký là chỉ dẫn địa lý thường không có những nghiên cứu sâu về sản phẩm, nên rất ít tài liệu về sản phẩm và nếu có thì các nghiên cứu ở góc độ khác không sử dụng được. Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập (bao gồm cả cơ chế/định mức chi cho nghiên cứu trong nước cũng như thuê mua ở nước ngoài). Việc đăng ký ở nước ngoài là phụ thuộc vào quy định pháp luật của nước sở tại, chúng ta không phải là người quyết định.
Tại Nhật Bản, tất cả các tài liệu phải cụ thể và chi tiết. Mô hình quản lý phải được tổ chức thực sự hiệu quả. Nhật Bản tiến hành thẩm định tại thực địa. Nhật Bản thành lập Hội đồng (bao gồm các nhà khoa học về sản phẩm) thẩm định từng hồ sơ sau đó mới trình lên MAFF. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý có thể được mời đến MAFF để giải trình khi cần thiết. Chủ sở hữu phải thực hiện báo cáo hàng năm (trước ngày 31/3), nếu không sẽ bị phạt. Tất cả hồ sơ phải được làm bằng tiếng Nhật (có tiếng Anh để đối chiếu khi cần thiết).
Còn tại Châu Âu, không phải tất cả các sản phẩm nông sản và thực phẩm đều có thể được bảo hộ tên gọi xuất xứ hay chỉ dẫn địa lý. EU chỉ bảo hộ các đối tượng sau: Nông sản dùng cho người gồm các nông sản cơ bản như thịt, sữa, các sản phẩm tiêu dùng, cá, trái cây và rau quả (Phụ lục I của Hiệp ước). Một số thực phẩm như bia, sô-cô-la và các sản phẩm chế biến từ sô-cô-la, bánh mỳ, bánh nướng, bánh ngọt, bánh kẹo, bánh quy và các loại bánh khác, đồ uống chiết xuất từ thực vật, mì, muối, kẹo gôm tự nhiên, kẹo và mù tạt (Phụ lục I Quy chế số 1151/2012). Một số nông sản không dùng cho người như cỏ khô, tinh dầu, phẩm yên chi, hoa và cây cảnh, bông, len, đồ đan, lanh xơ, da, lông thú và long (Phụ lục I Quy chế số 1151/2012). Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và công nghiệp được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp cũng đang được xem xét để đưa vào Quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU. Cho đến nay chưa có chỉ dẫn địa lý nào của các nước ngoài EU được đăng ký cho các nông sản không dùng cho người.
Cần phải xác định chính xác hình thức đăng ký bảo hộ là tên gọi xuất xứ hay chỉ dẫn địa lý (rất quan trọng). Xác định chính xác sẽ đảm bảo cho sự thành công của việc đăng ký tại EU. Châu Âu kiểm soát theo Bản mô tả, do đó, Bản mô tả phải được chuẩn bị theo 9 điểm yêu cầu của EU, trong đó nhiều điểm của quy chế như: cơ chế, phương pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm, cách thức sử dụng logo chỉ dẫn địa lý được đưa vào Bản mô tả.
- Minh Anh