Phát triển năng lượng: Công nghệ là yếu tố then chốt
Trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ là yếu tố luôn được ưu tiên, chú trọng phát triển từ sớm. Điều này được cụ thể hóa trong nhiều chính sách, chương trình từ trung ương tới địa phương.
Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đã đặc biệt quan tâm đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài, đặc biệt để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước.
Thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời, do Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện |
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiệu quả ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực năng lượng, được thể hiện rõ nét qua việc triển khai thực hiện Đề án phát triển Lưới điện thông minh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg. Theo đó, đến nay, EVN đã hoàn thành các dự án “Đánh giá, phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường độ ổn định và tin cậy của hệ thống điện Việt Nam” và “Thiết lập đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn cho cấu hình hệ thống rơle bảo vệ, thiết bị tự động hóa cho nhà máy điện và trạm biến áp của hệ thống truyền tải điện Việt Nam”, nhằm tăng cường ổn định và nâng cao hiệu quả của công tác điều độ hệ thống điện.
Đến nay, kết quả đã triển khai ghép nối, thí nghiệm, hiệu chỉnh, đưa vào vận hành thiết bị ghi sự cố/PMU tại các trạm biến áp; cài đặt xong phần cứng cho 9 trung tâm điều độ và phần mềm cho 8/9 trung tâm điều độ. Bên cạnh đó, chế tạo thành công công tơ điện tử đa chức năng (công tơ điện tử thông minh) 1 pha và 3 pha. Hiện, Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đã đầu tư dây chuyền sản xuất công tơ điện tử thông minh với công suất 600.000 chiếc/năm với giá thành giảm 20% so với nhập ngoại.
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ - Bộ KH&CN - cho biết, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ/thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Thời gian qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ” - ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.
Đơn cử, trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, việc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành chính là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến đầu tư sản xuất, thương mại, thị trường, từ đó không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn tính đến xuất khẩu.