Monday, Sep 22, 04:09 PM

Thương hiệu Apax Holdings và hành trình phát triển dự án giáo dục Apax Leaders

Thương hiệu Apax Holdings nổi tiếng với rất nhiều dự án giáo dục dưới nền tảng công nghệ hiện đại của thế giới, như: Apax English/Apax Leaders, Igarden, English Now Global, Firbank Australia,... Một trong số đó, dự án Apax English được Apax Holdings

Thương hiệu Apax Holdings và hành trình phát triển dự án giáo dục Apax Leaders
Thương hiệu Apax Holdings và hành trình phát triển dự án giáo dục Apax Leaders

Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (Apax Holdings) được thành lập vào tháng 03/2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện nay, Apax Holdings đang có 3 công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English), CTCP Phát triển giáo dục Igarden và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia.

Trong các công ty con của Apax Holdings thì Apax English đang là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Trong đó, hoạt động chủ yếu về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng tư duy toàn diện cho thế hệ trẻ Việt Nam. Được thành lập vào năm 2015, giữa sự cạnh tranh gay gắt của các trung tâm Anh ngữ nổi tiếng như ILA, British Council hay ACET nhưng sự xuất hiện của Apax đã thay đổi hoàn toàn tình thế. Là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc giảng dạy ngoại ngữ, Apax Leaders đã mang đến thị trường giáo dục Việt Nam một làn gió mới. Trải qua 7 năm hoạt động và phát triển, đến nay Apax Leaders đã phủ sóng với hơn 120 trung tâm trên khắp cả nước, vươn lên trở thành một trong những hệ thống đào tạo Anh ngữ hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế thương hiệu dự án trên đã vướng trở ngại, khiến khách hàng lo lắng về các quyền lợi được hưởng, chính sách đặc biệt là vấn đề tài chính khi tham gia vào Apax English. Khi viết loạt bài này, chúng tôi chỉ mong rằng, thương hiệu Apax Holdings luôn là thương hiệu có những sản phẩm thật uy tín, chất lượng.

Apax Englishnợ BHXH

Thực trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đã tồn tại từ lâu. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi này. Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, vừa công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên.

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, công bố ngày 13/09/2022, trên địa bàn thành phố có 50.830 đơn vị còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, CTCP Anh ngữ APAX (địa chỉ tầng 10, tòa nhà 14 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) nợ 31 tháng, số tiền hơn 48,8 tỷ đồng (456 lao động); Công ty này cũng nợ 33 tháng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng với 96 người nước ngoài.

Cty cổ phần anh ngữ APAX nợ 31 tháng, số tiền hơn 48,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Cty cổ phần anh ngữ APAX nợ 31 tháng, số tiền hơn 48,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

Như vậy, với số tiền nợ đóng bảo hiểm, các chủ doanh nghiệp hầu như bỏ rơi người lao động, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, không hợp tác với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội, trực tiếp vi phạm lợi ích cơ bản về an sinh xã hội của người lao động.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, thực tiễn đi kiểm tra các doanh nghiệp và nắm bắt từ Công đoàn cơ sở cho thấy, thời gian qua nổi lên một số hành vi trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như: lợi dụng cơ chế, chính sách còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng hoặc chiếm dụng khoản tiền này của người lao động. Việc các công ty đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít công ty, doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay "trốn đóng bảo hiểm xã hội", dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Luật sư Hoàng Văn Sản, Giám đốc Công ty Luật Tùng Sơn phân tích, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17, Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tại Luật Hình sự cũng có những chế tài cụ thể, nhưng trong thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào. Cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức rằng, muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi chỉ khắc phục một phần. "Cần làm rõ việc thế nào là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Hoặc chậm đóng trong bao lâu thì coi như trốn đóng. Như thế mới kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì. Vì càng để lâu, việc khắc phục càng khó khăn, người lao động càng thiệt thòi", ông Sản nhấn mạnh.

Cùng chung góc nhìn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa ra quan điểm, nếu những vướng mắc trong các quy định trong Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019 chưa được triển khai rốt ráo, việc giải quyết, ngăn ngừa tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Bị tố bỏ rơi học sinh

Apax English và EnglishNow vốn là "gà đẻ trứng vàng" của Apax Holdings, là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy (Nguyễn Ngọc Thủy- Chủ tịch Tập đoàn Egroup và là Tổng giám đốc Anh ngữ Apax).

Tuy nhiên, vào sáng 14/09, hàng chục phụ huynh cùng những nhân viên bị nợ lương đã tới trụ sở của Egroup tại Hà Nội, để yêu cầu ban lãnh đạo xử lý triệt để việc nơi này đã nhận tiền nhưng không tổ chức dạy học theo kế hoạch cho học viên. Nhiều tháng nay, việc học của trẻ bị đình trệ, không có giáo viên đứng lớp. Trung tâm này cũng không thông báo để nói rõ vấn đề với phụ huynh và các học viên.

Nhiều phụ huynh kéo đến Trung tâm Apax English để tìm câu trả lời cho những lớp học tự nhiên bốc hơi. Ảnh cắt từ Clip VTV.
Nhiều phụ huynh kéo đến Trung tâm Apax English để tìm câu trả lời cho những lớp học tự nhiên bốc hơi. Ảnh cắt từ Clip VTV.

Như Thương hiệu và Công luận đã đưa tin, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (tầng 3, toà nhà trên đường đường Lý Thường Kiệt, thành phố Buôn Ma Thuột).

Theo ông Đoàn Đình Duẩn, Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Đắk Lắk, sau khi nhiều phụ huynh có đơn phản ánh sự việc trung tâm Anh ngữ nói trên bất ngờ đóng cửa và không hoàn trả học phí, phía Sở đã thành lập đoàn kiểm tra đối với Trung tâm Anh ngữ nói trên.

Vào thời điểm kiểm tra ngày 20/09, tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột đã đóng cửa, không tổ chức dạy học. Hiện phía Sở đang xác minh các nội dung liên quan đến phản ánh của phụ huynh có con học tại trung tâm này. Sau khi có kết quả, Sở sẽ xem xét có cho trung tâm này hoạt động hay không?. Ông Duẩn cũng cho biết, đã yêu cầu trung tâm Anh ngữ này ngừng chiêu sinh, quảng cáo chiêu sinh cho đến khi khắc phục các phản ánh của phụ huynh.

Quay trở lại kết quả kinh doanh của Apax Holdings, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của Apax Holdings,công ty đạt doanh thu 669 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 23 tỷ đồng, tăng 276% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của Apax Holdings tại ngày 30/6 tăng 2% so với thời điểm đầu năm, đạt 4.723 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.601 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Apax Holdings, cổ đông doanh nghiệp đã thông qua phương án phát hành 83,1 triệu cổ phiếu (tương đương 831,5 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ lên 1.663 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng Apax Holdings giáo viên tố nợ lương.

Người lãnh đạo thương hiệu Apax Holdings

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (SN 1982) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup - hệ sinh thái giáo dục với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ - giáo dục. Apax Holdings thuộc công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup, đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực đào tạo tiếng Anh trẻ em, tiếng Anh online, mầm non song ngữ và giáo dục liên cấp từ cấp 1-2-3 hệ song ngữ và quốc tế cho các đối tượng học sinh từ 1-18 tuổi.

Giữ vai trò đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, Apax Holdings sở hữu vốn chi phối tại các công ty Apax English, IGarten, English Now Global, Firbank Australia.

Với Apax English, ông Thủy định hình đây là hệ thống trung tâm tiếng Anh cao cấp dành cho trẻ em tại khu vực TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, nhận thấy sự khó khăn và chật chội của thị trường, shark Thủy đã quyết định mở rộng ra 64 tỉnh thành cả nước. Tính đến năm 2020, Apax English đã có 125 trung tâm trên khắp cả nước.

Với IGarten, đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non với chuỗi trường mầm non STEAMe Garten với 16 trường mầm non tại Hà Nội, HCM, Nam Định và Quảng Ninh. Còn Englishnow Global hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ giáo dục, cụ thể là đào tạo tiếng anh với chuỗi Englishnow dành cho học sinh tại các tỉnh thành Việt Nam. Ra đời cuối năm 2019, Englishnow đưa vào vận hành 3 trung tâm tại Hà Nội và dự kiến mở thêm 19 trung tâm tại miền Trung và Nam Bộ.

CTCP trường liên cấp Firbank Australia đang trong quá trình hoàn thiện để khởi công và xây dựng, dự kiến sẽ bắt đầu khởi công vào năm học 2022-2023.

Trong “hệ sinh thái” của Egroup, Apax Holdings đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thành công 207 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhóm quỹ đầu tư Valuesystem đến từ Hàn Quốc. Số tiền thu về chủ yếu được dùng để mua cổ phần tại Anh ngữ Apax (Apax English).

Đến tháng 10/2019, nhóm quỹ Valuesystem chấp nhận mất dòng thu nhập lãi suất khi chuyển đổi 103 tỷ đồng trái phiếu thành 5,1 triệu cổ phiếu (với bên nhận ủy thác thực hiện là Shinhan Bank). Tuy nhiên sau đó chưa đầy 1 năm, nhóm quỹ Hàn Quốc đã thoái hết vốn cho Shark Thủy vào tháng 5/2020.

Động thái tháo chạy của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Apax Holdings tụt dốc không phanh trong quý đầu năm 2020 với khoản lỗ kỷ lục lên đến hơn 170 tỷ đồng.

Trong 2021, Apax Holdings của Shark Thủy ghi nhận doanh thu đạt hơn 1,7 nghìn tỷ và lợi nhuận 96 tỷ đồng. Lợi nhuận đến chủ yếu từ khoản doanh thu tài chính 271 tỷ đồng từ bán quyền mua cổ phần phát hành thêm tại Anh ngữ Apax và Phát triển giáo dục Igarten.

Trong năm 2022, nhiệm vụ chính của Apax Holdings là thực hiện huy động vốn để đầu tư vào các công ty con, công ty thành viên. Doanh nghiệp của Shark Thủy duy trì và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống là đầu tư tài chính dài hạn, dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn xúc tiến thương mại.

Trong năm qua, Apax Holdings của Shark Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Nợ tăng mạnh trong khi doanh thu, lợi nhuận giảm sâu.

Tới cuối 2021, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh từ mức 2.228 tỷ đồng cuối năm 2020 lên hơn 3.069 tỷ đồng vào cuối 2021, trong đó nợ dài hạn tăng mạnh từ mức 514 tỷ đồng lên gần 1.408 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ của Apax Holdings là rất lớn nếu so với quy mô vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng và vốn hóa thị trường khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng.

Tổng nợ vay của Apax Holdings lên tới trên 2 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2020. Đây là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với doanh nghiệp này trong bối cảnh mà dòng tiền vào rất eo hẹp.

Đến nay, Apax English có 132 cơ sở trên cả nước. 2 năm Covid-19 vừa qua, hệ thống này không mở cửa dạy học offline nhưng vẫn cố gắng giữ mặt bằng, bởi phần lớn ở các vị trí đắc địa, diện tích rộng và tiền thuê đắt.

Không dừng lại ở đó, vào ngày 16/03/2022 vừa qua, HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings ông Nguyễn Ngọc Thủy công bố tờ trình đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch phát hành 83,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1 với mệnh giá 10.000 đồng/cp và dự kiến sẽ thu về thêm 831 tỷ đồng, tăng vốn doanh nghiệp lên 1.663 tỷ đồng. Số vốn hút về, Apax Holdings dự kiến để trả nợ, góp vốn hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại khu du lịch Hồng Quang Long Hải - Vũng Tàu (diện tịch hơn 50 nghìn m2) đồng thời bổ sung vốn lưu động. Đây không chỉ là nơi kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng mà còn là nơi thí điểm triển khai các dịch vụ trải nghiệm giáo dục tinh hoa hiện có của Apax Holdings, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cảm xúc ấn tượng, bổ ích cho các con trong thời gian lưu trú cùng gia đình.

Apax Holdings dự kiến sẽ dùng 300 tỷ đồng để góp vốn hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại khu du lịch Hồng Quang Long Hải - Vũng Tàu.
Apax Holdings dự kiến sẽ dùng 300 tỷ đồng để góp vốn hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại khu du lịch Hồng Quang Long Hải - Vũng Tàu.

Apax Holdings đã đăng thông tin trên các báo, tạp chí về dự án khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng có diện tích gần 42.000 m2, trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị... rộng 6.534 m2 và khu căn hộ, nhà ở, bãi xe, nhà ăn rộng 10.508 m2. Hiện một phần của dự án đã được xây dựng gồm 2 tòa căn hộ 12 tầng và khu nhà hàng – hội trường – tổ chức sự kiện 5 tầng. Đây là dự án nhằm phục vụ nhu cầu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh.

Minh An

*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/thuong-hieu-apax-holdings-va-hanh-trinh-phat-trien-cua-du-an-giao-duc-apax-leaders-a179869.html Copylink