Friday, Feb 23, 10:02 AM

Thương hiệu Kinh Bắc City và câu chuyện ‘áp lực’ kinh doanh trong nửa đầu năm 2023

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Kinh Bắc City, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài FDI

Thương hiệu Kinh Bắc City và câu chuyện ‘áp lực’ kinh doanh trong nửa đầu năm 2023
Thương hiệu Kinh Bắc City và câu chuyện ‘áp lực’ kinh doanh trong nửa đầu năm 2023

Những sản phẩm mà thương hiệu Kinh Bắc City (MCK: KBC) mang đến luôn được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển thương hiệu, Kinh Bắc City gặp không ít thăng trầm về kinh doanh, đầu tư, tài chính,… khiến khách hàng, người tiêu dùng lo lắng về các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào những dự án này. Đây là những thử thách trong chiến lược phát triển để Kinh Bắc City có được niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, nhà đầu tư vào tính hiệu quả của các dự án. Khi viết loạt bài này, chúng tôi mong, thương hiệu Kinh Bắc City - KBC luôn là thương hiệu "sản sinh" ra những sản phẩm thật uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng; doanh nghiệp thì ngày càng phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý I/2023 ước đạt 30.655 tỷ đồng (giảm 40,3% so với quý IV/2022 và tăng 246,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Trong năm 2023, giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với cùng kỳ). Tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 37,6%, 37% và 25,5% bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và bao gồm cả các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.

Lo ngại về các khoản nợ trái phiếu đáo hạn 06 tháng đầu năm 2023

Trong Báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết: Kinh Bắc City sắp có các khoản trái phiếu 2.900 tỷ đồng đáo hạn trong 06 tháng đầu năm 2023, áp lực thanh khoản của công ty cũng giảm đáng kể trong 06 - 12 tháng tới.Kinh Bắc City đã huy động hơn 3.000 tỷ đồng từ vay vốn, thu cổ tức các công ty thành viên và thu tiền từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi trong quý IV/2022 và đầu năm 2023.

gggggggg
Kinh Bắc City có 2.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó có 01 lô trái phiếu đáo hạn trong tháng 02/2023 và 02 lô trái phiếu đáo hạn trong tháng 06/2023. Tuy nhiên, trong 03 lô trái phiếu sắp đáo hạn có một lô trái phiếu KBC2021.AB có giá trị 1.500 tỷ đồng lại không có tài sản đảm bảo.
Giá trị trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn tới của Kinh Bắc. (Nguồn: VNDirect).
Giá trị trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn tới của Kinh Bắc. (Nguồn: VNDirect)..

Cụ thể, Kinh Bắc City đã huy động một số khoản vay nội bộ khoảng 1.400 - 1.500 tỷ đồng và dự kiến nhận cổ tức bằng tiền mặt 1.188 tỷ đồng từ Công ty KCN Sài Gòn - Hải Phòng vào ngày 30/01. Ngoài ra, công ty cũng chia sẻ, đã thu khoảng 10% trả trước của khách hàng từ các biên bản ghi nhớ như đã đề cập (130 ha, giá trị 3.800 - 4.000 tỷ đồng).

Song, theo VNDirect, trong trường hợp xấu nhất việc phát hành riêng lẻ không thành công, công ty có thể gặp thách thức trong việc phát triển các dự án mới, từ đó thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 - 2024.

Trong hai năm qua, công ty đã tích cực mở rộng quỹ đất KCN với gần 20 dự án có diện tích hơn 5.000 ha trên khắp cả nước, với tổng mức đầu tư ước tính 45.000 - 50.000 tỷ đồng, do đó đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn.

Mặt khác, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2022 lần 2 của Kinh Bắc City đã thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ với giá không quá 34.000 đồng/cp (tương đương 13% lượng cổ phiếu hiện tại) và trả cổ tức năm 2022 2.000 đồng/cp (~1.500 tỷ đồng) trong 2023, tương ứng lợi tức 7,7%.

Đây là lời hồi đáp tích cực của Ban lãnh đạo công ty đối với lo ngại về việc giá cổ phiếu KBC giảm sâu gần 50% so với đầu năm 2022. Song, VNDirect cho rằng, đây cũng là thách thức lớn với dòng tiền của Kinh Bắc trong bối cảnh điều kiện tài chính thắt chặt. Bên cạnh đó, công ty cũng đã hủy phương án phát hành riêng lẻ tối đa 150 triệu cổ phiếu (tương ứng 26,3% tổng lượng cổ phiếu) do điều kiện thị trường không thích hợp.

Trước đó, ngày 14/12 Sở GDCK TP. HCM (HoSE) thông báo, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã hoàn tất mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC như đăng ký trước đó. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 15/11 đến ngày 13/12 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, ông Tâm đã thành công nâng tỷ lệ sở hữu tại KBC từ 14,81% lên 18,06% vốn điều lệ, tương đương nắm giữ gần 139 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá trung đóng cửa trung bình những ngày diễn ra giao dịch là 19.400 đồng/cp, ông Đặng Thành Tâm đã chi khoảng 486 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Như vậy, ông Đặng Thành Tâm đăng ký mua KBC trong bối cảnh cổ phiếu này giảm hơn 70%, từ mức trên 47.000 đồng/cp hồi đầu tháng 01/2022 xuống dưới ngưỡng 14.000 đồng/cp hôm 10/11.

Những năm gần đây KBC hoạt động ra sao?

Trong vòng 03 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của KBC có nhiều biếng động, khiến khách hàng phải thăng trầm theo thương hiệu Kinh Bắc City.

Mới đây nhất, theo báo cáo tài chính (BCTC) quý IV năm 2022 của KBC, tổng tài sản của Kinh Bắc ghi nhận 34.932 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm và chiếm 35% tổng tài sản.

Tính đến 31/12/2022, KBC ghi nhận doanh thu thuần âm 331 tỷ đồng so với mức 1.169 tỷ đồng năm 2021 do khoản giảm trừ doanh thu tăng mạnh lên tới 447 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này. Nguyên nhân là do KBC đã nhận lại 2,5ha đất đã bán tại dự án KĐT Tràng Duệ do chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Do đó, lợi nhuận sau thuế lỗ gần 540 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 957 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm KBC chỉ ghi nhận được doanh thu từ KCN Tân Phú Trung (18,7ha) và KĐT Tràng Duệ (1,5ha). Lợi nhuận ròng đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhờ khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị đầu tư Công ty CP Sài Gòn – Đà Nẵng.

vvvvvvvv
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022.

Tính đến 31/12/2022, tổng vay nợ của KBC đạt ngưỡng 7.639 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm (tăng khoảng 8,2%). Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng hơn 2.300 tỷ đồng do có 03 lô trái phiếu đến hạn đáo hạn vào tháng Hai và tháng Sáu. Năm 2022, Kinh Bắc đi vay hơn 1.600 tỷ đồng và phải chi hơn 1.400 tỷ đồng trả nợ gốc vay.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2022, tiền vay dài hạn tại 03 ngân hàng: PVComBank, TPBank và VietinBank (Chi nhánh Ngô Quyền, Chi nhánh Quế Võ) là 2.762 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng PVComBank cho vay nhiều nhất với 2.194 tỷ đồng, ngân hàng TPBank cho vay hơn 67 tỷ đồng và ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Ngô Quyền cho vay hơn 319 tỷ đồng và Chi nhánh Quế Võ cho vay 153 tỷ đồng. Lãi suất dao động từ 8,9% đến 11,95%/năm.

Dư nợ vay dài hạn tại Kinh Bắc chủ yếu xuất phát từ trái phiếu với hơn 3.857 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của Đô thị Kinh Bắc có lãi suất từ 10,5% đến 11,4%. Trong đó trái phiếu đến hạn trả tính đến 24/06/2023 ghi nhận 2.900 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho các khoản vay chủ yếu là cổ phiếu của công ty. Tuy nhiên, trong đó có một lô trái phiếu KBC2021.AB có giá trị 1.500 tỷ đồng lại không có tài sản đảm bảo.

Chi tiết nợ vay tại Đô thị Kinh Bắc (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022).
Chi tiết nợ vay tại Đô thị Kinh Bắc (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022).

Theo lý giải của doanh nghiệp, nguyên nhân của khoản lỗ quý trên là trong năm 2022, công ty đã ký cho thuê 107 ha đất khu công nghiệp (KCN) với tổng giá trị gần 3.540 tỷ đồng. Trong đó, tại KCN Quang Châu, tổng diện tích KCN đã ký cho thuê trị giá 2.460 tỷ đồng. Đặc biệt công ty đã cho thuê gần 50ha đất cho dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian cho nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) trực thuộc Foxconn - đơn vị sản xuất sản phẩm điện tử cho Apple, với tổng giá trị 1.624 tỷ đồng. Tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đã ký cho thuê 30ha với giá trị 981 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do một số nhà đầu tư nước ngoài chưa được cấp Giấy phép đầu tư nên chưa kịp bàn giao trong năm 2022, doanh thu bán hàng năm 2023 mới có thể ghi nhận được. Kinh Bắc cho biết, tổng các hợp đồng này có thể mang lại lợi nhuận gộp hơn 1.800 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó, tại BCTC quý IV năm 2021, KBC ghi nhận doanh thu cả năm 2021 đạt 4.308,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 955,14 tỷ đồng, lần lượt tăng 100,3% và 198,7% so với thực hiện trong năm 2020. Trong đó riêng doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng chiếm tới 72% tổng doanh thu trong năm của KBC.

ffffffff
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV năm 2021.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục âm 929,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 2.913 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 3.548,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 5.990,8 tỷ đồng, chủ yếu là tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu. Như vậy, trong năm công ty tiếp tục huy động dòng vốn bên ngoài để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh âm kéo dài.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của KBC tăng 28,7% so với đầu năm lên 30.605,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 11.461,4 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.149,8 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.577,8 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản.

ffffffff
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV năm 2021.

Trong năm, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 52,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.512 tỷ đồng lên 10.149,8 tỷ đồng và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm.

Tính đến thời điểm cuối năm 2021, nợ vay của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tăng 22,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.312,7 tỷ đồng lên 7.077,6 tỷ đồng và chiếm 23,1% tổng nguồn vốn, chủ yếu đến từ việc tăng các khoản nợ vay dài hạn.

Trong năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính công ty chỉ đạt 47,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Còn tại BCTC quý IV năm 2020 của KBC, ghi nhận nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2020 có giá trị là 12.940 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp hơn 1,5 lần trong năm 2020, đạt giá trị 6.833 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và nợ dài hạn tăng gấp hơn 3 lần, đạt giá trị 6.108 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020.

Đáng nói, nợ dài hạn tăng chủ yếu do sự phình to đột biến trong hoạt động vay dài hạn của doanh nghiệp này. Số dư vay dài hạn tại thời điểm đầu năm 2020 của Kinh Bắc City chỉ ghi nhận mức 1.122 tỷ đồng, nhưng sau 01 năm, con số này đã vọt lên 4.218 tỷ đồng. Sự tăng vọt của vay dài hạn có một phần từ hoạt động vay trái phiếu, nhưng chủ yếu do hoạt động vay dài hạn tại các ngân hàng. Số dư vay dài hạn ngân hàng tăng từ 260 tỷ đồng vào đầu năm, lên 3.071 tỷ đồng vào cuối năm. Lãi suất các khoản vay dài hạn ngân hàng ghi nhận là 9 - 11,5%/năm.

Về vốn vay ngân hàng, "chủ nợ" lớn nhất của Kinh Bắc City là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) với dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, giải ngân từ tháng 12/2020. Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay này bằng toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát. Việc nợ vay tăng mạnh trong kỳ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh 230% trong quý II lên 157 tỷ đồng.

Minh An

*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/thuong-hieu-kinh-bac-city-va-cau-chuyen-ap-luc-cac-khoan-trai-phieu-sap-dao-han-trong-nua-dau-nam-a188561.html Copylink