Thursday, Apr 22, 09:04 AM

Thương hiệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu

Năm 2021, giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng trưởng 21,6% so với năm 2020 càng thêm khẳng định vai trò động lực của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giúp định vị thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Thương hiệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu
Thương hiệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu

Năm 2021, giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng trưởng 21,6% so với năm 2020 càng thêm khẳng định vai trò động lực của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giúp định vị thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Bên lề Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 20/4, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng tầm vị thế, chắp cánh vươn xa.

Chú thích ảnh
Thứ Trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thứ trưởng nhận định thế nào về Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022?

Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 nhân dịp kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam sau 19 năm thực hiện Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm đánh giá với 3 trụ cột: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Qua 19 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đóng góp rất nhiều vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu cũng như nhận thức của doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu của mình, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế - xã hội đất nước, nhưng vượt lên trên mọi thách thức, nền kinh tế vẫn có những gam màu sáng với nhiều tín hiệu lạc quan. 

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam duy trì sản xuất và xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Đánh giá từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, vẫn duy trì ở hạng 33 thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. 

Hơn nữa, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế - xã hội, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế cũng như thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong năm qua khi cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhưng thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tăng trưởng 21,6% và đạt 388 tỷ USD, đứng thứ 33/100 thương hiệu mạnh trên thế giới được xếp hạng. Đây cũng là đánh giá của cộng đồng quốc tế và là điểm sáng nổi trội của các quốc gia; trong đó, có Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và doanh nghiệp. Minh chứng cho thấy, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Thưa Thứ trưởng, khi doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ được quảng bá và hỗ trợ điều gì để góp phần nâng tầm hình ảnh thương hiệu Việt Nam?

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và duy nhất của Chính phủ để xây dựng Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.

Khi doanh nghiệp Việt Nam được chọn và trao biểu trưng Vietnam Value (Thương hiệu quốc gia Việt Nam) mới là bước khởi đầu của chương trình. 

Sau đó, các bộ, ngành và thường trực là Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và xây dựng thương hiệu của họ trên thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cũng như hỗ trợ thương hiệu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đối với trường hợp doanh nghiệp bị vi phạm hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đơn vị này có trách nhiệm bảo vệ những doanh nghiệp.

Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam sẽ đứng đằng sau các Thương hiệu quốc gia Việt Nam và đây là giá trị hết sức quan trọng.

Sau 2 năm trải qua dịch COVID-19, có thể thấy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài rất quan trọng. Thứ trưởng có thể đánh giá về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong việc xây dựng Thương hiệu quốc gia?

Nhắc đến thương hiệu quốc gia ngoài sự tồn tại, nhận biết trong nước còn có sự đánh giá, công nhận của người tiêu dùng nước ngoài. Chính vì vậy, sự phối hợp của doanh nghiệp người Việt Nam tại nước ngoài đóng góp vai trò hết sức quan trọng. 

Trong suốt thời gian qua, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mà đầu mối là Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trực tại nước ngoài, các hiệp hội cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam. Ngoài ra, những ý kiến đóng góp về tâm lý, sự nhận biết và thị hiếu của người Việt Nam tại nước ngoài cũng hết sức quan trọng. 

Việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay quan trọng như thế nào khi Việt Nam đang phục hồi và phát triển kinh tế?

Tôi cho rằng, việc đánh giá và nhận thức được về xây dựng thương hiệu ở bất kỳ thời điểm nào cũng được coi trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về địa chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra đứt gẫy chuỗi cung ứng, logistics cũng như nguồn cung hàng hóa.

Do đó, Việt Nam cần mở rộng các thị trường để tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường. Mặt khác khi doanh nghiệp Việt Nam đã có thương hiệu sẽ đạt được lợi thế hơn và dễ chấp nhận hơn với các thị trường mới khi Việt Nam tiến hành mở rộng xuất khẩu.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, nhất là Thương hiệu quốc gia gắn với 3 trụ cột của Chương trình mà đầu tiên phải gắn với chất lượng, năng lực, đổi mới, tiên phong. 

Điều này hết sức quan trọng và khi doanh nghiệp đã đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại nước ngoài. 

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

TTXVN/Báo Tin tức
object