Wednesday, Feb 23, 10:02 AM

Thương hiệu T-Corp và câu chuyện đi tìm giá trị của sản phẩm Quản lý Tài sản thịnh vượng

Với mục tiêu tối ưu hoá tài sản và tối đa hoá lợi ích của Khách hàng, T-Corp luôn trú trọng phát triển các giải pháp tài chính chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả. Các sản phẩm dịch vụ tài chính nổi bật có thể kể đến như: Tư vấn Đầu tư Chứng khoán, Ủy

Thương hiệu T-Corp và câu chuyện đi tìm giá trị của sản phẩm Quản lý Tài sản thịnh vượng
Thương hiệu T-Corp và câu chuyện đi tìm giá trị của sản phẩm Quản lý Tài sản thịnh vượng

Tập đoàn Trí Việt (T-Corp) là thương hiệu Quản lý Tài sản thịnh vượng với hệ sinh thái tài chính toàn diện, tiên phong và phát triển với 03 thành tố chính: Tài chính - Chứng khoán - Bất động sản, bao gồm các công ty thành viên: Bên Mua - CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (MCK: TVC) và Bên Bán - CTCP Chứng khoán Trí Việt (MCK: TVB).

Trí Việt hướng tới phát triển vì mục tiêu Thịnh Vượng, mở rộng tệp khách hàng VIP, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Cho đến nay, TVC và TVB đã định vị là đơn vị có hiệu quả hoạt động tự doanh và quản lý tài sản hàng đầu trên thị trường.

Thế nhưng, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, T-Corp lại vướng vào không ít ‘lùm xùm’. Sau sự việc, T-Corp đã không ngừng biến động về các nhân sự cấp cao, phát đi thông báo ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, giao dịch cổ phiếu… cho đến việc đầu tư, kinh doanh, tài chính.

Từ đây, thương hiệu T-Corp gặp không ít thăng trầm khiến khách hàng lo lắng về các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào đây. Việc này đã làm giảm niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng vào tính hiệu quả của các dự án. Khi viết loạt bài này, chúng tôi mong muốn, thương hiệu T-Corp luôn là thương hiệu có những sản phẩm thật uy tín, chất lượng và ngày càng phát triển bền vững.

Theo giới thiệu trên Website của Tập đoàn Trí Việt (T-Corp), Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt cung cấp các dịch vụ như: Repo cổ phiếu, cho vay Margin, uỷ thác đầu tư...
Theo giới thiệu trên Website của Tập đoàn Trí Việt (T-Corp), Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cung cấp các dịch vụ như: Repo cổ phiếu, cho vay Margin, uỷ thác đầu tư...

Những gam màu sáng tối trong bức tranh tài chính

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV/2022 của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC), ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 26,6 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ đạt 128,7 tỷ đồng). Về doanh thu hoạt động tài chính cũng báo giảm tới 95% còn 4 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng gấp đôi khiến công ty ghi nhận mức lỗ 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 119 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán đạt 26,7 tỷ đồng, tăng mạnh lên đến 40% khiến TVC lợi nhuận gộp âm 123 triệu đồng.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của TVC đạt 153,8 tỷ đồng, giảm 64% so với năm ngoái và lỗ sau thuế 380 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 547 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản TVC đạt 2.243 tỷ đồng, giảm 42% so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản có điểm chú ý là giá trị các khoản phải thu rất lớn chiếm, 54% tổng tài sản, đạt 1.203 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.191 tỷ đồng, tăng 40% và các khoản phải thu dài hạn của TVC đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 26,6% so với đầu năm.

N
BCTC quý IV/2022 của TVC.

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính (BCTC), các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm: Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng: Thu phí lưu ký của NĐT, thu hoạt động môi giới chứng khoán, phải thu dịch vụ tư vấn với tổng số là 375 triệu đồng; Trả trước cho người bán ngắn hạn với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng; Phải thu về cho vay ngắn hạn với số tiền 378, 5 tỷ đồng; Phải thu ngắn hạn khác với tổng số tiền là 821 tỷ đồng và Dự phòng  phải thu ngắn hạn khó đòi là 10,3 tỷ đồng. Đáng nói, có những khoản thu ngắn hạn mấy trăm tỷ nhưng TVC không giải trình chi tiết và cụ thể là phải thu của những cổ đông, những đơn vị, doanh nghiệp nào.

Cụ thể, khoản Phải thu ngắn hạn khác với tổng số tiền là 821 tỷ đồng, TVC chỉ giải trình chung chung như: Tạm ứng (2,5 tỷ đồng) - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (hơn 221 triệu đồng) - Phải thu khác (818,7 tỷ đồng); Các khoản HTĐT (322 tỷ đồng); Các khoản lãi dự thu (10,1 tỷ đồng) và Phải thu khác… . Hay như Khoản Phải thu về cho vay ngắn hạn với tổng số tiền 378,5 tỷ đồng, TVC chỉ giải trình chung chung như: Cho vay hoạt động ứng trước tiền bán tại TVB (8,7 tỷ đồng); Cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ tại TVB (369,7 tỷ đồng)…

Về các khoản Phải thu dài hạn của khách hàng, trong đó có khoản phải thu dài hạn khác với tổng số tiền hơn 11,9 tỷ đồng, TVC chỉ giải trình chung chung như: Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược hơn 605 triệu đồng và phải thu khác hơn 11,3 tỷ đồng….

Như vậy, qua thuyết minh trong BCTC của TVC thì đa số những khoản Phải thu ngắn hạn và khoản Phải thu dài hạn của TVC giải trình đều chung chung, không ghi cụ thể phải thu từ những cổ đông, thành viên, đơn vị, công ty nào?

Nguồn: BCTC quý 4/2022 của TVC
Nguồn: BCTC quý 4/2022 của TVC.

Vì các khoản phải thu quá lớn khiến dòng tiền kinh doanh năm 2022 của TVC tới 785 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm nghĩa là lợi nhuận chỉ ghi nhận trên sổ sách chứ không thu được tiền mặt về. Để có tiền hoạt động, doanh nghiệp phải trông cậy vào các dòng vốn khác. Vì vậy, dòng tiền thuần trong kỳ âm tới 430 tỷ đồng trong khi năm 2021 dương hơn 197 tỷ đồng, khiến tiền và các khoản tương đương tiền giảm 90% so với đầu năm, từ 483,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 52,7 tỷ đồng. Trong đó có hơn 52 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và 50 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn của Công ty CP Chứng khoán Trí Việt tại Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây là khoản tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa hạn 1 tháng, trả lãi cuối kỳ.

D
Nguồn: BCTC quý IV/2022 của TVC.

Đối với cổ phiếu, hiện TVC đang nắm giữ hơn 897 tỷ đồng cổ phiếu HPG, 289 tỷ đồng cổ phiếu FPT, MWG là 67 tỷ đồng, MBB 5 tỷ đồng,…. tổng cộng số tiền đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, tuy nhiên giá trị các cổ phiếu này đều đang giảm so với thời điểm công ty mua vào. Đặc biệt, công ty phải trích lập dự phòng hơn 375 tỷ đồng và trong đó, dự phòng 266 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào HPG, tương ứng với mức lỗ gần 30%.

ẢNH trái phiếu và cổ phiếu các khoản trái phiếu 2.900 tỷ đồng
03 lô trái phiếu T-Corp phát hànhlà trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo.

Về vốn vay ngân hàng, hồi đầu năm 2022, TVC ghi nhận khoản Vay thấu chi tại Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) với số tiền là 654,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2022 thì TVC không còn ghi nhận khoản vay nào từ ngân hàng nữa.

Duy nhất, T-Corp đã phát hành 03 lô trái phiếu. Cụ thể, dư nợ trái phiếu tại TVC là 161,8 tỷ đồng. Trong đó, 01 lô trái phiếu Tcorp 8 do CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản phát hành (TVC) với tổng giá trị là 47,4 tỷ đồng và 02 lô trái phiếu Tcorp 6 do CTCP Chứng khoán phát hành Trí Việt (TVB) phát hành với tổng giá trị là 47.930.000.000 đồng và 66.500.000.000 đồng. 03 lô trái phiếu này là trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10,53%.

Theo bản giải trình, doanh thu trong quý IV/2022 giảm do giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Doanh thu tài chính bị ảnh hưởng bởi diễn biến giá cổ phiếu không thuận lợi trong khi chi phí tài chính tăng cao vì phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán khi giá các cổ phiếu trong danh mục đầu tư giảm sâu.

Nguyên nhân chính khiến doanh thu tài chính TVC giảm là do lãi từ hợp tác đầu tư chứng khoán giảm 55,6 tỷ đồng, còn chi phí tài chính chủ yếu đến từ lỗ đầu tư chứng khoán kinh doanh là 57,7 tỷ đồng và trích lập dự phòng 40,4 tỷ đồng.

Vì sao, thương hiệu T-Corp lại không ngừng biến động nhân sự cấp cao?

Vào ngày 30/01/2023, ông Đỗ Thanh Hà, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trí Việt đã nộp đơn từ nhiệm lên Hội đồng quản trị. Theo đơn của ông Hà thì, vì lý do sức khỏe và điều kiện cá nhân không cho phép nên xin được miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc. Cũng trong ngày, Hội đồng quản trị của Công ty đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng, người phụ trách quản trị kiêm Thư ký công ty đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật. Thời gian bổ nhiệm từ ngày 30/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Đồng thời, TVC cũng miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng với ông Lê Thanh Tùng và bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ thay thế.

Động thái trên diễn ra sau khi TVC phát đi thông báo triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 15/03 tới đây. Nội dung dự kiến tại đại hội là việc kiện toàn nhân sự HĐQT và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo điều lệ công ty.

Theo đó, Trí Việt dự kiến trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phạm Thanh Tùng,thành viên HĐQT Thành viên HĐQT, đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2024 do không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Cũng theo thông báo, tại đại hội lần này, HĐQT Trí Việt trình cổ đông thông qua bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nộp đủ hồ sơ theo quy định, được tập hợp và công bố trước thời điểm bầu cử. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự cuộc họp là 02/02/2023. Đại hội được tổ chức tại trụ sở TVC ở số 142 Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Trong một diễn biến khác, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bà Phạm Thanh Hoa - em gái ông Phạm Thanh Tùng - cựu Chủ tịch HĐQT TVC đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu TVC từ ngày 27/01 đến ngày 24/02 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện bà Hoa chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TVC nào. Nếu giao dịch thành công, bà Hoa sẽ sở hữu 1,69% vốn điều lệ Trí Việt.Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 27/01 giá cổ phiếu TVC tăng 4,17% lên 5.000 đồng/cổ phiếu và tạm tính theo mức giá này, bà Hoa cần chi 10 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu trên.

Liên quan trong vụ việc cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân bị cơ quan điều tra bắt do thao túng thị trường chứng khoán, ông Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt đã bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc về tội Thao túng thị trường chứng khoán trong tháng 04/2022.

Sau đó, vào ngày 09/12/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CK Trí Việt (TVB) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) về tội Thao túng thị trường chứng khoán, căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land, CTCP Chứng khoán Trí Việt ngày 20/04.

Công ty ngay sau đó cũng khẳng định vụ việc liên quan đến ông Phạm Thanh Tùng là trách nhiệm cá nhân của ông Tùng và chưa có kết luận chính thức; Sự việc trên không tác động hoặc làm thay đổi định hướng trong kinh doanh của công ty và "không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cổ đông, khách hàng đang có giao dịch".

Từ hồi tháng 07/2022, ông Phạm Thanh Tùng đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt nhiệm kỳ 2021-2025 kiêm người đại diện pháp luật, đồng thời bổ nhiệm ông Bùi Minh Tuấn thay vị trí này.

Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt
Ông Phạm Thanh Tùng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt trong buổi lễ VINH DANH LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC 2019 của Tập đoàn Trí Việt.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra ngày 25/06, Chứng khoán Trí Việt đã miễn nhiệm và bầu bổ sung một số vị trí trong HĐQT và Ban kiểm soát. Cụ thể, doanh nghiệp miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT với ông Nguyễn Tiến Sơn, ông Đỗ Đức Nam và ông Đỗ Thanh Hà.

Trong đó, đơn vị miễn nhiệm ông Đỗ Đức Nam với lý do không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Đoanh nghiệp. Động thái miễn nhiệm ông Nam diễn ra sau khi vị lãnh đạo này bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc về tội thao túng thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Sơn và Đỗ Thanh Hà đã xin từ nhiệm từ ngày 06/05 và 25/06, với lý do sức khỏe và lý do cá nhân.

Ngược lại, doanh nghiệp bầu bổ sung ông Phan Lê Thành Long và ông Phạm Văn Khiêm giữ chức vụ Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2026. Ông Long từng là Thành viên HĐQT Chứng khoán Trí Việt nhiệm kỳ 2018-2022. Trong khi đó, ông Khiêm chưa từng giữ chức vụ tại công ty, ông hiện đang là Chủ tịch Hội Địa lý môi trường Việt Nam - Tư vấn và đào tạo tầm nhìn.

Tuy nhiên đến tháng 10/2022, ông Phan Lê Thành Long lại có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT TVB với "lý do và điều kiện cá nhân không cho phép".

Thương hiệu và Công luận tiếp tục gửi đến độc giả những thông tin của thương hiệu T-Corp.

Minh An
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/thuong-hieu-t-corp-va-cau-chuyen-di-tim-gia-tri-cua-san-pham-quan-ly-tai-san-thinh-vuong-a188827.html Copylink