Thương hiệu và sự bền vững
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới chủ yếu dưới dạng thô, dạng nguyên liệu, cho nên phần lớn giá trị xuất khẩu nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này tiếp tục đặt ra vấn đề xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp.
Điểm nghẽn của doanh nghiệp Việt
Nông sản Việt Nam hiện nay đã có mặt trên 200 quốc gia và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Nhiều thương hiệu Việt đã và đang được định vị trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp (DN) Việt cũng đang mắc khá nhiều điểm nghẽn.
Hơn 90% DN hoạt động hiện nay chủ yếu quy mô nhỏ và vừa. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN Việt. Theo bà Trịnh Huyền Mai - Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), do chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên các DN Việt xuất khẩu vẫn ở dạng thô, dạng nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Sau đó, DN nước ngoài chế biến lại, đóng gói bao bì và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Điều này khiến cho giá trị hàng hóa xuất khẩu của ta thấp, và hơn hết là chúng ta khó xây dựng được thương hiệu, định vị hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. “Với ngành công nghiệp, khoảng 95% giá trị xuất khẩu trong tay của các tập đoàn quốc tế FDI có thương hiệu toàn cầu. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng tương tự, hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao và rất ít DN có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng” – bà Huyền đưa ra dẫn chứng.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều DN đã và đang nỗ lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Những cái tên như TH True milk, Lộc Trời, Vinfast đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, thậm chí vươn ra thị trường thế giới, được nhiều người tiêu dùng quốc tế biến đến.
Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, mỗi DN cần có những hướng đi riêng trong quá trình xây dựng thương hiệu. Hoàn toàn không có giải pháp chung và con đường giống nhau trong việc xây dựng thương hiệu riêng cho mỗi DN.
“Chứng từ” tạo niềm tin
Nhiều ý kiến cho rằng, với một nước có thế mạnh về hàng hóa xuất khẩu như thời trang, giày dép... thì các DN Việt thuộc các lĩnh vực này phải tận dụng được những lợi thế sẵn có để phát triển thương hiệu riêng cho mình. Các DN phải mạnh dạn đầu tư phát triển thương hiệu riêng từ rất lâu. “Khi chúng ta đã làm chủ được công nghệ may, nắm được nguồn nguyên vật liệu thì không bao giờ được nghĩ trở lại với cách làm gia công” - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của DN Việt, khó khăn nhất hiện nay đối với các DN vừa và nhỏ là năng lực thực thi của việc xây dựng thương hiệu. Thông thường, xây dựng thương hiệu cần phải tính toán bài bản, bao gồm việc lập kế hoạch chiến lược và thực thi, đầu tư chi phí phù hợp cho truyền thông, quảng cáo.
Tuy nhiên, phần lớn DN vừa và nhỏ Việt Nam đều yếu và thiếu những yếu tố này. Chỉ có một số ít DN vượt qua được những khó khăn do xuất phát điểm có mô hình kinh doanh độc đáo, hoặc vì mô hình DN nhỏ nên họ tính toán đến việc tiết kiệm chi phí để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Nói về câu chuyện xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu chính là “chứng từ” tạo lòng tin và dễ đi đến kết nối, thoả thuận các giao dịch kinh tế. Thương hiệu là hiện tại nhưng cũng là quá khứ và là tương lai của DN; thương hiệu là một phần quan trọng của sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm. Do đó, trong xây dựng hay nâng tầm thương hiệu, điều quan trọng nhất của DN là phải có tầm nhìn, khát vọng phát triển, đổi mới hệ thống để tạo nên giá trị cho sản phẩm và dịch vụ; đồng thời luôn nhận thức được các giá trị của văn hoá DN qua cách ứng xử, sự tử tế trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo dựng niềm tin với cộng đồng, người tiêu dùng, đối tác...