Tổ hợp đô thị thông minh: Mô hình kiến tạo tương lai của cuộc sống đô thị
Tiến sĩ Phạm Thái Lai - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Đông Nam Á và Việt Nam - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.
Theo ông, các thành phố ngày nay đang gặp phải những thách thức gì và làm thế nào để chúng ta giải quyết các thách thức đó?
Tiến sĩ Phạm Thái Lai - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Đông Nam Á và Việt Nam |
Sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, sự khan hiếm nguồn lực, số hóa, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức mà các thành phố trên thế giới phải đối mặt.
Tốc độ phát triển mạnh của các thành phố do đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra áp lực lớn cho những người ra quyết sách và kế hoạch hóa đô thị. Họ không chỉ phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân mà còn phải vận hành các thủ đô phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý. Hơn nữa, đại dịch như Covid-19 đòi hỏi một môi trường an toàn và lành mạnh nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân đồng thời cung cấp sự linh hoạt cá nhân cao nhất cho họ.
Cách duy nhất để đối phó với những thách thức này là các thành phố phải trở nên thông minh hơn. Các giải pháp thành phố thông minh góp phần quản lý hiệu quả các khu vực đô thị, cải thiện tính kết nối, tính bền vững và khả năng sinh sống cũng như tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng.
Tổ hợp đô thị thông minh sẽ định hình tương lai về cách chúng ta sống và làm việc. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Có thể hiểu đơn giản, khu tổ hợp là một môi trường bao gồm các tòa nhà, đất đai và cơ sở vật chất của một tổ chức và được quy hoạch trong một khu vực xác định rõ ràng. Đây có thể là một trường cao đẳng hoặc đại học, một nhà máy lớn, một khu công nghiệp, một khu triển lãm hoặc công viên thể thao, hay một khu trung tâm hoặc một quận trong thành phố. Một thành phố và các khu vực xung quanh nó thường có nhiều tổ hợp - một số sẽ kết nối với nhau và một số riêng biệt.
Tổ hợp đô thị thông minh giúp giải quyết nhiều thách thức mà các thành phố ngày nay phải đối mặt. Bởi, nó sử dụng cơ sở hạ tầng thông minh để kiến tạo cuộc sống của con người và cộng đồng, sự thành công của doanh nghiệp và sức khỏe của thế giới xung quanh; quản lý chi phí và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả…
Tổ hợp đô thị thông minh giúp tạo ra các thành phố khiến mọi người mong muốn được chuyển đến sống, các công ty muốn đặt trụ sở tại đó và mọi người muốn làm việc ở đấy. Chúng tạo ra những nơi trong lành và đáng sống bằng cách đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm và chất lượng không khí tốt. Chúng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định cũng như mang lại tính linh hoạt cho sự phát triển và những thay đổi. Quan trọng hơn, chúng tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ thu hút đầu tư và việc làm.
Các giải pháp cho tổ hợp đô thị thông minh |
Một khuôn viên được thiết kế tốt tạo thêm giá trị to lớn cho các trường đại học. Nó tạo điều kiện hoàn hảo cho việc học tập và sinh hoạt; hỗ trợ việc chia sẻ kiến thức và tương tác trong học tập; tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho những thay đổi và sáng tạo. Đặc biệt, giúp các trường trở nên hấp dẫn hơn và củng cố thương hiệu cũng như danh tiếng của mình.
Bên cạnh đó, tổ hợp đô thị thông minh cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như: giảm chi phí và sự lãng phí; tối đa hóa năng suất của mọi người bằng cách đảm bảo họ luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc; tối đa hóa việc sử dụng năng lượng hiệu quả, cũng như tạo ra tính linh hoạt trong việc nắm bắt cơ hội.
Ông có thể chia sẻ thông tin về một số dự án tổ hợp đô thị thông minh nổi bật mà Siemens đã tham gia trong thời gian gần đây?
Cùng với các đối tác của mình như Thành phố Vienna, Siemens đã và đang tham gia thực hiện một trong những dự án điển hình về hiệu quả năng lượng bền vững và sáng tạo nhất tại châu Âu mang tên: “Aspern - Đô thị bên hồ của thành phố Vienna” với tổng diện tích 240 hecta. Siemens đang tập trung vào việc số hóa cơ sở hạ tầng, việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong cả lưới điện và tòa nhà, cũng như việc kết nối các tòa nhà với nguồn cung cấp điện ở Seestadt Aspern (quận Aspern). Dựa trên yêu cầu của khách hàng, Siemens phát triển các ứng dụng như bảo trì thông minh để hỗ trợ vận hành, bảo trì và dịch vụ của tòa nhà hoặc hệ thống sạc thông minh giúp khuyến khích phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện (e-mobility). Nhờ sự tham gia hợp tác của Siemens, "Seestadt Aspern" ngày nay là ví dụ nổi bật cho một hình mẫu đô thị thông minh được công nhận trên toàn cầu. Nó đã được vinh danh với Giải thưởng Thành phố Thông minh trên Thế giới vào năm 2016.
Đô thị thông minh kiểu mẫu Aspern ở thành phố Vienna, Áo |
Với tổng diện tích 130 ngàn mét vuông, gần 4.000 giường bệnh và hơn 130 phòng mổ, Bệnh viện Thành phố Ankara ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những tổ hợp bệnh viện lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới. Đây là một hệ sinh thái thông minh cung cấp cho bệnh nhân và nhân viên sự thoải mái và an toàn tuyệt đối đồng thời vẫn tập trung vào tính bền vững và hiệu quả cao. Nền tảng quản lý tòa nhà Siemens Desigo CC đã hỗ trợ tích hợp liền mạch và kiểm soát trung tâm 22 hệ thống con của bệnh viện thông qua việc giám sát và kiểm soát gần 800.000 điểm dữ liệu, từ đó cho phép cơ sở hạ tầng quan trọng được hoạt động trơn tru cả ngày lẫn đêm. Để việc vận hành mạng được thông suốt, bệnh viện được trang bị hệ thống và công nghệ tự động hóa năng lượng mới nhất do Siemens cung cấp, bao gồm dòng SIMATIC S7-400 PLC dự phòng, dòng SICAM A8000 và Spectrum Power. Bệnh viện cũng sử dụng phần mềm Siveillance Suite của Siemens để đảm bảo một môi trường an toàn cho bệnh nhân, nhân viên và khách thăm khám.
Tòa nhà Đức - công trình xanh và bền vững hàng đầu Việt Nam (Nguồn ảnh: Toà nhà Đức) |
Nhiều giải pháp nêu trên đã được triển khai rộng rãi ở Việt Nam. Nền tảng Desigo CC đã hỗ trợ Deutsches Haus (Ngôi nhà Đức) trở thành tòa nhà văn phòng bền vững nhất tại Việt Nam. Về hệ thống lưới điện thông minh, công nghệ tiên tiến nhất của Siemens trong lĩnh vực phân phối điện là hệ thống Spectrum Power SCADA/DMS đang giúp TP.Hồ Chí Minh cải thiện mạnh mẽ hiệu quả và độ tin cậy của mạng lưới phân phối điện tại 21 tỉnh, thành ở khu vực miền Nam Việt Nam.
Siemens sở hữu 1 danh mục số độc đáo để phục vụ cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các thành phố. Với kinh nghiệm phong phú của mình cùng những dự án tham khảo đã được kiểm chứng trên toàn thế giới, chúng tôi mong muốn được hợp tác với chính quyền các thành phố và các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng và phát triển nhiều tổ hợp đô thị thông minh tại Việt Nam, từ đó giúp cho các thành phố trở nên thông minh hơn và đáng sống hơn.
Xin cảm ơn ông!