Monday, Jul 22, 02:07 PM

Tranh chấp thương mại và lợi thế từ thương hiệu quốc gia

“Made in Vietnam” là xuất xứ sản phẩm còn khá non trẻ trên trường quốc tế mặc dù chúng ta đã tham gia nhiều tổ chức thương mại và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có người Việt sinh sống nhưng chỉ vài thập kỷ trở lại đây việc phát triển thương

Tranh chấp thương mại và lợi thế từ thương hiệu quốc gia
Tranh chấp thương mại và lợi thế từ thương hiệu quốc gia

Ai sở hữu thương hiệu người đó sở hữu giá trị lớn nhất

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Việt Nam từng chia sẻ, mặc dù đã trải qua hơn 17 năm triển khai chương trình thương hiệu quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể nhưng đâu đó các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu quốc gia.

Cách định vị thương hiệu sản phẩm chưa đúng khiến nhiều giao dịch chúng ta “chưa đánh đã thua”, nhiều sản phẩm muốn ra “biển lớn” phải chịu đứng danh dưới tên của thương hiệu khác, đất nước khác.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đưa ra ví dụ, một đôi giày sản xuất ở Việt Nam thì người dân chỉ nhận được 3-5% giá trị, 70% nằm ở chi phí lưu thông; thuế nhà nước thu được 7-10%; giá trị thương hiệu 10-15%. Như vậy, với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia được sản xuất tại Việt Nam, người Việt chỉ được nhận 3-5% giá trị “Made in Vietnam”. Các giá trị khác đều quay về với quốc gia mà thương hiệu đó đăng ký.

Cũng theo ông Phú, mỗi sản phẩm có chuỗi giá trị cấu thành, từ nguyên vật liệu đầu và đến quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo... Ai sở hữu thương hiệu thì sở hữu nhiều giá trị nhất. Quốc gia càng sở hữu nhiều thương hiệu, giá trị thương hiệu quốc gia đó càng cao và đó cũng là quốc gia thịnh vượng.

Thực tế chúng ta mất nhiều lợi thế, cơ hội do thương hiệu sản phẩm còn non trẻ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ họ được mời tiêu thụ tại thị trường nước sở tại nhưng đặt ra yêu cầu phải “rửa nguồn” do xuất xứ “Made in Vietnam” chưa gây được tiếng vang, hiệu ứng mạnh với người tiêu dùng.

Thương hiệu quốc gia mang lại công bằng trong giao dịch

Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm 2022 toàn ngành đã xuất khẩu được 206.112 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,19 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021.

Mới đây, thương vụ 100 container hạt điều có nguy cơ mất trắng do gian lận thương mại đã được giải quyết thành công bởi ngay khi nhận được thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu 5 bộ ngành Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Công an... tích cực triển khai các biện pháp để xử lý vụ việc này. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Italy và các Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Italy đề nghị các bên cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng về mức thuế trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mật ong nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam. Sau 7 lần điều chỉnh, hiện thuế chống bán phá giá mật ong dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Có được thành quả này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nhiều lần bày tỏ quan điểm với phía Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Từ hai dẫn chứng trên cho thấy, mỗi sản phẩm khi hội nhập quốc tế đều có thương hiệu, xuất xứ quốc gia đều có sự đồng hành của các cơ quan chức năng các cấp. Bằng nhiều hình thức các bộ, ban, ngành và Thương vụ Việt Nam luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp Việt lên trên, lên trước hết. Khi các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng thương hiệu lớn mạnh, có vị trí và chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì lợi thế từ thương hiệu sẽ mang đến công bằng trong tranh chấp thương mại quốc tế.

Ý thức được lợi thế từ thương hiệu, nhiều công ty Việt Nam cũng đang nâng cao giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng toàn cầu để thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp có chung “tiếng nói”. Xét thấy việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp phải được truyền thông sâu rộng hơn nữa để mỗi người dân ý thức được việc xây dựng thương hiệu không phải là việc của riêng cá nhân, doanh nghiệp nào và khẳng định nông dân, công nhân, thương nhân, doanh nghiệp đều là chủ thể hưởng thụ của thương hiệu quốc gia.

Ban Biên tập chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Phát sóng 17h20 từ thứ 2 đến thứ 5 & thứ 7 hàng tuần trên VTV1

Email: [email protected]

Hotline: 0858.66.88.58

Website: http://www.vietrade.gov.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/ThuonghieuQuocgiaVN2021

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw

Trúc Mai
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/tranh-chap-thuong-mai-va-loi-the-tu-thuong-hieu-quoc-gia-a176182.html Copylink