Friday, May 24, 02:05 PM

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và việc phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Mọi người đều rất ấn tượng với các đời “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bởi sự cởi mở, dân giã, dễ gần khi trao đổi với người nông dân. Ấn tượng bởi bao giờ cũng thấy “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp xông pha trước mỗi khi có thiên tai

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và việc phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và việc phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ngày 25/10, kết quả “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận được sự tín nhiệm của các Đại biểu Quốc hội.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, do Bộ Nội vụ phát ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng thứ 6/17 bộ, ngành xếp hạng, đạt 86,41 điểm, nằm trong TOP bộ, ngành có điểm chỉ số thành phần cao.

Từ khi được giao trọng trách là “tư lệnh” ngành Nông nghiệp, tháng 4/2021 đến nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có mặt ở các địa phương, giải quyết và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đề xuất cơ chế, chính sách  thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp đau đáu về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Bà con nông dân nói rằng, cứ nhìn thấy ông Hoan là thấy thân thiện, muốn tìm cái mới, muốn cải tiến quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến… để chất lượng sản phẩm đạt tốt nhất và có nguồn thu cao nhất.

Và, đó là dấu ấn cá nhân, là thương hiệu cá nhân của “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp với cử tri.

Nông nghiệp, nông dân nhưng lại tiếp cận và thuận theo quy luật của thị trường nhanh nhất

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sức sống của ngành Nông nghiệp Việt Nam còn có dư địa rất nhiều, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất là nông nghiệp sẽ phát triển. Thay đổi là xu thế tất yếu cho ngành nông nghiệp phát triển.

Ông nói: “Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm nông nghiệp mà ta sản xuất ra, bởi bây giờ khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế không chỉ mua sản phẩm mà mua cả giá trị sản phẩm đó.”

Nông sản Việt khi xuất khẩu gia tăng cũng chính là hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh đất nước được nâng lên thì niềm tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được tăng lên… đây là cả một chiến lược của Đảng, Nhà nước, không phải là chỉ là đi buôn bán nông sản nữa mà xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, chúng ta truyền thông điệp tới thế giới: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.

Thông báo của Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp chỉ đạo, điều hành hoạt động theo hướng tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”, kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh; hướng tới mục tiêu” “mỗi ngày một thay đổi - mỗi ngày một hành động - mỗi ngày một kết quả - mỗi ngày một chạm để kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cũng như “chạm để kết nối” ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn với công nghệ số, với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm.

Thực tế, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế thì năm 2023, Bộ Nông nghiệp đã thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng; đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng… Và đã đạt kết quả khả quan: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN&PTNT tổ chức (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN&PTNT tổ chức. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ đã phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.

Bộ tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó có festival quốc tế ngành hàng lúa gạo…; qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Bộ đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển, như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng và giải ngân trên 94,6% số vốn được giao.

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp đã phát biểu rằng, có được kết quả trên, là do đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và quan trọng hơn hết là sự phối kết hợp của người nông dân, người dân. Nếu người nông dân không hợp tác thì sẽ không có sản phẩm nông nghiệp tốt, chất lượng; người dân không hợp tác thì sẽ không có những nông thôn mới đạt chuẩn ngày càng nhiều tiêu chí cao hơn trước…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã rất hiểu và nắm bắt tâm lý của người nông dân, chỉ với lời động viên, người nông dân - cử tri rất cảm động. Họ nhớ hình ảnh ông Bộ trưởng đội cái mũ tai bèo màu xanh, ăn vận giản dị, xuống đồng với nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng nhễ nhại mồ hôi, vẫn cười, vẫn động viên, hướng dẫn để người nông dân hiểu và sử dụng công nghệ, thâm canh, nuôi trồng, sản xuất ra những sản phẩm nông, ngư nghiệp chất lượng nhất.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan được biết đến là người có nhiều kiến thiết cho phát triển nông nghiệp ở Đồng Tháp khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây. (Ảnh:
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan được biết đến là người có nhiều kiến thiết cho phát triển nông nghiệp ở Đồng Tháp khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây. (Ảnh: danviet.vn)

Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, “Tư lệnh” ngành Lê Minh Hoan đã “nhiều cùng” với nông dân và cán bộ để có đề án, có vốn về với mong muốn, gạo Việt Nam luôn tốt nhất về chất lượng và số lượng xuất khẩu, muốn lan tỏa thành quả của nông dân Việt trong thời đại hội nhập kinh tế, muốn khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng của những người nông dân đầy kiến thức chuyên môn của nền nông nghiệp hiện đại…

Dấu ấn trong điều hành hoạt động hành chính

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp: “Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi. Xu hướng xanh hóa toàn cầu là xu thế không đảo ngược được, đừng bao giờ mong muốn nó trở lại ngày xưa”.

Thông điệp Bộ trưởng Lê Minh Hoan là làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp để nông nghiệp tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển như: Du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... Đơn cử như ở Đồng Tháp, vườn hoa Sa Đéc xưa chỉ trồng để bán hoa cho các ngày lễ, Tết, nhưng nay, diện tích đã thu gọn lại, tạo không gian cho khách du lịch đến tham quan, tăng thêm được giá trị gia tăng.

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp đã kế thừa, phát huy những thành quả mà các vị tiền bối của ngành để lại rất sáng tạo. Điều này được thể hiện trong công tác xây dựng thể chế, chính sách.

Cụ thể, Bộ trình Chính phủ ban hành 4 nghị định và ban hành 26 thông tư liên quan đến nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Trong một phát ngôn mới nhất, “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp thẳng thắn thừa nhận: Cứ cái gì có lợi cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn là ông ưu tiên chỉ đạo, sát sao điều hành để ra kết quả tốt nhất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan ưu tiên tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp và luôn chăm sóc mối quan hệ giữa nhà nông và doanh nghiệp để có sản phẩm tốt, bán được giá cao và doanh nghiệp thì không bị gián đoạn hợp đồng với đối tác.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đã giảm được nhiều đầu mối trung gian (giảm 1 vụ, 1 cục thuộc Bộ; 32 vụ và tổ chức tương đương thuộc 4 tổng cục, 16 phòng thuộc vụ thuộc Bộ, 16 phòng trong văn phòng tổng cục). Công tác chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời làm việc với các hội, hiệp hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Hiện nay, ngành nông nghiệp, nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng... Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Người dân tại xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trồng dưa trong nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thế Hùng)
Người dân tại xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trồng dưa trong nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thế Hùng)

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.

Phát triển nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Khó khăn được dự báo trước

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường: Về sản xuất lúa gạo năm 2024, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha, trong đó đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn. "Như vậy vấn đề an ninh lương thực hoàn toàn được đảm bảo trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào", ông Cường khẳng định và cho hay, vẫn đảm bảo được sản lượng xuất khẩu gạo 8 triệu tấn như 2023 .

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo cũng phải phụ thuộc vào thị trường thế giới và năng lực của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam.

Sự thành công của các HTX khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là yếu tố quyết định thành bại của Đề án. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)
Sự thành công của các HTX khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là yếu tố quyết định thành bại của Đề án. Ảnh VGP/Đỗ Hương.

Đối với xuất khẩu rau quả, ông Cường cho biết, hiện nay sản xuất một số ngành hàng chủ lực cơ bản ổn định, năm 2024 dự báo El Nino ở mức độ không gay gắt so với các năm trước, bởi vậy hoàn toàn có thể chủ động đảm bảo được kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ những khó khăn như bài học về "được mùa mất giá". Hiện nay, thị trường càng ngày càng khắc nghiệt, không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu được đặc tính của từng thị trường. Thực tế, có những nông sản chúng ta bán được trong nước nhưng không bán được ở nước ngoài, có những nông sản bán được ở thị trường Châu Á nhưng không bán được ở thị trường Châu Âu… và ngược lại.

Thế nên, Bộ phải gắn tiêu chuẩn về thị trường xuống vùng nguyên liệu, tất nhiên cũng có những rủi ro nhưng sự thành công trong xuất khẩu nông sản chứng minh được người nông dân, ngành nông nghiệp có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất.

Khó khăn tiếp theo là nền nông nghiệp chúng ta đang bị manh mún nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng thì sẽ sinh ra một thị trường hỗn loạn. Chính vì thế chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại ngành hàng và cấu trúc lại thị trường để các liên kết đỡ đổ vỡ, đứt gãy. Đây vần là "điểm mờ" của ngành nông nghiệp.

Câu chuyện về thương lái được “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp trao đổi: “Nhiều người nói thương lái "ép giá" và vẫn tư duy họ là lực lượng buôn đầu chợ bán cuối chợ, không mất vốn liếng. Nhưng thực tế thương lái không thể quyết định được giá của thị trường vì hiện nay thị trường không phải cục bộ trong tay vài ba người có thể quyết định giá cả. Trong cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản không ai "làm tất ăn cả" được mà vẫn cần sự kết hợp với nhau. Quan trọng là người nông dân cần biết tập hợp lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã thì sẽ giảm bớt rủi ro”.

Khó khăn từ yếu tố con người, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp. Để thay đổi tư duy của người nông dân không hề dễ dàng, cần phải cụ thể và mưa dầm thấm lâu. Để, người nông dân hiểu làm sao trên 1 đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn.

Hoàng Vũ – Minh An
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-5-tu-lenh-nganh-nong-nghiep-thuc-hien-loi-hua-bang-hanh-dong-a223021.html Copylink