Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G
Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam (Vietnam Open Summit) với chủ đề: Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, diễn ra chiều ngày 18/11, tại Hà Nội.
Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030. Năm 2020 được coi là điểm khởi đầu cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động cho một giai đoạn mới đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn |
Trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện sáng kiến Mở (Open) để phát triển và làm chủ công nghệ số. Sáng kiến được tổ chức thành Diễn đàn Công nghệ mở với khẩu hiệu hành động: Phát triển và làm chủ công nghệ số.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của con người. Vì thế, nó phải rẻ như không khí, và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở. Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở nữa, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Tất cả chúng ta sẽ cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ, thì giá công nghệ sẽ rẻ đi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội. Cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ sử dụng là công nghệ mở.
Theo đó, không một công ty, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù quy mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở.
Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Mỗi người đứng trên vai những người khác để phát triển, từ đó tạo ra một mặt bằng cao hơn cho những người khác. "Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Với nhận định, dữ liệu là dầu mỏ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy, việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Mạng 5G Việt Nam sẽ dùng chuẩn mở
Theo người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông: Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn.
Dẫn chứng về việc phát triển 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở.
Góp sức vào thành quả đó, hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông nay đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. Vingroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, sự kết hợp cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn. Trong nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao thì thị trường có vai trò không kém gì công nghệ.
Với một nước đi sau như Việt Nam mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Cũng với định hướng này, Vietnam Open Summit được tổ chức là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược và chương trình hành động của chúng ta, mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng mở.
Tại diễn đàn, các cơ quan nhà nước, đại diện một số doanh nghiệp đã có phát biểu, trình bày định hướng phát triển công nghệ mở Việt Nam, các xu hướng phát triển công nghệ theo cách tiếp cận mở để làm chủ công nghệ, trong đó, điển hình như nền tảng mở cho phát triển camera, mạng truy cập vô tuyến 5G mở, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu mở, cùng cách tiếp cận văn hóa mở, phát triển phần mềm dựa trên dữ liệu mở,…