Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn?
Với kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, thì Samsung Electro-Mechanics dường như đang trở thành tâm điểm của sự chú ý. Không chỉ Samsung, thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam. Int
Không có gì khó hiểu khi một nguồn lực lớn đang được Samsung dốc vào Samsung Electro-Mechanics, nơi đã và sẽ tiếp tục sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm mảng lưới bóng chip bán dẫn), các linh kiện, phụ tùng (như camera module, bộ nắn điện, touch sensor module, Linear motor...) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các sản phẩm điện và điện tử khác…
Thông tin được đưa ra hồi cuối tháng 07/2022, Samsung Electronics đã tổ chức lễ xuất xưởng chip bán dẫn 3 nanomet (nm) đầu tiên trên thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đua chế tạo chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay.
Dù Samsung Electro-Mechanics mới chỉ sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam, song đó là một bước khởi đầu đầy ý nghĩa.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam. Intel là ví dụ điển hình nhất.
Là một trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay, gồm: TSMC, Samsung và Intel, Intel nhiều năm trước đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay, nhà máy của Intel vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn.
Nhưng kế hoạch của Intel không dừng ở đó, bởi trong các cuộc tiếp xúc gần đây với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Intel đều khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước.
Thông tin cho biết, dự kiến trong tháng Tám này, Tổ công tác dự án Intel sẽ tiếp tục họp bàn để xem xét về các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Nếu cơ chế rộng mở, cơ hội thu hút đầu tư của Intel là rất lớn, bởi thời gian gần đây, tập đoàn này liên tục công bố các kế hoạch đầu tư quy mô lớn.
Cùng với Intel, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã và đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Amkor (Hàn Quốc) với kế hoạch 1,6 tỷ USD; Hana Micron (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…, với quy mô dự án khá nhỏ.
Tháng 05/2022, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với nền kinh tế năng động, thị trường đầy tiềm năng. Đó là lý do Intel quyết định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô gấp nhiều lần hiện nay…
“Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, có lẽ, Việt Nam cần có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn”, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định.
Không dễ để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhưng nhiều năm trước đây, cũng không ai nghĩ, Việt Nam có thể trở thành “cứ điểm” sản xuất cho ngành thiết bị di động. Một khi Samsung đã hành động, Intel đang tăng tốc đầu tư, thì hoàn toàn có thể sẽ có những “ông lớn” khác đầu tư vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn sản xuất tại Việt Nam.