Tuesday, Aug 22, 05:08 AM

Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh Châu Âu - EU

Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vì thế, 06 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh Châu Âu - EU
Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh Châu Âu - EU

Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Mặc dù 02 năm qua dịch Covid19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định EVFTA đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu.

Ảnh minh họa internet
Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh Châu Âu - EU. Ảnh minh họa internet.

Điều này giúp doanh nghiệp hoàn toàn có thể lạc quan vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – EU trước bối cảnh bình thường mới.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, tỉnh Bình Dương cho biết, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

Với 95% sản phẩm phục vụ xuất khẩu; trong đó thị trường chính là EU công ty luôn đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện tại, sản xuất của ngành gốm sứ nói chung đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất sang Châu Âu đến hết quý III, thậm chí sang cả quý IV/2022.

Đối với ngành lúa gạo cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay: Qua 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp đã có bước phát triển mới trong xuất khẩu. Công ty không chỉ tập trung vào xuất khẩu gạo mà hiện tại đã mở rộng thêm thị trường và đa dạng sản phẩm với dòng bún, phở khô. 

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những “tiêu chuẩn xanh” trong sản xuất. Vì vậy, để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường. 

Ảnh minh họa internet
Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh Châu Âu - EU. Ảnh minh họa internet.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, nhờ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng trưởng mạnh. 

Riêng 06 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,8% xuất khẩu cả nước.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng dệt may đạt 12,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng giày dép đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; hàng thuỷ sản đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của EU trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua và những kết quả tích cực trong thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương đối mặt với nhiều khó khăn. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 và nửa đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều Việt Nam – EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. 

Tuy nhiên, sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra những khó khăn xuất hiện như việc thuế giảm không bù nổi cho cước phí tàu biển tăng khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa thể cạnh tranh. 

Không chỉ chi phí cho logistics bị đội giá mà ngay cả phí nhân công cũng tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa thể thay đổi tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ cũng là thách thức đặt ra với doanh nghiệp trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Bởi, thực tế cho thấy, việc đáp ứng "tiêu chuẩn xanh'' đã trở thành xu thế nên bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc đua. 

Q.N (t/h)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/viet-nam-tro-thanh-doi-tac-thuong-mai-hang-hoa-lon-nhat-cua-lien-minh-chau-au-eu-a176578.html Copylink