World Bank dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 chỉ 2,4%
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất vừa công bố, World Bank cho biết, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, giảm xuống 2,4% từ mức 2,6% của năm 2023.
Theo đánh giá của World Bank, mặc dù nền kinh tế toàn cầu kiên cường đối mặt với rủi ro suy thoái năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn khiến hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của World Bank nhận định: Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc kẹt trong nợ và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn. Các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% trong năm 2024, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước. Đến cuối năm nay, người dân ở khoảng 40% quốc gia có thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chuyên gia của World Bank cũng cho rằng, vẫn sẽ có cơ hội lật ngược tình thế nếu các chính phủ hành động nhanh chóng để tăng cường đầu tư và củng cố các khuôn khổ chính sách tài khóa.
Một số tổ chức khác như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm nay. IMF nhận định, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 3% vào năm 2023 xuống còn 2,9% vào năm 2024. Trong khi đó, OECD ước tính, tăng trưởng quốc tế cũng sẽ chậm lại từ mức 2,9% vào năm 2023 xuống còn 2,7 % vào năm 2024.
Trong báo cáo kinh tế mới nhất, Liên Hợp quốc (LHQ) dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay so với mức ước tính 2,7% vào năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng 3% trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019.
Ông Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận Chính sách và Phân tích Kinh tế của Liên Hợp quốc lo ngại về suy thoái kinh tế vào năm 2023 đã được ngăn chặn chủ yếu nhờ Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiềm chế lạm phát mà không cần phanh lại nền kinh tế.
Song, ông Shantanu Mukherjee nhấn mạnh, tình hình bất ổn trên thế giới có thể gây ra lạm phát. Chẳng hạn như, một cú sốc trong chuỗi cung ứng hoặc vấn đề về nguồn cung và phân phối nhiên liệu có thể thúc đẩy một đợt tăng lãi suất để kiểm soát tình hình. Lãi suất rất cao trong thời gian dài và mối đe dọa về những cú sốc có thể xảy ra đối với giá cả có thể kiến kinh tế thế giới lâm vào khó khăn.
Các nền kinh tế đang phát triển đang phải vật lộn để phục hồi sau những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó nhiều nền kinh tế phải đối mặt với nợ cao và thiếu hụt đầu tư.
Lạm phát toàn cầu, mối lo ngại chính trong hai năm qua, đang có dấu hiệu giảm bớt. Lạm phát toàn cầu giảm từ 8,1% năm 2022 xuống 5,7% vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm xuống 3,9% vào năm 2024.
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, lạm phát giá lương thực vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 238 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2023, tăng 21,6 triệu người so với năm trước.