Bảo tàng ngày càng 'hút' người trẻ
Những ngày qua, không phải một gameshow mới, một nhân vật nổi tiếng nào đó trong giới showbiz... mà chính những di tích lịch sử văn hóa mới là những cái tên “chiếm sóng” trên các trang mạng xã hội, nhận về nhiều cuộc thảo luận sôi nổi từ cộng đồng người trẻ.
Tiếp cận với Gen Z
Di tích Nhà tù Hỏa Lò được biết đến nhiều hơn thông qua cơn sốt trên nền tảng Facebook với fanpage (trang cá nhân) lên tới hơn 400 nghìn lượt theo dõi, phát triển thêm trên các kênh Spotify và Apple Podcasts. Bên cạnh đó, Hoàng thành Thăng Long, Dinh Độc Lập cũng đang phát triển những trang fanpage có từ 15 - 20 nghìn lượt theo dõi, đồng thời sở hữu những trang web chuyên nghiệp, giao diện mượt mà cùng đồ họa bắt mắt, không kém cạnh các thương hiệu trẻ.
Có thể nói, việc khéo léo mở rộng và đẩy mạnh phát triển quảng bá trên kênh truyền thông trẻ mang đậm chất Gen Z này không chỉ đưa các bảo tàng, di tích lịch sử đến gần hơn với người trẻ, mà còn là những nguồn thông tin quý giá, tạo cơ hội cho họ được hiểu sâu hơn về các thông tin, câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó, tạo động lực thúc đẩy người trẻ tới thăm quan và tìm hiểu nhiều hơn.
Sau di tích Nhà tù Hỏa lò, Hoàng thành Thăng Long, thì những ngày đầu tháng 11 này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dường như đang tạo ra một “cơn sốt” trong giới trẻ. Ngay ngày đầu tiên mở cửa, theo ghi nhận của phóng viên, dòng người không ngừng đổ về. Chỉ tính riêng ngày 1/11 đã có khoảng 1.000 khách tham quan.
Cách tiếp cận trẻ hóa của bảo tàng đã thu về lượt du khách “khủng”. Rất nhiều video, bài đăng liên quan đến hình ảnh của bảo tàng được đẩy mạnh trên các nền tảng như TikTok, Facebook, Instagram, thu về hàng triệu lượt quan tâm. Bạn Nguyễn Hải Yến (22 tuổi, ở Thái Bình) tỏ rõ sự phấn khởi của mình khi đến tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
“Em biết đến bảo tàng qua các bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, và đến đây thì em rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, thấm thía hơn về những công lao và sự hy sinh to lớn của cha ông ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc” - Hải Yến cho biết.
Điểm sáng nổi lên từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là việc sẵn sàng thay đổi để thích ứng với hiện đại mà vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử. Bắt nhịp với bước đi của thời đại nhưng không quên những giá trị cốt lõi. Các bảo tàng ngày càng chú trọng vào việc xây dựng nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng tham quan. Thay vì những bảng chú thích dài dòng thì nay, các bảo tàng sử dụng hình ảnh, video, mô hình mô phỏng... kết hợp với công nghệ 3D Mapping hiện đại để tái hiện lịch sử một cách sinh động và chân thực, thu hút giới trẻ khám phá.
Đặc biệt, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn xâu chuỗi các trải nghiệm thực tế như: chơi game tương tác/giả lập - bắn tàu chiến Pháp trên sông, xe tăng chiến đấu giải phóng Sài Gòn...
Những hướng đi đúng và trúng
Nói về sự đổi mới, sáng tạo trong công tác bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học chia sẻ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một công trình hết sức tuyệt vời, đẹp và hấp dẫn. Trước đây những trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự cũ bị trật trội, ở vị trí mới này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có một không gian rộng rãi, lộ trình tham quan rất thú vị với những nội dung trưng bày cùng với các hiện vật gốc rất quý… Các thông tin, bài viết, những video trình chiếu… đã tạo ra sức hấp dẫn cho bảo tàng.
“Để bảo tàng có sức hấp dẫn, trước hết phải có được sự đầu tư đúng và đủ. Từ việc đầu tư thích đáng đó, sẽ tạo ra nội dung chất lượng của các hoạt động bảo tàng. Đây là điều rất quan trọng” - ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, điều cơ bản của bảo tàng phải là hiện vật gốc, tư liệu gốc, phải là những câu chuyện sinh động từ các hiện vật và các tư liệu đó. Đó là những điều thiết yếu nhất. Tư liệu gốc phong phú cộng với việc ứng dụng kỹ thuật số và sự sáng tạo của người làm công tác bảo tàng sẽ tạo nên sức hấp dẫn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào triển lãm, trưng bày đã tạo ra hiệu ứng tích cực, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Thực tế cho thấy, các triển lãm số đã tạo ra trải nghiệm mới với khách tham quan, được du khách đón nhận rất tích cực và để lại nhiều lời khen đối với bảo tàng. Đặc biệt là ứng dụng thuyết minh đa phương tiện. Ứng dụng này được thuyết minh bằng 9 ngôn ngữ, với những nội dung ngắn gọn, du khách dễ hiểu hơn. Qua đó xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ. Hiện nay một số bảo tàng đang phát huy rất hiệu quả ứng dụng này và được công chúng đón nhận tích cực.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, khi ứng dụng công nghệ, các bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất chính là con người. Hiện nay ở các bảo tàng, để nhân viên triển khai sản phẩm công nghệ rất là khó. Chính vì vậy bảo tàng cần tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị công nghệ bên ngoài mới có thể triển khai được. Khó khăn tiếp theo đó chính là tài chính. Những ứng dụng công nghệ đòi hỏi rất lớn về tài chính mà các đơn vị bảo tàng công lập rất khó để đáp ứng.
Việc kết hợp giữa công nghệ, mạng xã hội và các hiện vật về lịch sử đã giúp các điểm đến di tích lịch sử, bảo tàng trở thành những trải nghiệm thú vị, khơi gợi tò mò, ham học hỏi cho giới trẻ, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc đến thế hệ tương lai.
Thời gian qua, nhiều bảo tàng đã chọn tiếp cận công chúng thông qua mạng xã hội. Việc mở các trang web trên mạng xã hội giúp cho các thông tin, sự kiện, chương trình mới của bảo tàng đến nhanh với nhiều người. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tới cộng đồng.