Friday, Nov 21, 03:11 PM

Gánh làng vào phố

“Gánh làng vào phố” nói ngoa chứ ai làm thế được bao giờ, nhưng đúng là như thế, từ xa xưa cho đến nay bao đời, bao người đã vậy mà làm nên dáng dấp kinh thành hơn ngàn năm tuổi.

Gánh làng vào phố
Gánh làng vào phố
g225nh-l224ng-v224o-pho_1.jpg

Thăng Long có bóng dáng của một ngôi làng Việt, một ngôi làng ngàn năm văn hiến, lớp lớp tinh hoa hội tụ về đây. Cho đến giờ, hôm nay người ven đô, người tỉnh lị vẫn mải miết chuyên chở từ làng về phố mùa vụ, tên làng xã mình, phẩm chất của người làng và dòng họ của mình về nơi phố thị theo cách của mình.

Gà gáy sáng, giăng sao có khi còn cả trên giời, bỏ lại nơi góc bếp, hiên nhà những nhọc nhằn toan tính, bỏ lại những ngổn ngang để người nhà dọn dẹp, người ngoại thành chất hàng lên xe nhằm hướng đường cái quan ra phố. Chẳng ai phải đi một mình cả vì bao giờ cũng là buôn có bạn, bán có phường, người trong họ, trong làng thường rủ nhau, dắt nhau cùng buôn bán. Thế nên con đường vắt qua cánh đồng giờ ấy đã rộn ràng tiếng xe máy và tiếng người nói vội với nhau át tiếng gió. Thực phẩm, nông phẩm chất ngất trên những sọt, những thùng.

Người ta vẫn nói “Vắng cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”, thế nhưng nếu một ngày cầu chợ vắng người bán hàng, hay chỗ thường ngày vẫn có hàng rau củ, hàng hoa quả, hàng bánh nếp, bánh dầy mà thiếu cô bán hàng mặc áo chống nắng, khăn vải chéo buộc trên đầu thì vẫn có người tần ngần bảo:

- Ơ hay! Sao hôm nay con bé bán hàng này nó nghỉ nhỉ?

Người ngồi cạnh mau mồm trả lời ngay:

- Cô ý nghỉ ba ngày cơ bà ạ, chẳng là chạm ngõ rồi đi dầu thằng con trai cả.

- Trẻ thế mà đã có con trai lấy vợ á?

- Cũng ngoài 50 rồi còn gì bà, người nhà quê chúng cháu vất vả còn già đấy, chứ sướng như trên tỉnh thì cô ấy còn đẹp nữa. Xưa xinh nhất làng đấy bà ạ.

- Đẹp người, lại tháo vát, bánh nếp của nhà nó ngon hệt như xưa, bà mua về ngửi mùi lá đã thích. Thế là phải mấy ngày nữa mới có bánh ăn...

- Trên này bao nhiêu món mà bà “tuyền” chọn món quê, khi bánh đúc xanh, lúc bánh lá, cứ nắm mớ bà lại thích hơn thì phải?

- Bố tôi đi thoát ly, mẹ tôi dắt con theo chồng lên tỉnh từ lúc tôi còn để chỏm, theo cách của bà cụ chợ búa, cơm nước tôi vẫn thích đồ quê. Con cháu nó cứ bảo tôi khó tính, nhưng đất lề, quê thói, bố mẹ tôi có ở đây thì gốc gác vẫn là quê, ăn ở thế nào điều tiếng không phải mình chịu mà về đến làng ý chứ.

- Vâng, con cũng nghĩ thế, may mắn con có nghề của làng, các cụ để lại nghề là phải giữ, nếu mất uy tín, có mà mất nghiệp của cả làng - Người bán giò chả, bánh dầy, tay cắt giò kẹp cho khách miệng vẫn chuyện. Là chị nói về cách mình giữ uy tín, dù trăm người về bán hàng giữa chợ mà người làng với những mặt hàng cổ truyền vẫn hút khách được bấy nay.

- Các chị cứ thật thà, hàng chuẩn, tận tâm thì chẳng khách nào bỏ cả. Về lâu về dài nó thế. Thôi các chị bán hàng, tôi lại đi mua trà xanh, mát giời thế này hãm ấm trà, rồi ăn kẹo lạc.

g225nh-l224ng-v224o-pho_2.jpg

Chợ tỉnh không như chợ quê thường họp cả ngày, người quê cũng tính giờ mà về phố. Chợ thường lan rộng nên những nhà xung quanh cũng được coi là chợ. Chợ vãn lúc quá trưa để lại nền đất trơ lỳ, những giát, những chõng xếp gọn vào hiên mái mấy nhà ven chợ. Và trước khi về ai cũng quét quáy sạch sẽ chỗ mình ngồi để từ chủ nhà cho thuê cho đến quản lý chợ và những chị lao công khu vực không ai phải trách cứ. Mấy người ngoại thành bán hoa thấy vãn khách cũng đậy điệm hoa lại rồi giở cặp lồng cơm ra ăn trưa. Có chị bán rau mải đi cất hàng sớm thì ăn vội bát bún từ lâu, phủ bạt lên rau rồi vào tầng 1 nhà chủ ngả lưng. Người quê tần tảo, chở hàng về phố người có ướt, nhưng hàng phải khô, phải lành không bị nước mưa hay dập nát. Thu dọn xong mọi người chào nhau rồi lên xe ra về, những cái áo chống nắng bạc màu được kéo khóa cao, mũ bảo hiểm được đội lên đầu, có xe cả đôi vợ chồng, có xe chỉ một người phụ nữ cũng sọt hàng, bao tải chẳng kém gì. Những cái xe cà tàng cùng chủ nhân nó ra khỏi khu vực chợ để lại mùi khen khét. Vãn chợ chiều bao giờ cũng buồn thì phải, những chỗ ngồi trống không, vài cây cảnh từ độ tết của nhà chủ để ngay cửa nhà, bỏ đi thì tiếc cây, tiếc cái bình trồng mà để lại cũng chỉ tưới tắm qua loa nên rõ khẳng khiu.

Người toán này về thì người toán khác ra, chẳng ai toan tính giỏi bằng người quê, nhất là người ven đô. Chợ sớm có cái tất bật sớm mai, thì chợ chiều có vẻ thong dong hơn. Cũng là chỗ này mỗi sáng có người phụ nữ bán gà vịt đã làm sạch, chiều vẫn thức ấy nhưng là anh thanh niên trẻ. Hỏi ra thì mới biết họ là anh em con chú con bác. Hỏi chuyện mới biết, vùng chiêm trũng ven đô có nghề nuôi vịt. Nhà nào có lò cứ cho ấp, nhà nào nuôi cứ theo đàn, có khi đến vài nghìn con. Cánh đi chợ mua buôn cả đàn, thịt đến đâu bán đến đấy, sạch sẽ tươi ngon là phải. Thế nhưng, đường xa, sức người có hạn ai mà đèo đẽo làm hàng rồi đem đi chợ bán được đủ ngày, đủ buổi. Thế nên anh chị em bảo nhau, kiếm cái chỗ ngồi ổn định, người sáng, người chiều, giữ khách bởi chất lượng hàng là chẳng phải lo ế.
Cánh xe thồ cũng mỗi người một ngả, hàng hóa khi trùng nhau, khi lại mỗi người một món. Hôm thì tải rau tập tàng hái sáng nay, lúc lại chỉ dăm cây cà luống vườn nhà hái quả to quả nhỏ cho đủ chuyến. Mấy chị đảm đang còn muối cả chậu dưa ngọn sắn đem bán, người phố có phải ai cũng biết ăn món này đâu. Người bán hướng dẫn người mua cách nấu còn vụng về hơn cả khách hàng mua quen dạy người chưa biết món này bao giờ:

- Khó gì đâu, dưa muối sạch, sẵn nước đây về nêm mắm muối với mớ cá riếc kho mục xương là xong. Gắp dưa sắn kho mặn thì có khi ăn được nửa bát cơm ý, vừa ngọt, vừa bùi chẳng thấy tanh đâu. Nhà có trẻ con thì kho với xương cục cũng vẫn cứ ngon, ăn rồi nghiện cái vị ngọt bùi này đấy.

Được người đảm đang lại mau miệng giới thiệu cho, nên cánh chị em nghiện món dưa sắn đông dần lên, bữa nào hết thì lại đành nhớ hẹn. Cái món nhà quê nhà mùa này đã không biết thì thôi, biết ăn là rất dễ nghiện. Trong cái se lạnh của mùa thu, hay trong cái buốt giá của mùa đông, 5 giờ chiều thành phố tối sẫm, chị em đi làm về vẫn phải tạt qua đây lấy túi dưa sắn về kho và bảo tắt bếp trước khi đi ngủ là sớm sau chẳng quà sáng nào bằng bát cơm nóng ăn với dưa sắn kho.

g225nh-l224ng-v224o-pho_3.jpg
Nhìn thấy người quê là thấy thật thà, xởi lởi chở gánh đầy, gánh vơi về phố bao giờ cũng đắt hàng, không chỉ thuận mua vừa bán mà còn gắn kết bởi những chân tình. Ảnh: Việt Khánh.

Lại còn dưới gốc cây có nhà cái chị này cứ tầm 3 giờ chiều mới thồ hàng ra đến nơi, những túm mớ được bầy ra có khi chỉ dăm mớ cải cúc đầu mùa, bó củ liễng, chục mớ mùi ta, mùi tàu và túi rau húng trộn chứ không thành bó. Cà chua thì cả thúng, ớt đỏ có khi chỉ độ nửa cân, ai mua về làm tương ớt chị lại chẳng có mà bán lẻ. Chị bảo vườn nhà mình, vườn nhà hàng xóm có gì bán nấy, nhưng từ bà cụ nghỉ trưa dậy đi chợ chiều cho đến cánh chị em đi chợ sau giờ tan tầm cũng vẫn không rẽ vào chợ mà chỉ mua rau dưa của chị. Rau nào cũng tươi ngon, đến cọng rau thơm cũng thơm hơn, khác hẳn rau của cánh buôn chợ đầu mối tầm này đã hẩu, úa vàng. Chị ấy và mấy chị đằng kia thường bán ngô nếp. Ngô bẻ xong chất vào sọt đem về phố luôn, ngô này luộc lên đúng thật ngon hơn bát xôi nếp, ai mà chê được ngô khoai, ngon thế này ăn cả đời được chứ đừng nói ăn độn như xưa. Có người mua nhờ bóc bẹ, để râu ngô về luộc cho ngọt nước, chị phải rón rén hơn, nhiều bà, nhiều chị lại muốn mua ngô đã tẽ về rang, thành thử dư ra mớ râu tươi. Ngô chưa tẽ xong đã có người dặn đi mua đồ đã, tí về nhớ phần mớ râu ngô. Mùa đông lạnh được bát nước ngô nóng thơm ngon chẳng gì bằng. Hôm đắt hàng thì thành phố chưa bật đèn đường chị đã sắp sửa đi về, có những hôm ế, đèn đường đã sáng, người về đã thưa mà rau củ của chị vẫn còn lưng lửng. Chị mong đắt rẻ thế nào cũng bán được nốt. Giời giở gió lại có hạt mưa, chị buộc khăn, cài áo lại cho bớt lạnh. Chặng đường về ngoại thành hôm nay hẳn là không được vui...

Làng không xa, qua mấy ngã rẽ là về đến đường liên huyện, những chiếc xe máy vội vã băng qua cánh đồng nhằm phía sẫm màu cây phía kia. Dù nắng mưa, dù trăng mờ tỏ thì người làng vẫn người trước kẻ sau trở về ngôi nhà của mình. Nhọc nhằn đâu đó, bỏ lại nơi sạp hàng chợ tỉnh, hay góc phố, bên đường nào rồi. Những túi tiền cất trong cốp, hay đeo bên mình rồi mặc áo chống nắng ra bên ngoài đều chưa kịp đếm, đồng chẵn để trả tiền hàng, đồng lẻ sẽ để riêng để mai đi chợ còn trả lại khách. Có những đồng tiền chẵn phẳng phiu sẽ được cất riêng, còn lo bao việc từ cửa nhà đến ma chay, hiếu hỉ...

Làng có nghề phụ lo một nhẽ, làng thuần nông chạy chợ còn lo hơn về nguồn hàng, chợ thì trăm người bán, dân sở tại, lại người ngoại thành kìn kìn về phố mỗi ngày, lo bạc mặt ý chứ. Nhưng trăm người bán thì cũng vạn người mua, có uy tín là được trọng, còn lối đi về là còn có đồng ra đồng vào, năng nhặt chặt bị các cụ lại dạy “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, thế nên chân chạy thành quen, nghỉ dăm buổi chợ xem ra cũng chồn chân, khách hàng rồi rồi bạn hàng ai cũng nhắc.

Nhiều no, ít đủ làm sao để tối 30 Tết về đến nhà kịp làm mâm cơm dâng cúng tiên tổ, ngắm con cháu xúng xính áo mới mua mãi ngoài tỉnh. Còn mình dư giả mua được đồng vàng là vui nhất, nếu không cũng sắm cái áo dài mặc tết rồi mặc hội xuân cho mát mặt.

Nhọc nhằn quanh quất đâu đó thôi, chứ nhìn thấy người quê là thấy thật thà, xởi lởi chở gánh đầy, gánh vơi về phố bao giờ cũng đắt hàng, không chỉ thuận mua vừa bán mà còn gắn kết bởi những chân tình. 

nguy32975n-minh-hoa
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ganh-lang-vao-pho-5672274.html Copylink