Long lanh nỗi nhớ hoa làng
Hồi nhỏ, đám mục đồng làng tôi ghét cay ghét đắng một vài loài hoa. Nghĩ cũng oan thật. Hoa là hiện thân của cái đẹp, mà cũng bị phân loại sang hèn rồi phân biệt đối xử…
Nhất là những đám hoa mắc cỡ. Chúng thuộc phận “cỏ nội hoa hèn”, dù người viết không đời nào nghĩ thế.
Bọn trẻ gọi chúng bằng cái tên rất dân dã: hoa giả đò. Có lẽ tên này cũng ra đời tự thuở xưa rất xưa khi người ta “gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”, rồi gánh cả tên hoa. Tùy từng vùng miền mà tên gọi có khác nhau. Giả đò là giả bộ, giả vờ. Là bởi loài cây này rất biết… diễn. Khi chạm tay hoặc băng chân ngang vạt hoa, thể nào các bạn í cũng vội vàng khép lá, còn gai thì đâm tua tủa. Để tự vệ? Để làm duyên? Có lẽ là cả hai. Trẻ thơ rất ghét cái động thái mang tính giả vờ ấy. Vì một lát sau, nếu không bị phá, lá sẽ lại từ từ xòe ra với những phiến li ti mọc đối. Như thể lá phượng thu nhỏ thật nhỏ. Thực chẳng có gì đáng yêu.
Song, nếu chỉ vì thế mà không yêu được một loài hoa thì cũng chưa thật xác đáng. Đám mục đồng chỉ muốn tìm những nơi thật nhiều cỏ ngon cỏ ngọt cho những con vật lành là trâu, là bò háu ăn; con nào con nấy bụng to như cái thùng phuy. Mà giả đò thì thật vô dụng. Chúng thật chả có vai trò gì hết, ngoài việc nở hoa. Và giăng bẫy gai cào rách chân bọn trẻ. Không bực mình mới lạ. Thế là, bọn trẻ tàn sát giả đò không thương tiếc. Bờ ruộng, đám đất, chỗ nào có giả đò mọc, là khó lòng sống sót. Đó cũng là kiểu lập công với ba mẹ vì góp phần làm sạch đất sạch vườn.
|
Trong một nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn viết “đời vẽ tôi tên mục đồng”. Lời hát ấy hình như có phần dành tắm tưới quãng đời thơ của đứa trẻ nhà quê như tôi. Rồi từng ngày từng ngày qua, lòng yêu làng lớn dần lên thành máu thịt. Những non dại thuở xưa, nghĩ về chỉ để thương, để nhớ. Bây giờ, tôi lại liên tưởng thú vị, hoa giả đò chính là hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng, gai góc mà e ấp, có duyên và rất biết cách làm duyên. Là loài hoa duy nhất ở quê biết cử động và phản ứng như người. Cái duyên quê chân chất mà khiến lòng người dễ đắm say. Còn nữa, hoa này có khả năng nở bốn mùa, bất chấp nắng rát hay mưa dầm kiểu miền Trung. Mà nở là rộ cả vạt. Xanh hồng miên man. Mỗi hoa là một viên bi hồng lung linh. Hay là xinh xinh như đôi mắt thỏ? Dù nắng mưa, dù cỗi cằn, vẫn kiên cường sống và khoe sắc. Vậy nên nó thật là đáng yêu.
Hoa giả đò, mắc cỡ hay xấu hổ còn mang thêm một cái tên thật kiêu sa là trinh nữ, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình buồn và gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ: “Nâng nhẹ một cây, lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say, ngỡ đôi mi dày khép đêm trăng đầy cài then cung ái…” (Hoa trinh nữ - Trần Thiện Thanh). Ngộ thế đó, loài hoa bé nhỏ, tưởng chừng như dễ bị quên lãng nhưng lại đong đầy xúc cảm trong một giai điệu bolero ngọt ngào. Tôi càng yêu loài hoa nhỏ bé mà long lanh cả một miền ký ức.
Tôi về làng, thích nhất là đi bộ dọc mấy con đường quanh queo đầy hoa cỏ. Quờ tay vào đám hoa giả đò, tôi nghe tim mình rộn ràng nhịp đập tuổi thơ. Từng vạt từng vạt hoa cứ lấp lánh hồng như tiếng reo vui, như niềm kiêu hãnh. Tôi yêu ngôi làng mình từ lá khoai đến ngọn cỏ. Mỗi hình ảnh làng đều in dấu ấn cuộc đời tôi. Xa làng, nhớ đã đành. Về làng, lạ, cũng nhớ. Tôi chợt thấy tôi trong từng khoảnh khắc đã qua, bởi thời gian bềnh bồng mang từng mùa hoa đến rồi đi mãi. Tôi phải lòng loài hoa chuyên chở mình về miền thương nhớ. Tôi phải lòng nét duyên quê từ điệu hồn bình dị, mong manh.
Dẫu sao, con người ích kỷ trong tôi vẫn cứ ngỡ rằng sự sống, vẻ đẹp và triết lý sống của loài hoa dại này chỉ thuộc về làng quê. Nó là phần không thể thiếu của miền đất trung du. Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới những câu hát “vì có mặt trời soi nên mây chiều là ráng đỏ, vì suối reo vách đá nên suối là dòng thác trên cao” (Trần Long Ẩn). Mặt trời và mây chiều cần nhau; dòng suối và vách đá cần nhau để tôn thêm vẻ đẹp và ý nghĩa của sự tồn tại. Nơi đất cằn sỏi đá cần có hoa mắc cỡ đơm hương bốn mùa để sự sống bất tận sinh sôi. Như ngôi làng Lộc Yên quê tôi.
|
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/thuong-nho-mien-trung/long-lanh-noi-nho-hoa-lang-1301303.html Copylink