Một thời vang bóng
Nhìn lại chặng đường 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam với biết bao thăng trầm. Nhất là những năm gần đây, sự lặng lẽ của sân khấu kịch nói khiến cho người trong cuộc cũng như khán giả đều cho rằng sân khấu kịch nói không thể sống mãi với hào qua...
1. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc: Đầu thế kỷ XX, nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam ra đời từ kết quả của cuộc tiếp biến vĩ đại trong văn hóa Việt Nam với văn hóa Pháp và phương Tây. Cuộc tiếp biến văn hóa vĩ đại này đã làm cho văn học nghệ thuật Việt Nam được lột xác thành “nhân cách mới”, “nghệ sĩ mới” để kết thúc một thời kỳ dài hàng ngàn năm khép kín theo phong cách phương Đông, hướng dần cấu trúc lại văn hóa nhằm gia nhập vào quỹ đạo sáng tạo của thế giới.
Nghệ thuật kịch Việt Nam ra đời bằng công lao trực tiếp của các trí thức Tây học ở Pháp hoặc ở trường Pháp tại Việt Nam, mà điển hình là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã dịch đăng trên báo chí các thể loại thơ, ký, truyện, tiểu thuyết, kịch của Pháp cho độc giả Việt Nam. Sau này, đội ngũ trí thức yêu kịch ngày một đông, đại biểu của họ có thể kể đến Phạm Văn Duyệt, Đoàn Ân, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Kim, Vũ Đình Long, Hồ Trọng Hiếu… Họ đã khởi xướng xây dựng nền kịch Việt Nam bằng tác giả và nghệ sĩ Việt Nam…
Ngày 22/10/1921, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long đã được công diễn, là sự kiện lịch sử đánh dấu nghệ thuật kịch Việt Nam ra đời.
Nhờ có phong trào sáng tác và biểu diễn kịch mạnh mẽ, nhiều tổ chức kịch tài tử đã ra đời như Hội Uẩn Hoa, Hội Đồng Hữu Ái, Hội Sinh viên, Hội Viên chức, Hội Thánh, Hội Trường dòng… của Hà Nội và Hải Phòng, Bắc Ninh. Đặc biệt, sau này, có Ban kịch Trường Đình Thi, Lại Quang Mậu (1929), Ban kịch Thế Lữ (1935), Ban kịch Tinh Hoa (1936), Đoàn kịch Anh Vũ (1943)... mang tính chuyên nghiệp, thi nhau diễn kịch, làm nức lòng khán giả.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ở Hà Nội, có nhiều ban kịch không chuyên của các tổ chức cách mạng ở nhiều địa phương được thành lập. Đến tháng 8/1951, tại khu rừng già Nông Lâm (Việt Bắc), Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương bao gồm các tổ chèo, ca múa nhạc và kịch chính thức ra đời, do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm Trưởng đoàn, Thế Lữ làm Phó Trưởng đoàn kiêm đạo diễn và Học Phi phụ trách hành chính. Rồi sau hòa bình năm 1954, trên miền Bắc, hầu như tỉnh nào cũng có đoàn kịch và nhà hát của riêng mình theo cơ chế bao cấp, chuyên nghiệp, hiện đại…
Có thể nói, kể từ “dấu mốc” 22/10/1921 đến nay, lịch sử nghệ thuật kịch Việt Nam đã tròn 100 tuổi và trong đó có 76 năm thuộc về kịch cách mạng.
“Nghệ thuật kịch Việt Nam, 100 năm đã qua, đã trưởng thành từ không đến có, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, từ thô sơ đến hiện đại, từ tài tử chơi vui đến “soi đường cho quốc dân đi”, “phò chính trừ tà”. Nó sinh ra bằng tiếp biến văn hóa với phương Tây và thành “chiến sĩ cách mạng”, gắn với con người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại và gắn kết với sân khấu truyền thống một cách sâu đậm, mang hồn cốt dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định.
2. Có lịch sử trăm năm hình thành và phát triển nhưng sức hút của kịch nói nói riêng đang ngày càng giảm sút. Theo PGS.TS Phạm Duy Khuê: Không chỉ thiếu kịp thời nắm bắt trình độ nhận thức và xu thế giải trí của công chúng trẻ, mà một bộ phận những người làm sân khấu kịch vẫn bằng lòng một cách tự mãn, sáo mòn và quẩn quanh với lối tư duy trong quá khứ, thậm chí, họ còn rất đắc ý về số lượng tác phẩm đã và đang sản xuất ra của mình, mà không biết rằng hiện thực và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đang thay đổi và sân khấu cũng cần phải thay đổi để phù hợp.
Là người tâm huyết với sân khấu, NSƯT Trần Lực chia sẻ: Vì sao sân khấu kịch giậm chân tại chỗ và ngày càng mất đi khán giả? Tôi tin khán giả vẫn còn yêu sân khấu. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta thế nào và chúng ta có hiểu được khán giả đang muốn gì. Tôi cho rằng sân khấu kịch lạc hậu, tụt dốc là do nhận thức về sáng tạo của người nghệ sĩ. Với nghệ thuật, dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, nhưng lại chính là điều chúng ta đang thiếu. Chưa kể, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là nhạy cảm.
Nhiều đạo diễn, người làm sân khấu kịch nhìn nhận, sân khấu kịch nói đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường và quan trọng hơn cả là không có kịch bản hay thì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó phát huy sáng tạo. Nhìn thấy rõ được điểm yếu đó, nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các trại sáng tác, kêu gọi, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ tham gia, song kết quả chưa được như mong muốn.“Chưa có được những cây bút tâm huyết, tài năng, đau đáu với sân khấu như thế hệ trước”, NSND Thúy Mùi chia sẻ.
3. Theo NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc: Kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Và giải pháp chính vẫn là kịch bản và đạo diễn.
Trước dấu mốc lịch sử 100 tuổi của kịch nói Việt Nam, NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc lo ngại: Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tự hào vì kịch nghệ Việt Nam đã có những giai đoạn cực thịnh nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều hạn chế tồn đọng khiến kịch nghệ Việt vẫn còn "ngủ đông", điều này có thể dẫn đến nguy cơ khán giả sẽ quay lưng với sân khấu kịch.
NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận: Điều gì khiến sân khấu kịch hôm nay trì trệ, lạc hậu, không theo kịp bước phát triển của thời đại. Đây là câu hỏi lớn thách thức kịch Việt phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Sức hút của kịch nói ngày càng giảm sút đó là một thực tế. Những "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Tôi và chúng ta", "Nhân danh công lý", "Đợi đến mùa xuân", "Bệnh sĩ", "Cuộc đời tôi"… có thời điểm diễn 3-4 suất/ngày đã là quá khứ.
“Giải pháp chính vẫn là kịch bản và đạo diễn. Kịch hôm nay không thể nói những điều công chúng đã biết. Chẳng hạn như việc ca ngợi, tôn vinh lực lượng tuyến đầu cực khổ, vất vả thì người dân đều biết, đều cảm nhận qua báo chí, truyền hình mỗi ngày. Thay vào đó, sân khấu phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân phải thích ứng như thế nào”, NSND Trần Minh Ngọc gợi mở.
Mặt khác, có thực trạng là từ tác giả cho đến nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật đang tự tạo vẽ ra ranh giới, tự kiểm duyệt kịch bản. Cứ mãi né tránh những đề tài thời sự, không dám phê phán như Lưu Quang Vũ đã từng viết “Tôi và chúng ta” hoặc Võ Khắc Nghiêm với “Nhân danh công lý” thì kịch nói Việt Nam mãi giậm chân tại chỗ và khán giả sẽ quay lưng.
Một thế kỷ kịch nói Việt Nam với biết bao thăng trầm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sân khấu kịch nói không thể sống mãi với hào quang quá khứ mà cần sáng tạo, đổi mới. Do vậy, dấu mốc 100 năm được kỳ vọng sẽ tạo được cú hích mới đưa kịch nói trở lại với khán giả.