Thursday, Nov 23, 01:11 PM

Đi tìm tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao

Thời gian qua, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT), trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, dù có nhiều giải thưởng nhiếp ảnh được trao thường niên, nhưng hầu như các tác phẩm được vinh danh rất mau chìm vào lãng quên, không tạo được những dấu ấn đậm nét.

Đi tìm tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao
Đi tìm tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao

Số lượng không song hành với chất lượng

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có 8 cuộc thi ảnh cấp khu vực do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) bảo trợ. Song song với các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, thành, khu vực, còn có cuộc thi ảnh quốc tế Việt Nam do VAPA tổ chức; cuộc thi ảnh do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức… Ngoài ra là một số cuộc thi ảnh do các đoàn thể, ban ngành tổ chức được VAPA bảo trợ và đề cử giám khảo. Có thể nói với sự phát triển của công nghệ, nghệ thuật nhiếp ảnh đang bước sang một “trang mới” và đang mở đường cho mọi cá nhân đều có thể trở thành những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy nhiên, dù số lượng có sự gia tăng nhưng dường như chất lượng đang bị bỏ ngỏ. Và để có được những tác phẩm đỉnh cao lại đang là vấn đề đáng bàn của nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa, công nghệ không ngừng được cải tiến và cuộc cách mạng số đã làm bùng nổ nhu cầu về nhiếp ảnh. Khi người tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh tăng đột biến, hàng ngàn những cuộc thi, triển lãm ở trong nước và ngoài nước liên tiếp mở ra. Rồi hàng triệu trang mạng cá nhân đã dùng nhiếp ảnh kết nối, giao lưu như một thứ phương tiện để thấu hiểu nhau, bất chấp cả những khác biệt về ngôn ngữ. Tận dụng thế giới phẳng, nhiếp ảnh du nhập ào ạt vào Việt Nam và từ đó đã manh nha hình thành nên những định thế mới, nó đang làm cho chất và lượng của mọi hoạt động về nhiếp ảnh khác xưa rất nhiều. Thật đáng lo ngại, khi mà phương tiện hành nghề và tư duy nhiếp ảnh thay đổi theo những chu kỳ ngày một ngắn dần. Nhưng quản lý vĩ mô về nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn đang trong tình trạng chạy theo xu thế và tìm giải pháp định hình để phát triển.

Tham gia làm giám khảo nhiều liên hoan cấp khu vực, NSNA Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban Lý luận phê bình VAPA nhìn nhận, nhiều nơi các nhiếp ảnh gia vẫn rủ nhau đi săn những hình ảnh đã quá quen thuộc như ruộng bậc thang, bình minh, hoàng hôn, làng chài, tung lưới... trong khi cuộc sống có thể cho ta đề tài vô tận để khai thác, từ vẻ của đẹp đất nước con người, đến các vấn đề về xã hội, kinh tế, văn hóa, rồi số phận con người. Có cuộc liên hoan ảnh khu vực mà các tác giả gửi đến gần 100 bức ảnh chụp cùng một nơi, na ná giống nhau.

“Trong nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo rất riêng, mang dấu ấn của người nghệ sĩ. Tất nhiên rủ nhau cùng đi sáng tác cũng là tốt, thêm niềm vui cho cuộc sống, thêm tình thân ái với các đồng nghiệp, nhưng trong chuyến đi đấy mỗi người hãy cố khai thác cái gì đó cho riêng mình, tìm ra phong cách thể hiện của riêng mình. Sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật không hề đơn giản” - ông Dũng nói.

anh-2-bai-tren.jpg
Tác phẩm “Xe đạp và hoa” của Nguyễn Phúc Thành, Giải quốc gia năm 2022.

Nâng tầm cho nghệ thuật nhiếp ảnh

Tính từ thời kỳ đầu nhiếp ảnh Việt Nam đến nay số lượng các nhà nhiếp ảnh đã tăng lên rất nhiều. Nhưng những sản phẩm nhiếp ảnh phần lớn chỉ dừng lại ở việc ghi chép đơn giản mang tính phổ cập nghiệp dư, hoặc tạo ra các sản phẩm bình dân, chứ chưa có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chất lượng cao.

Theo Chủ tịch VAPA Trần Thị Thu Đông, điều đó do rất nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Và điểm mấu chốt chính là công tác đào tạo, bồi dưỡng, vì nền giáo dục nhân văn là điều kiện cần cho tài năng nảy mầm, được phát hiện kịp thời và được chăm sóc đúng cách. Về nhiếp ảnh, trước đây, rất nhiều nhà nhiếp ảnh thành danh được đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài. Còn thời gian gần đây, rất hiếm hoi mới có người được đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong nước, hiện nay chỉ có duy nhất Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh có Khoa Nhiếp ảnh. Vì thế, các nhà nhiếp ảnh được đào tạo về chuyên môn một cách bài bản rất ít, chủ yếu là do các tác giả yêu thích, tự tìm tòi hay học hỏi, truyền nghề lẫn nhau. Từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

anh-1-bai-tren.jpg
Tác phẩm “Phơi khô cá nục” của Khánh Phan, Giải hạng mục Mở rộng ảnh du lịch của Sony World Photography Awards 2021 (SWPA).

Phó Ban lý luận phê bình nhiếp ảnh VAPA Phan Thị Phương Hiền cho rằng, sự thiếu hụt môi trường hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp là một thực tế phải thay đổi. Chúng ta đã có những nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng chưa có các thiết chế chuyên nghiệp để sưu tầm, giới thiệu, trưng bày, mua bán tác phẩm ảnh nghệ thuật. Để cải thiện tình hình, có thể cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, sự đồng lòng của cộng đồng nghệ sĩ, và sự hợp tác với các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp để xây dựng và duy trì những không gian trưng bày chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh thể hiện và phát triển tài năng của họ, đồng thời làm phong phú và phát triển ngành công nghiệp nhiếp ảnh theo Đề án phát triển công nghiệp văn hoá của Chính phủ.

“Trong bối cảnh đất nước đang trải qua quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, các sản phẩm nhiếp ảnh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và tư duy sâu sắc, đồng thời có thể góp phần quan trọng vào việc giáo dục thẩm mỹ trong xã hội, tạo đà phát triển ngành công nghiệp văn hóa” - bà Hiền bày tỏ.

Theo daidoanket https://daidoanket.vn/di-tim-tac-pham-nhiep-anh-dinh-cao-10267151.html Copylink