Bàu Bàng thành ‘thủ phủ’ công nghiệp của Bình Dương
Qua hơn 7 năm tách ra từ huyện Bến Cát (cũ), huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã từng bước “thay da đổi thịt”, khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một vùng đất thuần nông, huyện Bàu Bàng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Dấu ấn nổi bật nhất chính là xây dựng và phát huy vai trò của các khu công nghiệp (KCN) tập trung.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng hàng đầu Bình Dương
Đây là thành công đột phá của huyện Bàu Bàng, từ định hướng dịch chuyển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ngay từ khi thành lập, huyện Bàu Bàng đã quy hoạch các hạng mục quan trọng nhằm tạo bước đột phá. Trong đó, dự án đầu tiên và quan trọng nhất là KCN Bàu Bàng, với tổng diện tích hơn 2.100 ha (mở rộng thêm gần 1.000 ha) được hình thành vào năm 2016. Cùng với đó, huyện đã quy hoạch, xây dựng các KCN có vị trí giao thông rất thuận lợi, tạo bước chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư vào công nghiệp, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế.
Thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN. Hiện nay, huyện Bàu Bàng có các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, là điểm nhấn để phát triển.
Hoạt động của các KCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 18 - 20%. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bàu Bàng tăng trưởng đạt 22%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26,5%/năm và tốc độ tăng trưởng dân số đạt 9%/năm.
Cực tăng trưởng công nghiệp mới thu hút vốn ngoại
Sau khi các địa phương phía Nam như TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đã đầy ắp dự án công nghiệp, làn sóng dịch chuyển KCN tại Bình Dương bắt đầu lan tới những địa phương phía Bắc như Bến Cát, Bàu Bàng….
Việc hình thành các KCN ở phía Bắc cũng đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo kế hoạch. Trong làn sóng dịch chuyển về phía Bắc Bình Dương, Bàu Bàng được cho là địa phương hưởng lợi nhất, bởi nằm ở ví trị gần như chính giữa và là cửa ngõ phía Bắc của Bình Dương. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng 6,2 lần so với diện tích đang hoạt động.
Tính đến năm 2020, diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn huyện là trên 1.092 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 10 KCN với tổng diện tích đất tăng gấp 6,2 lần lên 6.796,80 ha. Con số này tương đương hơn 50% tổng diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại. Các KCN Bàu Bàng mở rộng tạo điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản nơi đây phát triển.
Thống kê đến cuối tháng 4/2022, huyện đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới, trong đó đầu tư trong nước là 7 dự án, với tổng số vốn đăng ký 8.334 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài thu hút 7 dự án, với tổng số vốn đăng ký 318 triệu đô la Mỹ, 2 dự án đăng ký tăng thêm vốn 13 triệu đô la Mỹ. Tính lũy kế đến tháng 4/2022, trên địa bàn huyện có 1.257 dự án, trong đó đầu tư trong nước 1.042 dự án, với tổng vốn đăng ký 40.451 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 215 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ đô la Mỹ.
Nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào KCN Bàu Bàng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (179 triệu USD); Lacouer Craft Việt Nam (98 triệu USD); Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD…
Với quy hoạch diện tích KCN tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, Bàu Bàng đang trở thành “điểm nóng” công nghiệp tại Bình Dương. Về lâu dài, khu vực này hứa hẹn sẽ trở thành những khu, cụm công nghiệp tiên phong, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.