Đất đấu giá cao sát thị trường, giới đầu tư ham kiếm lời 'ngậm đắng' bỏ cọc
Hàng loạt thông tin về các cuộc đấu giá đất gần đây cho thấy, giá khởi điểm của đất đấu giá đã cao gần bằng giá thị trường.
Gần cuối tháng 10, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá hơn 3.400m2 tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ. Có 2 mức giá khởi điểm: Các thửa đất có ký hiệu từ S2-17 đến S2-32 khởi điểm 25,7 triệu/m2; Các thửa đất có ký hiệu từ S2-01 đến S2-16 có giá khởi điểm 47,7 triệu/m2.
So sánh cho thấy, với mức giá 47,7 triệu/m2, giá khởi điểm tương ứng với kết quả trúng đấu giá Dự án Sơn Đồng, Hoài Đức tổ chức cuối năm 2020 và cao hơn 17 triệu/m2 so với đất đấu giá khu Trại Cá cùng xã đang chào bán tự do là 30 triệu/m2.
Theo thông báo mời tham gia đấu giá tài sản sẽ diễn ra vào ngày 30/10 tới đây tại Trung tâm văn hoá, thông tin, thể thao và du lịch quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), người tham gia sẽ bỏ phiếu trực tiếp tại phiên đấu giá với phương thức trả giá lên. 25 lô đất tại Khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có tổng diện tích 1.456,8 m2, mỗi lô đất có diện tích từ 38,1 – 84,8 m2; giá khởi điểm 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Tiền cọc trước tham gia đấu giá là 800 triệu đồng/lô đất.
Mặc dù tiền đặt cọc khá cao song theo cơ quan chức năng cho biết, tình trạng bỏ cọc cũng tăng khi giao dịch không thành.
Đơn cử như tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), trong hai phiên đấu giá đến thời hạn thanh toán có đến 52 trường hợp bỏ cọc với tổng số tiền trúng đấu giá gần 100 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2020, huyện Yên Dũng có 5 lô đất đã trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.
Điều đáng nói, những lô đất này từng được trả giá rất cao vào thời điểm đưa ra đấu giá, khi thị trường đang lên cơn sốt. Ví dụ, một mảnh đất có giá khởi điểm mỗi lô chỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá được đẩy lên mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng. Thực tế, nhiều trường hợp đã sang tên ngay tại buổi đấu giá, thu lời ngay lập tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, không tìm được người mua lại suất đã trúng đấu giá, các nhà đầu tư này đành "bỏ của chạy lấy người".
Theo ông Tống Thanh Chung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sky Group, nhiều người tham gia đấu giá đất chỉ lo kiếm lời mà đôi khi không có tiền thật. “Họ có 1 tỷ, họ có thể đặt cọc 10 mảnh. Khi thị trường vỡ, họ không đủ tiền vào nên họ bỏ cọc. Đa phần nhà đầu tư chạy theo sóng không có tiền thật, họ dùng đòn bẩy tài chính, vay mượn", ông Chung cho hay.