Đất dọc theo dự án cầu Trần Hưng Đạo đã đạt đỉnh?
Nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo nhà đầu tư có ý định ôm đất theo quy hoạch Cầu Trần Hưng Đạo cần cẩn trọng, bởi giá đất khu vực này đã đạt đỉnh.
Giá đất tăng cao khi nghe tin có dự án
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề xuất phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đồng thời chấp thuận giao cho một công ty lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Vị trí, Cầu Trần Hưng Đạo nằm ở khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Toàn tuyến cầu dài khoảng 5,5km, đi qua địa phận các quận Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ), Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy).
Theo ghi nhận của PV tại khu vực Cổ Linh (quận Long Biên) quy hoạch đầu cầu Trần Hưng Đạo, miếng đất rộng 270m2 mặt tiền 40m với giá 75 tỷ đồng (trung bình gần 280 triệu/ m2 đang được giao bán. Người bán mời chào, ô đất nằm ở mặt phố mới, tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo.
Cách đó không xa, căn nhà 5 tầng tại Phố Trạm, diện tích 56m2, lô góc 2 mặt thoáng (gần đường Cổ Linh, Aeon Long Biên) đang chào bán 3.85 tỷ đồng (68 triệu/m2). Xa hơn về phía Đặng Xá, căn nhà có diện tích 238m2, xây dựng 130m2/sàn x 3 tầng được chào bán 65 triệu/m2...
Trong vai người đi mua nhà, PV tìm đến một căn nhà 70m2, 5 tầng, mặt đường phố Hồng Tiến, Long Biên được giới thiệu với vị trí đắc địa, dân cư đông đúc, kinh doanh sầm uất, ôtô vào tận nhà, thanh khoản tốt và đặc biệt chỉ mất khoảng 5-10 phút ra tới cầu Trần Hưng Đạo được chào bán với giá 20 tỷ (trung bình 285 triệu/m2). Mô giới cho biết trước đây chủ nhà cho thuê với giá 50 triệu/ tháng.
Tại Phố Hồng Tiến quận Long Biên, miếng đất 350m2 (trung bình 212 triệu/m2) cũng được giới thiệu nằm ngay trung trâm giữa phố Hồng Tiến, mảnh đất gần ngay cầu vượt 2000 tỷ kết nối với Khu đô thị Thượng Thanh, cũng được giới thiệu đón đầu cầu Trần Hưng Đạo.
Theo tìm hiểu của PV cho thấy, lượng đăng tải thông tin và rao bán trên đều được gắn với cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng lên giá được đẩy cao hơn hẳn. Với thực tế, ở những khu vực này giá đã cao sẵn nên nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo là người mua, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ.
Trao đổi với PV, một số môi giới cho biết, các khu vực như đường Hồng Tiến, Cổ Linh hưởng lợi trực tiếp từ dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 và cầu Trần Hưng Đạo, kết nối giao thông vô cùng thuận lợi đến lên mặt bằng giá sẽ nhanh chóng tăng cao khi Hà Nội hoàn toàn khống chế được dịch.
“Thực tế giá nhà đất ở khu vực Hồng Tiến đã cao sẵn và bắt đầu được rao bán nhiều từ khoảng cuối năm 2019 nhưng khi ấy nhiều người còn chần chừ đầu tư vì không biết khi nào cầu mới xây. Mới đây, khi chính thức có đề xuất kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, thị trường sôi động hơn hẳn, giá cũng vì thế mà tăng hơn và trong thời gian tới nó sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi”, môi giới cho hay
Giá đất đã đạt đỉnh?
Theo báo cáo quý II/2021 của Batdongsan.com.vn, giá rao bán chung cư tại quận Long Biên đã tăng từ 3-6% so với quý trước. Trong đó, phân khúc bình dân tăng 5%, trung cấp tăng 3% và cao cấp tăng 6%. Nhà riêng, nhà mặt phố tại quận Long Biên cũng cho thấy sức hút đáng kể khi có mức độ quan tâm tăng 17%, lượng tin đăng tăng 38%. Tốc độ tăng giá nhà riêng đã tăng khoảng 5% so với quý I.
Báo cáo của tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra Long Biên và Gia Lâm góp mặt trong những khu vực có mức tăng giá mạnh nhất Hà Nội trong giai đoạn sốt đất đầu năm, tại phân khúc đất nền dự án và chung cư thị trường thứ cấp.
Theo anh Trần Hoàng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Địa Ốc Việt cho biết, hạ tầng hoàn thiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản. Ví dụ như thị trấn Châu Quỳ, Gia Lâm, những năm 2017-2018 chỉ loanh quanh khoảng 20-40 triệu/m2, thì nay, nhiều khu đô thị mới "mọc" lên, kéo theo hạ tầng đồng bộ, giá bất động sản trong vùng tăng lên 80-90 thậm chí 100 triệu.
Hay như khu vực Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, năm 2014-2017, giá bất động sản không tăng, thậm chí giảm đến 10 triệu/m2. Nhưng nay, khi hạ tầng đồng bộ, nhiều khu dân cư hiện đại được đầu tư, giá bất động sản tăng lên 60-70 triệu/m2.
Như vậy để nói rằng, khi có đầu tư hạ tầng thì giá bất động sản sẽ tăng. Cầu Trần Hưng Đạo cũng tương tự, khi hoàn thiện thì chắc chắn ít nhiều sẽ tác động đến bất động sản quanh khu vực này.
Với lợi thế đấu nối thẳng vào khu vực phố cổ Hà Nội, cây cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa rất lớn trong an sinh xã hội, việc giãn dân khu vực phố cổ cũng không phải là khó.
Ngược lại, anh Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc một công ty bất động sản trên địa bàn quận Long Biên cho rằng, Cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩ với an sinh, giải quyết áp lực giao thông cho hai cây cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy nhưng sẽ không tác động nhiều tới bất động sản.
Bởi đến nay, hạ tầng khu vực Long Biên nói chung đã hoàn thiện, giá nhà đất đang ở ngưỡng cao so với mặt bằng chung. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, khi quy hoạch 10 cây cầu trong đó có Cầu Trần Hưng Đạo đã bị giới đầu cơ "thổi" tới mức đạt "đỉnh". Và với mức như hiện nay rất khó để tăng giá, nếu có thì biên độ không lớn và giao dịch len lỏi đất trong dân, trong ngõ sâu, người đầu tư chưa ngó tới hoặc tồn do vị trí không đẹp.
"Với mức giá 50-100 triệu thì rất khó để đầu tư, thanh khoản kém, rủi ro cao. Phần lớn giao dịch là nhà mua đi bán lại và nhu cầu ở thực. Khách đầu tư hiện nay đổ xô về các vùng ven cuối Gia Lâm, Đông Anh, Văn Giang... với mức giá trên dưới 20-40 triệu/m2 mua vào, biên độ lợi nhuận cao. Nhưng những khu đó thì không thể nói do tác động của cầu Trần Hưng Đạo mà còn nhiều yếu tố, nhiều cây cầu khác nữa", anh Hải nhận định.
Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Hà Nội đang hoàn chỉnh hệ thống giao thông rất tốt đặc biệt là các tuyến trục chính xung quanh Thủ đô. Đây là cơ hội rất lớn cho khu vực phía Đông, kết nối tới các dự án lớn ở Gia Lâm, Đông Anh. Với lợi thế đấu nối thẳng vào khu vực phố cổ Hà Nội, cây cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa rất lớn trong an sinh xã hội, việc giãn dân khu vực phố cổ cũng không phải là khó.