Saturday, Mar 23, 07:03 AM

Gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội

Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn, UBND TPHCM vừa công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, đối với NƠXH, thành phố đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 6,58 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về mục tiêu này.

Gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội
Gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội
go-n250t-that-cho-nh224-o-x227-hoi_1.jpg
Nhà ở xã hội tại TPHCM quá ít so với nhu cầu thực tế.

“Khát” nhà ở giá rẻ

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, thành phố có hơn 1.570 doanh nghiệp với khoảng 400.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó có 245.151 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Do không đáp ứng đủ về nhà ở nên đa phần công nhân sống tại các nhà trọ ở xung quanh các khu công nghiệp lớn như Tân Thuận, Linh Trung I, Linh Trung II, Tân Bình, Tân Tạo,...

Những nhà trọ này phần lớn là do người dân tự bỏ vốn ra xây dựng để cho thuê với điều kiện sống chật chội, tạm bợ, chưa đảm bảo an toàn. Đặc biệt, diện tích mỗi phòng từ 10 - 12m2 cho từ 2 - 3 người. Như vậy, diện tích ở bình quân là 3-4m2/người. Giới chuyên gia đánh giá, diện tích này chưa đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu về điều kiện sống cũng như diện tích ở.

Băn khoăn về nhà ở cho người lao động, ông Trần Đoàn Trung – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM thông tin, hiện nay Liên đoàn Lao động thành phố đang quản lý 19.897 công đoàn cơ sở, với 1.334.489 đoàn viên/1.521336 lao động. Trong đó, có khoảng 70% công nhân đến từ các địa phương khác và 50% số công nhân này có nhu cầu thuê nhà ở. Công nhân lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện phải sống trong các khu nhà trọ chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn về diện tích ở tối thiểu của một người, phải đối mặt với các vấn đề về sinh hoạt và dịch vụ công cộng, dịch vụ y tế và giáo dục còn nhiều hạn chế.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM nhận định, nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TPHCM rất lớn song các số liệu thống kê gần đây được công bố cho thấy, chỉ tiêu 12 triệu m2 NƠXH đến năm 2020 mới đạt hơn 30%. Nếu tính đến hiệu quả sử dụng thì còn thấp hơn nhiều. Trong khi trước mắt còn chỉ tiêu 10 triệu m2 nhà ở xã hội đến 2030. Nhìn chung còn nhiều thách thức để giải bài toán phát triển NƠXH.

Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Thành phố vẫn thiếu nguồn cung NƠXH, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp khả năng chi trả của người có thu nhập thấp”.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

UBND TPHCM vừa công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó đối với NƠXH, thành phố đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 6,58 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về mục tiêu này, vì giai đoạn trước, thành phố đề ra mục tiêu 2,2 triệu m2 sàn NƠXH nhưng thực tế chỉ đạt được 1,23 triệu m2 sàn. NƠXH dường như vẫn bế tắc lối ra, trong khi nhu cầu thực của người dân không ngừng tăng.

Ông Trần Duy Hiệp - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thực hiện dự án NƠXH được hình thành từ việc giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch; và đất do các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Thế nhưng, thực tế công tác quy hoạch đất phát triển NƠXH chưa được quan tâm đúng mức.

Khi đề cập đến các giải pháp phát triển NƠXH, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, triển khai dự án NƠXH khó khăn cả về thủ tục pháp lý, cơ chế, hỗ trợ. Ông Khiết nhận định, thủ tục đối với NƠXH đang còn nhiều tranh cãi. Theo quy định pháp luật thì NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, tuy nhiên các ngành tài chính, tài nguyên cho rằng đất công bắt buộc phải áp dụng quản lý tài sản công, phải thẩm định giá, đấu giá. Bất cập nữa là việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000 rất khó. “Bất cập về pháp lý khiến cho thành phố hiện có khoảng 40 dự án NƠXH bị vướng. Thành phố cũng có báo cáo các bộ ngành Trung ương điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan để có nguồn thực hiện” - ông Khiết nói.

TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu xây dựng 35.000 căn NƠXH, xây dựng 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người lao động. Thậm chí, áp dụng cơ chế một cửa một dấu để rút ngắn thời gian làm hồ sơ cho các doanh nghiệp tham gia, xây dựng để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, công nhân.

Mục tiêu đặt ra là như vậy, tuy nhiên đến nay, tốc độ triển khai các dự án NƠXH vẫn rất chậm. Kết quả thể hiện rõ nét trong năm 2022, TPHCM chỉ có 1 dự án hoàn thành là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông (HQC), phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, với quy mô 260 căn hộ.

Giá căn hộ tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng

Mảng cho thuê vẫn là điểm sáng của thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM trong 2 tháng đầu năm 2023. Theo công bố của Batdongsan.com.vn ngày 17/3 cho thấy, chung cư tại TPHCM là loại hình BĐS duy nhất có mức độ quan tâm tăng trong 2 tháng đầu năm nay, với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự đều giảm từ 17% - 54%. Tín hiệu này phần nào thể hiện xu hướng của khách hàng đó là quan tâm đến các cơ hội mua căn hộ chung cư. Lãi suất ngân hàng có dấu hiệu giảm, cùng với các chính sách, chủ trương hỗ trợ thị trường BĐS gần đây, đã có tác động khá tích cực đến tâm lý người mua nhà.Các tháng đầu năm nay, giá cho thuê trung bình của căn hộ chung cư ở TPHCM tăng lần lượt là 8% và 4% so với năm 2022, ở khoảng 13 triệu đồng/căn/tháng. Mặt bằng giá bán chung cư cũng không giảm mặc dù thanh khoản còn gặp nhiều rào cản.

QUỐC ĐỊNH

THANH GIANG
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/go-nut-that-cho-nha-o-xa-hoi-5712604.html Copylink