Kiếm trăm tỷ từ đầu tư bất động sản, tôi bỏ nghề vì… muốn sống tử tế
Những năm tháng bôn ba trên thương trường bất động sản đã để lại cho nhiều nhà đầu tư khối tài sản tiền tỷ. Nhưng không ít người, dù đang trên đỉnh cao của danh vọng, tiền tài, với những thương vụ tất thắng, họ vẫn quyết định rời lĩnh vực bất động sản.
Mỗi tháng, ông H. (Hà Nội) lại dành ra trung bình khoảng thời gian 2 tuần để lên chăm sóc khu resort mini trên Hòa Bình. Thú vui của người đàn ông ngoài 40 tuổi là trồng cây, nuôi gà và cuối tuần lại đón khách du lịch từ Hà Nội lên trải nghiệm.
2 năm trước, ông vẫn còn là một nhà đầu tư bất động sản "có tiếng" trên thị trường Hòa Bình, từng đầu tư đâu thắng đó. Ông cũng là nhà đầu tư với gần 15 năm kinh nghiệm trong thị phần bất động sản nghỉ dưỡng núi. Nhưng hiện tại, ông lựa chọn một hướng đi mới trong công việc.
Từng trở thành "tay" đầu tư chuyên nghiệp, ông H. quyết định bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh farmstay.
Kể lại tháng ngày mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản, ông hào hứng say sưa nhớ lại những tháng năm "hào hùng", "buôn đâu lời đấy". Tốt nghiệp cử nhân Luật, mức lương tại một cơ quan Nhà nước đã không đủ níu giữ ông H. theo đuổi nghề. Sau này, ông H. chọn lên Hà Nội và trở thành trợ lý tư vấn pháp lý cho một ông chủ chuyên đầu tư bất động sản.
Quan sát cách ông chủ gom vốn, lại trở thành người trực tiếp tư vấn các thương vụ giao dịch, ông H. tự tích lũy kinh nghiệm chọn đất, giao dịch cũng như cách đầu tư của những người giàu.
"Ngày xưa, tôi thấy, người việt kiều mua đất Hòa Bình rất nhiều. Khi còn trẻ, tôi hay thắc mắc với ông chủ: "Sao họ lại bỏ ra nhiều tiền để mua hàng nghìn m2 "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như vậy. Ông chủ còn bảo tôi: "Vì chú chưa nhìn ra tiềm năng của nó". Dần dần, tôi cũng hiểu rằng, đất đai mới là kênh sinh ra tiền. Đầu tư đất vườn Hòa Bình cả nghìn m2 chỉ có trăm triệu đồng. Đặc biệt, tệp khách hàng quan tâm đến sản phẩm này khá nhiều".
Năm 2006 là bước ngoặt thay đổi công việc của ông H. khi công ty cắt giảm nhân sự. Để kiếm tiền, ông H. đã quyết định chuyển từ vị trí trợ lý pháp lý sang trưởng nhóm kinh doanh bất động sản.
"Lúc này, tôi không nhận lương và chỉ được tiền hoa hồng từ môi giới. Ngày đó, đúng thời điểm đất ven đô nóng, nên tôi may mắn môi giới rất nhiều thương vụ thành công. Dần dần có tiền hoa hồng, cùng kinh nghiệm đánh giá sản phẩm bất động sản, tôi bắt đầu tập đầu tư. Một vụ thành công, 2 vụ thành công… rồi rất nhiều vụ thành công đã giúp tôi có số vốn lớn" – ông H. kể.
"Tôi nhớ năm 2008, khi Ba Vì sáp nhập vào Hà Nội, đất Ba Vì sốt nóng khủng khiếp. Người dân làm ruộng còn xách bao tải tiền lẻ để đi mua đất. Ngày đó, chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng chưa phổ biến nên người dân còn tích cóp tiền, buộc thành tệp với dây chun. Có bác nông dân ngày đó đi mua xách 2 bao tải gồm nhiều cọc tiền 1.000 đồng. Tôi còn nhớ năm đó, người ta bất chấp mua đất ruộng, không cần sổ đỏ dù giá gấp 2, gấp 5 lần. Nhưng rồi, chỉ có vài người thoát được hàng với đất không có pháp lý. Đa phần nhiều nhà đầu tư tôi quen vẫn còn đọng hàng ở Ba Vì. Thế nên, kinh nghiệm đầu tư của tôi luôn là phải mua đất có sổ đỏ, không thể đánh cược tiền với sản phẩm không có tính pháp lý. Đó là lý do tôi đầu tư đất hầu như đều thắng".
Tuy nhiên, đến năm 2018, khi đang kiếm tiền tỷ từ bất động sản, thành công với nhiều thương vụ lớn, nhưng ông H. quyết định rời thương trường. Ông để dành quỹ đất hơn 1000m2 để xây dựng resort cá nhân, phục vụ nhu cầu gia đình, bạn bè và biến thành homestay cho khách trải nghiệm.
"Công việc hiện tại vất vả hơn rất nhiều. Tôi phải tự tay trồng cây, nuôi gà, dọn dẹp. Tôi cũng phải tự đăng tin, tìm khách trải nghiệm homestay. Nhưng tôi thấy thích cuộc sống như hiện tại mà không phải là tháng ngày kiếm tiền chộp giật như khi làm nghề môi giới, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản" – ông H. kể.
Chia sẻ về lý do quyết định bỏ nghề đầu tư, ông H. thẳng thắn nói: "Trải qua nhiều thăng trầm của nghề, có lúc kiếm tiền tỷ trong 1 tháng, có lúc đau đầu vì hàng tồn, chứng kiến cảnh người ta đi buôn đất bằng bao tải, chớp nhoáng khiến tôi nhận ra nghề bất động sản là sự chụp giật, dối trá. Nếu như bạn kiếm rất nhiều tiền từ bất động sản bằng cách làm không chân chính, rồi tiền cũng sẽ ra đi.
Nhà đầu tư này cho rằng: "Bất động sản là nghề khiến con người dễ đánh mất đi giá trị đạo đức. Vì muốn bán được hàng, đôi lúc, chính anh phải nói dối khách hàng, nói thật hay, đánh vào lòng tin của họ. Muốn kiếm lời lớn phải nâng giá, kênh giá, cùng các nhà đầu tư khác làm giá mới. Tôi nhìn nhiều bạn bè mình, những người từng đầu tư, tôi nghiệm ra một điều, công việc kiếm tiền từ bất động sản mà thiếu chân chính rồi cũng sẽ ra đi. Như một nhà đầu tư rất lớn ở Hòa Bình, giờ đã có trong tay hàng chục dự án. Nhưng họ chỉ mua đất rừng, về phân lô. Trong đất rừng lại có đất thổ cư, nhưng họ nhập nhèm phân lô đất cả, bán lấy tiền. Làm cách này kiếm tiền rất nhanh nhưng khi báo chí vào cuộc, họ lại mất tiền để chạy. Tiền vào cửa trước rồi lại ra cửa sau".
Ông H. cho biết, bởi nhận thấy sự xô bồ, nhốn nháo của lĩnh vực bất động sản nên ông đã quyết định giải nghệ nghề buôn đất chỉ vì: "Tôi muốn làm một việc tử tế để thấy tâm mình an hơn là làm nghề mà kiếm nhiều tiền nhưng luôn trong trạng thái lo lắng".