Saturday, May 22, 07:05 AM

Nhà ở lệch pha cung cầu

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản tại TP HCM đang tồn tại nhiều bất ổn cần giải quyết sớm. Theo đó, thị trường bất động sản lệch pha cung cầu, dư nhà ở hạng sang nhưng hiếm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền cho người thu nhập...

Nhà ở lệch pha cung cầu
Nhà ở lệch pha cung cầu
nh224-o-lech-pha-cung-cau_1.jpg
Thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở.

Khan hiếm căn hộ chào bán ra thị trường

TS Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM khẳng định: “Ngành xây dựng của TP HCM đang tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Hàng trăm dự án bị nghẽn do vướng về cấp phép đầu tư, đấu thầu giá,... làm cho nguồn cung thị trường giảm đáng kể. Vì vậy, xảy ra tình trạng cầu cao quá cung nên giá chung cư cao ngất ngưởng, người dân khó tiếp cận nhà ở”.

Ông Lịch cho hay, năm 2019 dù thị trường đóng băng nhưng chỉ đóng băng đối với những sản phẩm dang dở, chung cư cao cấp không bán được còn nhà ở vừa túi tiền vẫn giao dịch bình thường và hoàn toàn không bị khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, hiện tại thị trường bất động sản rất khác, phân khúc nào cũng khan hiếm.

Đề cập đến nguồn cung nhà ở trong vài năm trở lại đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng bày tỏ lo lắng. Thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khi nguồn cung thị trường liên tục giảm mạnh. Đỉnh cao của thị trường bất động sản năm 2017 là việc đưa ra thị trường đến 30.000 căn nhưng từ năm 2020 đến nay nguồn cung sụt giảm mạnh, căn hộ chào bán trên thị trường chỉ khoảng trên dưới 15.000 căn.

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2022 nguồn cung nhà ở ra thị trường cũng rất thấp. Đại diện HoREA cho rằng, nguồn cung ít vì dự án bị nghẽn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện có hơn 102 dự án nhà ở bị nghẽn. Trường hợp cộng cả một số dự án là chủ đầu tư chính và một số dự án thành phần thì tổng số dự án bị nghẽn sẽ hơn 130, chứ không dừng lại 102 dự án.

Không chỉ thiếu nguồn cung, thị trường bất động sản cũng đang lệch pha trầm trọng. Nếu như năm 2020 nhà ở vừa túi tiền chiếm 1% tổng sản phẩm ra thị trường thì đến năm 2021 con số này bằng 0. Cụ thể, trong năm 2021, 74% nhà ở cao cấp chào bán trên thị trường, 26% là nhà ở trung cấp. Như vậy, thị trường không ghi nhận nhà ở vừa túi tiền xuất hiện.

Dẫn chứng thêm về sự khan hiếm nhà ở vừa túi tiền trên thị trường, ông Châu cho hay, 5 năm vừa qua, từ 2015 - 2020 thành phố cung cấp được 15.000 căn nhà ở vừa túi tiền (kế hoạch là 20.000 căn), chiếm 75% kế hoạch trong khi cả nước đạt 41%.

“Nhìn sơ kết quả của kế hoạch thấy tốt song vẫn chưa ổn. Bởi vì, mỗi năm, thành phố chỉ đưa ra thị trường 3.000 căn thì không thấm vào đâu do thành phố có một lượng công nhân, lao động cực lớn, với hơn 900.000 lao động” - ông Châu nói.

Tháo các điểm nghẽn dự án nhà ở

Một số chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản chỉ thật sự bền vững khi đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân. Hơn nữa, thị trường bất động sản đóng góp một phần lớn GDP cho nền kinh tế, vì vậy đừng để thị trường bất động sản chững lại hay tăng trưởng âm. Điều này vô hình trung ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác.

“Thị trường bất động sản liên quan ít nhất 40 ngành nghề: xây dựng, du lịch, ăn uống, tài chính ngân hàng.... Trong đó, liên quan chặt chẽ với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nếu một thị trường có vấn đề thì các thị trường khác cũng ảnh hưởng theo” - TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách – tài chính tiền tệ quốc gia cảnh báo.

Nhiều quan điểm cho rằng, cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn cho các dự án nhằm cung ứng nhà ở cho người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế cùng phát triển. Ông Trần Du Lịch hiến kế, với hàng loạt điểm nghẽn khiến hơn 100 dự án phải “giậm chân tại chỗ” thì đòi hỏi phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Theo đó, UBND TP HCM phải tháo gỡ cho từng dự án. Trường hợp, tháo gỡ được vướng mắc thì bất động sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Về lâu về dài phải chỉnh sửa một số luật không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Lý do bất cập trên chính là sự chồng chéo ở nhiều luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản,... 

Để tháo gỡ cho các dự án bị vướng, cũng là muốn thị trường này phát triển, ông Lê Hoàng Châu khẳng định, thời gian qua HoREA liên tục rà soát những dự án chưa thể triển khai. Đợt 1, HoREA trình UBND tháo gỡ cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại và nhà ở xã hội của 57 doanh nghiệp. Đợt 2, HoREA tiếp tục gửi thêm 38 dự án của 29 doanh nghiệp.

thanh-giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nha-o-lech-pha-cung-cau-5687468.html Copylink