Thuê mặt bằng kinh doanh: Cơ hội ‘vàng’ sau đại dịch?
Trong “cái rủi có cái may”, việc có nhiều người trả lại mặt bằng đã thuê trở thành cơ hội “vàng” cho các nhà kinh doanh, tiểu thương có thể tìm kiếm được một vị trí kinh doanh mới tốt hơn với giá thuê hợp lý.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, quán ăn tại Hà Nội gặp khó khăn, nhiều chủ cửa hàng phải treo biển tạm nghỉ, sang nhượng mặt bằng, thậm chí phải đóng cửa kinh doanh. Trước những khó khăn đó, nhiều chủ cho thuê đã phải hạ giá thành cho thuê mặt bằng để giữ khách.
Nắm bắt cơ hội trong khó khăn
Dọc các trục phố lớn, sầm uất trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khó tìm kiếm mặt bằng kinh doanh cần sang nhượng. Theo khảo sát của phóng viên, người thuê trả mặt bằng kinh doanh đang diễn ra hàng loạt, thậm chí nhiều vị trí trước đấy từng được xem là đẹp, “hot” với giới kinh doanh, nay cũng rơi vào thực trạng khó khăn phải sang nhượng.
Trên các diễn đàn mạng xã hội về cho thuê, sang nhượng cửa hàng, nhiều người kinh doanh cũng phải đăng tin sang nhượng gấp mặt bằng kinh doanh. Sự thật hi hữu này cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Theo phân tích của các chuyên gia, trước thức trạng trên, thị trường cho thuê mặt bằng đang xuất hiện hai xu hướng: Bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê mặt bằng đang gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc là khách thuê đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá bằng cách gây áp lực, chẳng hạn như đưa ra ý kiến về việc trả mặt bằng.
Việc có nhiều người trả lại mặt bằng đã thuê đang trở thành cơ hội cho nhiều tiểu thương, nhà kinh doanh có thể tìm kiếm được một vị trí kinh doanh mới tốt hơn với giá thuê hợp lý.
Từ lâu chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã mong muốn kiếm được một vị trí đẹp để mở quán cà phê, tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát tại Hà Nội, vợ chồng chị đã tìm kiếm ở nhiều nơi nhưng vẫn không thể tìm được một mặt bằng kinh doanh ưng ý. Nắm bắt việc nhiều chủ cửa hành kinh doanh không thể trụ nổi trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Hoài Phương nhanh chóng tìm được cho mình vị trí đẹp, hợp lý tại khu vực trên phố Trích Sài.
Chị Phương cho biết: “Chủ nhà đã giảm giá cho chị từ 25 triệu đồng/tháng xuống còn gần 20 triệu/tháng. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người kinh doanh gặp khó, thế nhưng, rất may mắn với tôi vì nó lại mở ra cơ hội để tôi có thể tìm được mặt bằng đẹp, giá hợp lý. Khó khăn của người này, sẽ mở ra cơ hội cho người khác nếu như mình biết nắm bắt cơ hội”.
Không chỉ tại các con phố lớn, thị trường cho thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại… cũng cho thấy sự điều chỉnh về chính sách cho thuê. Có thể nhắc tới như Công ty Cổ phần Vincom Retail mới phát đi thông báo cho biết, doanh nghiệp này sẽ dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống, nhằm chia sẻ khó khăn do với các đối tác bởi sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO cho rằng, với tình hình hiện tại, các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai bên cùng chịu thiệt hại nặng.
Vượt sóng đại dịch
Ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khiến bất động sản cho thuê ế ẩm đã diễn ra cả năm nay. Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Những khó khăn này được tích lũy qua một thời gian dài và chưa đánh giá được hết thiệt hại.
Có thể thấy, trong suốt một thời gian dài, hàng loạt các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí, du lịch phải tạm dừng đóng cửa. Điều này dẫn đến việc dù chủ nhà có giảm giá sâu nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình khiến dư thừa nguồn cung trên thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ không thể hồi phục lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2021 khi người dân được tiêm phủ vaccine phòng Covid-19.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, sau nhiều năm vượt sóng, thị trường bất động sản cho thuê đang trở về giá trị thật. Những người có bất động sản cho thuê thời điểm này nên ngồi lại với khách để bàn bạc, đưa ra mức giảm bao nhiêu, hình thức và thời hạn giảm.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, chuyên gia môi giới Công ty Bất động sản An Bình cho rằng, một căn hộ cho thuê giá 20 triệu đồng/tháng với hợp đồng ổn định 3 đến 5 năm vẫn tốt hơn cho thuê 30 triệu đồng/tháng mà chỉ được một năm, thậm chí ngắn hơn.
“Mỗi lần cho thuê chủ nhà phải tốn ít nhất một tháng tiền nhà cho môi giới, chưa kể tốn thời gian tìm khách. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, trước mắt chủ nhà cần phải cho thuê càng sớm càng tốt và sau này có thể đàm phán lại giá, chứ càng kéo dài thời gian sẽ thất thoát càng nhiều”, anh Tùng nhận định.