5 chuỗi cà phê Việt Nam ‘mang chuông đi đánh xứ người’: Cộng được yêu thích tại Hàn Quốc, Highlands Coffee là chuỗi lớn tại Philippines
5 chuỗi cà phê Việt Nam ‘mang chuông đi đánh xứ người’: Cộng được yêu thích tại Hàn Quốc, Highlands Coffee là chuỗi lớn tại Philippines
Tất cả các chuỗi F&B của người Việt Nam, dù quy mô như thế nào, luôn có khát vọng mở rộng ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, ‘mang chuông đi đánh xứ người’ không phải là câu chuyện dễ dàng, ngoài tiềm năng tài chính và mô hình kinh doanh tốt của chuỗi F&B, còn là cái duyên gặp được đối tác nhận quyền phù hợp và có quyết tâm.
Thế nên, mới có chuyện, dù non trẻ hơn Phúc Long rất nhiều, song Cộng cà phê đã có 8 cửa hàng ở nước ngoài trong khi Phúc Long mới có 1 tại Mỹ.
Hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu tính cả 2 ‘tay chơi’ mới nhất là King Coffee và Phúc Long, hiện Việt Nam đã có 5 chuỗi F&B đã mở cửa hàng ở nước ngoài, những tên tuổi còn lại là Highlands Coffee, E-Coffee (Trung Nguyên), Cộng cà phê.
Trong đó, Highlands Coffee là chuỗi F&B Việt ra nước ngoài sớm nhất – vào năm 2011 và hiện đã có hơn 39 cửa hàng tại Philippines. Cộng cà phê chạm ngõ Hàn Quốc từ năm 2018 và hiện có 6 cửa hàng tại đất nước này cùng 2 cửa hàng tại Malaysia. Trong khi E-Coffee mở cửa hàng đầu tiên và duy nhất tại Lào vào năm 2020, King Coffee có 1 cái ở Hàn Quốc và 1 ở Mỹ còn Phúc Long mới có cái đầu tiên và duy nhất tại Mỹ năm 2021.
Người tiên phong Highlands Coffee
Highlands Coffee được thành lập bởi ông David Thai – Việt Kiều Mỹ vào năm 1998. Năm 2012, ông David Thai đã bán 50% cổ phần cho ‘ông lớn" Jolibee đến từ Philippines để lấy 25 triệu USD.
Cũng trong 2 năm 2011 và 2012, Highlands Coffee đã cho phép Digital Paradise – công ty có chuỗi cà phê internet Netopia và IP Ventures nhận quyền thương hiệu của họ tại đất nước Philippines. Digital Paradise và IP Ventures là 2 doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau.
Hình ảnh hiếm hoi của mô hình tích hợp Netopia và Highlands Coffee.
Sau gần 9 năm nhượng quyền, hiện Highlands Coffee có 39 cửa hàng - kiosk, chủ yếu ở các khu phố sầm uất và trung tâm thương mại tại thủ đô Manila và thành phố Visayas của Philippines. Còn về phần cửa hàng cà phê hợp tác giữa Netopia và Highlands Coffee, chúng tôi không có con số thống kê cụ thể. Tại Việt Nam, hiện Highlands Coffee có khoảng 400 cửa hàng trải dài trên toàn quốc.
Cộng cà phê được yêu thích ở Hàn Quốc
Cộng cà phê là một trong những chuỗi cửa hàng cà phê thành công nhất ở Hà Nội. Tiền thân của Cộng chỉ là một tiệm giải khát nhỏ trên con phố Triệu Vương vào năm 2007, được ca sĩ Linh Dung sáng lập. Cái tên "Cộng" đơn giản của quán được lấy từ chữ đầu tiên trong câu quốc hiệu "Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Theo một bản tin của KBS World vào năm 2018: Cộng Cà phê Korea là chuỗi cửa hàng nhượng quyền từ Cà phê Cộng Việt Nam, do một người Hàn Quốc tên Jung In-seop đưa về kinh doanh tại Hàn Quốc.
Ông Jung In-seop
Ông Jung In-seop có nhân duyên gắn bó với Việt Nam từ năm 2009, khi ông đến Việt Nam và làm việc cho công ty Daewoo trong 2 năm. Và một cơ duyên khác đã đưa ông đến với quyết định kinh doanh mô hình Cộng cà phê Việt Nam ở 'xứ sở kim chi'.
Đối với ông, Cà phê Cộng không chỉ là mô hình quán cà phê Việt, mà còn là nơi chứa đựng văn hóa tinh thần của người Việt trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt là thời kỳ bao cấp. Sau khi có được tư cách pháp nhân vào tháng 03/2018, Cộng Cà phê Korea đã khai trương cửa tiệm đầu tiên tại phường Yeonnam, quận Mapo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 7/2018. Hiện Cộng đã có 5 quán tại Seoul và 1 ở Gyeonggi.
Có thể nói, thông qua Cộng cà phê, người Việt Nam đã thành công nhập khẩu văn hóa Việt vào Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ Cộng mà món cà phê nước cốt dừa được người dân Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng. Thế nên, không ít người Hàn khi du lịch đến Việt Nam, vào quán cà phê nào họ cũng hỏi là có món cà phê nước cốt dừa hay không, nếu có sẽ kêu ngay để thưởng thức.
Trong vài năm gần đây, việc Việt Nam nổi lên như một điểm đến xu hướng của người dân Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á khi muốn đi du lịch, có công đóng góp không nhỏ của chuỗi cà phê Cộng tại đất nước này.
Ngoài Hàn Quốc, Cộng cà phê còn 2 cửa hàng khác tại Kuala Lumpur và Selangor ở Malaysia. Tại Việt Nam, hiện Cộng có gần 60 cửa hàng tại 13 tỉnh thành.
3 ‘tay chơi mới’ E-Coffee, King Coffee và Phúc Long
Vào tháng 10/2020, E-Coffee có cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Lào, cụ thể là ở thủ đô Vientiane.
Cửa hàng E-Coffee đầu tiên và duy nhất ở nước ngoài tại Lào.
"Sau bao ngày chuẩn bị, hôm nay, cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên E-Coffee tại Lào sẵn sàng phục vụ những người bạn yêu cà phê cùng du khách.
Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để những người bạn yêu cà phê trải nghiệm mua sắm và thưởng thức những ly cà phê năng lượng tuyệt hảo của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, bên dòng sông Mekong huyền thoại – nơi gắn kết Lào và Việt Nam thân yêu", thông báo trên fanpage của E-Coffee.
Tuy nhiên, do thủ tục phức tạp, đây là quán đầu tiên và cũng là duy nhất của E-Coffee ở Lào cũng như thị trường nước ngoài tính cho đến thời điểm này. Tại Việt Nam, E-Coffee hiện là chuỗi cà phê lớn nhất, khi có khoảng 500 cửa hàng, dù đi sau nhưng họ đã bỏ qua Higlands Coffee để dẫn đầu. Tuy nhiên, vì phân khúc của 2 bên khác nhau, nên không thể nói là ai giỏi hơn.
Phần mình, vào ngày 12/5, tại Trung tâm mua sắm Anaheim Garden Walk – bang California, TNI King Coffee đã khai trương quán cà phê đầu tiên của mình trên đất Mỹ.
Cửa hàng King Coffee tại Hàn Quốc.
"Khai trương quán đầu tiên tại Hoa Kỳ đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của TNI King Coffee trên thị trường thế giới," bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Nhà sáng lập kiêm CEO thương hiệu TNI King Coffee phát biểu. Kế hoạch đầu tiên của thương hiệu này là ra mắt cửa hàng tại Mỹ vào tháng 4/2020, nhưng do Covid-19, đã bị trễ 1 năm.
Kế hoạch mới của bà Diệp Thảo và King Coffee: từ đây đến cuối năm 2021, TNI King Coffee sẽ mở thêm 19 cửa hàng nữa trên đất Mỹ, đồng thời còn đặt ra mục tiêu có 100 cửa hàng vào năm 2022.
Ở khía cạnh khác, Hàn Quốc mới là thị trường nước ngoài đầu tiên mà chuỗi cà phê King Coffee đặt chân đến, chứ không phải Mỹ. Cửa hàng đầu tiên và duy nhất của King Coffee tại Hàn Quốc là do đối tác mở và cả hai cũng có kế hoạch nhân rộng chuỗi này lên 1.000 cửa hàng tại ‘sứ xở Kim Chi’, tuy nhiên lại không đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng năm như tại Mỹ. Tại Việt Nam, King Coffee có khoảng 50 cửa hàng.
Chuỗi F&B gần nhất tham gia cuộc đua xuất ngoại là Phúc Long. Tối ngày 21/6, trên trang Instagram chính thức của mình, thương hiệu trà – cà phê Phúc Long bất ngờ thông báo sẽ mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ tháng 7 này.
Cửa hàng Phúc Long tại Mỹ.
"Hân hạnh mang đến ly trà và cà phê Phúc Long đậm vị đặc trưng, chính thức phục vụ tại cửa hàng Phúc Long USA vào tháng 07/2021 này tại Garden Grove, California, USA", fanpage này viết.
Đồng thời, Phúc Long cũng hé lộ những hình ảnh mô phỏng cửa hàng này. Theo đó, không gian cửa hàng được thiết kế mang đậm âm hưởng truyền thống của Việt Nam, với sân gạch đỏ, nhà mái ngói, trên tường khắc hoạ lại hình ảnh đồi chè – nơi tạo ra nguyên liệu chính cho đồ uống tại đây. Trong khi đó, cách bố trí nội thất, bàn ghế khá tương đồng với các cửa hàng tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Phúc Long tự mở khoảng 82 cửa hàng và hiện họ đang tập trung vào mở các kioks trong siêu thị VinMart với cú bắt tay 'thần thánh' cùng Masan. Masan vừa mua 20% cổ phần Phúc Long với giá 75 triệu USD, mục tiêu để tích hợp kioks Phúc Long vào chuỗi 2.200 siêu thị VinMart và VinMart , nhằm tăng thêm doanh thu cho chuỗi này.
Một chuỗi cà phê khác cũng lăm le xuất ngoại mấy năm nay song vẫn chưa thành công, chính là The Coffee House. Một trong những nguyên do khiến mọi chuyện không thuận lợi với thương hiệu này, có lẽ là chuyện họ vẫn tự vận hành chuỗi chứ chưa tính đến chuyện nhượng quyền. Trong khi, 5 chuỗi kể trên đều nhượng quyền cho doanh chủ ở nước sở tại, chứ họ không hề tự làm.