5 startup F&B từng gọi vốn trên Shark Tank giờ ra sao? Soya Garden lên đỉnh rồi sẩy chân, những startup bị vùi dập sau 4 năm vẫn sống khỏe!
5 startup F&B từng gọi vốn trên Shark Tank giờ ra sao? Soya Garden lên đỉnh rồi sẩy chân, những startup bị vùi dập sau 4 năm vẫn sống khỏe!
Theo dõi các startup suốt các mùa Shark Tank Việt Nam, một điều khá thú vị ở các startup F&B là team nào được cam kết rót vốn trên truyền hình thì lại đang "đi lùi", những startup bị vùi dập, chê từ số liệu đến mô hình kinh doanh lại lội ngược dòng, sống khỏe.
Dưới đây là tình hình 5 startup F&B từng gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam 3 mùa 1-2-3.
Coffee Bike
- Founder: Hoàng Tiễn - Quốc Anh
- Số vốn gọi: 2 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần
- Kết quả: Không được đầu tư
- Tình trạng hiện tại: Phát triển từ 12 điểm lên 40 điểm bán
"Nếu như xuất phát điểm ban đầu của các em là đánh mạnh vào truyền thông mà không làm cho các em có sự khác biệt nào thì anh không tin rằng các em có thể sống sót trong thị trường lớn như thế này", Shark Vương nhận định về chuyện kinh doanh của Coffee Bike.
Lên Shark Tank gọi vốn khi đã bình tâm khỏi cú shock ‘dẹp vỉa hè’, đồng thời chuyển đổi mô hình từ xe lưu động sang quán lớn và kiosk, Coffee Bike vẫn không thuyết phục được các cá mập rót vốn.
Thời điểm lên Shark Tank Việt Nam mùa 1 vào cuối năm 2017, Coffee Bike có 12 điểm bán vừa quán lớn vừa xe lưu động đường phố. Khác với nhận định của Shark Vương, sau 4 năm lên Shark Tank, Coffee Bike hiện vẫn sống khỏe. Theo cập nhật trên fanpage đến ngày 22/6/2021, thương hiệu này có 40 điểm bán.
Soya Garden
- Founder: Hoàng Anh Tuấn
- Số vốn gọi: 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần
- Kết quả: Shark Thủy cam kết trên truyền hình rót vốn 15 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng đổi lại 45% cổ phần, 11 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thực tế rót tới 100 tỷ đồng
- Tình trạng hiện tại: Từng mở tới 50 điểm bán và đặt kế hoạch tiến sang Mỹ, Hàn Quốc, nâng quy mô lên 500 điểm bán. Hiện tại, Soya Garden đã đóng tất cả các điểm bán ở thị trường TPHCM, duy trì 7 điểm bán tại Hà Nội
Xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1 công chiếu cuối năm 2017, sự non trẻ về quản trị, vốn điều lệ khi thành lập công ty chỉ viết 30 triệu đồng, sự ngây thơ của nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn khiến 4/5 Shark lắc đầu, nhưng lại khiến Shark Thủy hứng thú.
Theo cam kết trên truyền hình, Shark Thủy sẽ rót vốn 15 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng đổi lại 45% cổ phần, 11 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm. Nhưng trên thực tế, vị cá mập này đã rót vốn lần 1 lên tới 20 tỷ đồng.
Tháng 3/2018, CTCP Soya Garden do Hoàng Anh Tuấn giữ cương vị CEO tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số cổ phần của Hoàng Anh Tuấn lúc này chỉ còn 9,54%. CTCP Tập đoàn Ozen nắm giữ 82% cổ phần Soya Garden.
Ozen là tập đoàn mới thành lập vào tháng 1/2018, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, do Shark Thủy trực tiếp sở hữu 85% cổ phần, 10% cổ phần do Egroup của Shark Thủy nắm giữ, 5% còn lại thuộc sở hữu của cá nhân bà Nguyễn Thị Dung.
Sau lần rót vốn thứ 2 lên tới 100 tỷ đồng, số cổ phần của CEO Hoàng Anh Tuấn không còn được tiết lộ. Ở thời điểm hoàng kim, Soya Garden từng mở tới 50 điểm bán và đặt mục tiêu tiến sang thị trường Mỹ và Hàn Quốc, nâng quy mô lên 500 điểm bán. Tuy nhiên, hiện chuỗi này đã rút lui toàn bộ khỏi thị trường TPHCM, duy trì 7 điểm bán tại Hà Nội, trong đó có 1 điểm bán nhượng quyền.
Rain Coffee
- Founder: Đỗ Ngọc Hòa - Nguyễn Hải Long
- Số vốn gọi: 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần
- Kết quả: Không được rót vốn
- Tình trạng hiện tại: Tăng từ 10 quán lên 22 quán nhượng quyền
"Rain Coffee mất 400 triệu đồng để mở một cửa hàng cà phê. Mỗi năm, cửa hàng đó có lợi nhuận 15 triệu đồng. Như vậy, các bạn mất 30 năm mới thu về được vốn ban đầu", Shark Lê Đăng Khoa nhận định về tiềm năng của Rain Coffee khi startup này gọi vốn trên Shark Tank hồi tháng 2/2018.
Thất bại trong việc gọi vốn lần đó giúp CEO Rain Coffee tỉnh táo hơn, và tối ưu lại con đường kinh doanh, anh Đỗ Ngọc Hòa thổ lộ trên Báo Đầu tư. Từ dấu mốc 10 cửa hàng nhượng quyền khi lên Shark Tank gọi vốn, Rain Coffee hiện đã tăng số lượng cửa hàng lên 22 điểm.
Nhà hàng chay Pema
- Founder: Lâm Hoài
- Số vốn gọi: 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần
- Kết quả: Shark Thuỷ rót 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần
- Tình trạng hiện tại: Từ 3 cửa hàng khi lên Shark Tank, Pema dường như chỉ còn 1 cơ sở
Món ăn ngon, ý tưởng hay nhưng thiếu tính thương mại hóa, đó là những gì các shark nhận xét về Pema. Với phong cách "thích đâm đầu vào khi các Shark khác lao ra", khi 4/5 Shark lắc đầu, Shark Thuỷ đề nghị đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần để có quyền quyết định thay đổi địa điểm, chiến lược công ty.
"Tôi sẽ khởi nghiệp cùng bạn. Linh hồn Pema là bạn. Nếu đạt KPI tốt, tôi sẽ đầu tư thêm để công ty nhân rộng chuỗi nhà hàng", Shark Thủy nói tại Shark Tank Việt Nam mùa 2. Lâm Hoài nhanh chóng đồng ý với đề nghị này.
Ở thời điểm gọi vốn, Hoài cho biết Pema có 3 cơ sở tại Yên Bái, Thái Nguyên và Hàng Bè (Hà Nội) sắp khai trương. Sau khi rót vốn, Shark Thủy đã hỗ trợ Pema mở thêm một cơ sở tại tòa Hà Nội Centerpoint Lê Văn Lương, ngay sát cạnh cửa hàng Mr. Bean cũng trực thuộc hệ sinh thái của Shark Thủy. Tuy nhiên, khi Covid-19 ập đến, cơ sở này cùng cửa hàng Mr. Bean nhanh chóng đóng cửa không hẹn ngày trở lại.
Cơ sở tại Thái Nguyên hiện cũng biến mất trên Foody. Cơ sở tại Hàng Bè không rõ tình trạng. Mới đây, cô gái đau đáu với món ăn chay thuần Việt cũng viết tâm thư giã biệt cơ sở "tình đầu" Yên Bái - nơi đầu tiên thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp trong lòng cô giáo ở Mù Cang Chải: "Những hẹn hò từ nay khép lại - Thân nhẹ nhàng như mây".
Vufood
- Founder: Lê Tuấn Vũ
- Số vốn gọi: 350.000 USD cho 10% cổ phần
- Kết quả: Shark Hưng rót 350.000 USD cho 36% cổ phần
- Tình trạng hiện tại: Nếu tìm kiếm từ khóa "Vufood" trên Google vào lúc này (tháng 6/2021), bạn còn được gợi ý thêm 2 chữ "lừa đảo"
Mang đến sản phẩm máy pha chế tự động Vufood, Lê Tuấn Vũ giới thiệu Vufood là sáng kiến máy pha chế cà phê và trà sữa tích hợp bán hàng tự động, mang lại nhiều lựa chọn đồ uống cho khách hàng trong một chiếc máy, có quy trình vận hành khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vufood được đặt tại các trường đại học và bệnh viện dưới hình thức thuê địa điểm cố định hoặc chia sẻ doanh thu khoảng 15%. Doanh số tại các vị trí cao điểm rơi vào khoảng 50 triệu đồng, tự doanh thì tỉ lệ lợi nhuận đạt 55%.
Vufood từ thời điểm phát sóng trên Shark Tank đã bị tố quỵt nợ 4 triệu đồng cho bài viết thuyết trình gọi vốn. Mới đây, cái tên này tiếp tục bị réo khi kêu gọi đầu tư 15 triệu đồng, mỗi tháng thu về 1 triệu không cần làm gì kèm theo lời nhắn: "Đầu tư theo Shark Hưng, đầu tư an toàn, hạn chế rủi ro, đảm bảo lợi nhuận, không cần vận hành".
Ngay sau đó, Shark Hưng và CENGroup đã lên tiếng đính chính, cho biết sau phần Due Diligence (thẩm định doanh nghiệp), Vufood KHÔNG ĐƯỢC Shark Phạm Thanh Hưng đầu tư và không có bất kỳ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới CENGroup và Shark Hưng. Hiện khi tìm kiếm với từ khóa "Vufood" trên Google, công cụ tìm kiếm tự gợi ý thêm 2 chữ "lừa đảo".